4 năm thi hành Luật Thủ đô:


Bài 2: Môi trường và hạ tầng được đầu tư đồng bộ (13:38 11/12/2017)


HNP - Song song với thành tựu trong công tác quy hoạch, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, việc thi hành Luật Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, đất đai, nhà ở, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và giao thông vận tải.

Trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, Thành phố đã chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra và đảm bảo thực hiện nghiêm quy định nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng; xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Việc thực hiện quy định về quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu đô thị, nhà ở được triển khai theo hướng ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở hiện đại ở ngoại thành, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Thành phố quan tâm đúng mức, triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm từng bước cải thiện môi trường Thủ đô, như khảo sát, bố trí lắp đặt và vận hành thử nghiệm máy nghiền phế thải xây dựng (bãi đổ phế thải xây dựng Dục Tú và nghiền phế thải xây dựng để tái chế tại dự án mở rộng đường Nguyễn Đình Chiểu); chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn theo kế hoạch; rà soát điều chỉnh bộ quy trình công nghệ - định mức - đơn giá, tiêu chí nghiệm thu lĩnh vực vệ sinh môi trường; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành tổng thể Khu xử lý rác thải rắn Xuân Sơn; thực hiện thử nghiệm chế phẩm Redoxy 3C xử lý nước rỉ rác tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, vật liệu phủ bãi mới Posi-Seil để phủ trung gian tại các ô chôn lấp hợp vệ sinh Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; đã vận hành có hiệu quả các Trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị: Kim Liên (công suất 3.700m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300m3/ngày đêm), Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (công suất 200.000m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long - Vân Trì (42.000m3/ngày đêm) đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Đối với việc triển khai Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND ngày 12/7/2013 về một số cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành, Thành phố tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý đô thị hiện đại, hướng tới thành phố thông minh. Tiếp tục triển khai chương trình “một triệu cây xanh”, đã trồng được trên 600.000 cây xanh...

Về quản lý đất đai, tiếp tục triển khai Nghị quyết 09/2013/NQ-HĐND, Thành phố đã chi trả 7.434 tỷ đồng GPMB, bàn giao 226 căn hộ, lô đất tái định cư (trên tổng số 18.449 phương án được phê duyệt với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 8.970 tỷ đồng và 590 trường hợp tái định cư). Đã nhận bàn giao mặt bằng 704ha đất thuộc 204 dự án, trong đó 77 dự án hoàn thành GPMB (một số dự án lớn như: Đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục; Đường Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng và đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; Đường Vành đai đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long; dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội)... đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ các dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời, tổ chức việc xây dựng, công bố công khai quy hoạch sử dụng đất; giá quyền sử dụng đất, giá cho thuê đất... đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất với số tiền trúng đấu giá là 5.650 tỷ đồng/10.000 tỷ đồng, đạt 56,5% kế hoạch.

Về phát triển và quản lý nhà ở, triển khai Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 về một số cơ chế, chính sách cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố, UBND Thành phố đã chỉ đạo việc lập quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ, đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện, đến nay đã hoàn thành lập quy hoạch cải tạo 10 khu, hiện đang tổ chức lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch.

Thành phố cũng đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND của HĐND Thành phố quy định về tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, đã được thực hiện nghiêm túc. Thành phố đã chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng; đặt hàng mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư với Công ty Quản lý nhà - Bộ Quốc phòng nhà X2 Linh Đàm. Lập danh mục địa điểm có khả năng xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo phương thức đặt hàng. Thành phố chỉ đạo xây dựng nhà ở xã hội tập trung tại: Tiên Dương (Đông Anh), Cổ Bi (Gia Lâm), Ngọc Hồi (Thanh Trì), Cổ Nhuế 2 và Ecohome 3 (Bắc Từ Liêm), Thượng Thanh (Long Biên)... Dự kiến, hết năm 2017, diện tích nhà tái định cư 213.000m2 sàn, tương đương với 2.134 căn; nhà ở xã hội 45.500m2 sàn, tương đương với 568 căn; bình quân đạt 25,8m2/người (mục tiêu đến năm 2020 là 26,3m2/người.

Về phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật (Điều 17); phát triển và quản lý giao thông vận tải (Điều 18), Triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND của HĐND Thành phố quy định về chính sách ưu tiên và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành, Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị xã tiến hành rà soát, lập danh mục các Dự án ưu tiên đầu tư báo cáo Thành phố phê chuẩn.

Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải cũng được Thành phố quan tâm, ưu tiên đầu tư và có chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, quan trọng. Thành phố thực hiện sắp xếp điều chuyến luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố, đến nay, đã hoàn thành 623/681 nốt, của 24 tỉnh, chiếm 99%; tổ chức vận hành tuyến buýt nhanh BRT từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã. Tổ chức triển khai thực hiện việc thí điểm trông giữ xe theo ngày chẵn lẻ trên các tuyến phố Dã Tượng, Nguyễn Gia Thiều quận Hoàn Kiếm, phố Hàn Thuyên - quận Hai Bà Trưng. Tổ chức triển khai thí điểm việc ứng dụng công nghệ tìm kiếm và thanh toán phí đỗ xe tự động qua điện thoại di động Iparking trên 02 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm từ 01/05/2017. Thực hiện khảo sát toàn bộ các điểm đỗ xe ô tô hiện có, các tuyến đường có mặt cắt từ 14m trở lên, đảm bảo đủ điều kiện triển khai ứng dụng công nghệ Iparking trên 04 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.

Đáng chú ý, Thành phố đã thông qua Đề án tăng cường quản lý các phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030. Triển khai xây dựng Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…


Thanh Tình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t