Xã Song Phượng, huyện Đan Phượng xây dựng mô hình Thôn thông minh (19:14 04/11/2022)


HNP - Sáng 4/11, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xây dựng mô hình “Thôn thông minh” trên địa bàn xã Song Phượng, huyện Đan Phượng.

Đồng chí Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc


Xã Song Phượng, huyện Đan Phượng có diện tích tự nhiên là 2,55 km2, 4 thôn với 5.209 nhân khẩu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quê hương của phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đã làm nên những kì tích trong sản xuất, trở thành xã đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha toàn miền Bắc, là “điểm sáng” thu hút nhiều địa phương trong nước đến trao đổi, học tập kinh nghiệm. Trong thời kỳ đổi mới, xã Song Phượng tiếp tục là một trong những đơn vị dẫn đầu của huyện và thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Nhận thức xã nông thôn mới kiểu mẫu có ít nhất một mô hình “Thôn thông minh” là một mô hình hay, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại 4.0, xã Song Phượng đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Thôn thông minh” đến đồng loạt 4/4 thôn trên địa bàn.
 
Từ ngày 5/10/2022 đến ngày 19/10/2022, xã Song Phượng đã triển khai xây dựng mô hình “Thôn thông minh” trên nền tảng là các “Tổ tự quản thông minh” và những “Công dân số” đến 4 thôn và 36 tổ tự quản trên địa bàn xã. Xã đã thành lập 1 Tổ Công nghệ số cộng đồng xã; 4 Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng ở 4 thôn phối hợp với các Tổ trưởng tổ đảng, Tổ trưởng tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số, phổ cấp kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng  phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...
 
Công tác tuyên truyền, quán triệt về xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, “Tổ tự quản thông minh” được triển khai sâu rộng, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, từ đó nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Điểm nhấn trong công tác tuyên truyền là cuộc thi “Xuân sắc quê tôi”. Chỉ trong thời gian 4 ngày, UBND và Hội LHPN xã đã lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thành công cuộc thi. Các video clip với nội dung quảng bá hình ảnh, con người, hưởng ứng cuộc thi “thôn, xóm sáng-xanh-sạch đẹp-an toàn-văn minh”, tuyên truyền xây dựng mô hình “Thôn Thông minh”, “Tổ tự quản thông minh”, đã có sức lan tỏa rộng qua những lời bình luận, lượt yêu thích, chia sẻ.
 
Bí thư Huyện ủy Trần Đức Hải và Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng tặng điện thoại thông minh cho các đồng chí Bí thư Chi bộ và Trưởng thôn
 
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, qua một thời gian ngắn triển khai mô hình “Thôn thông minh” đạt được kết quả nổi bật ở 3 nội dung chính, đó là: Thực hiện giao tiếp thông minh; Thực hiện một số dịch vụ xã hội thông minh, môi trường thông minh, thương mại điện tử; Thực hiện video 360o vào quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử văn hóa, cách mạng.
 
Cụ thể, thực hiện giao tiếp thông minh, UBND xã đã triển khai thành lập 04 nhóm Zalo của 04 thôn, 36 nhóm Zalo của các tổ tự quản, từ đó việc trao đổi, tuyên truyền, thông tin được truyền đạt tới từng hộ gia đình một cách nhanh chóng, đầy đủ; việc giải quyết tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính tư pháp - hộ tịch được thực hiện ngày một thuận tiện, hiệu quả.
 
Thực hiện một số dịch vụ xã hội thông minh, môi trường thông minh, thương mại điện tử, UBND huyện đã triển khai lắp bảng truy cập mã QR tại nhà văn hóa để người dân được hướng dẫn thủ tục hành chính như khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực...04/04 nhà văn hóa thôn được trang bị hệ thống internet, wifi miễn phí. Đã xã hội hóa 236 triệu đồng để lắp đặt 68 camera an ninh và 91 đèn năng lượng mặt trời, nâng tổng toàn xã lên 579 camera an ninh và 147 đèn năng lượng mặt trời. Có đến 93,7% số hộ gia đình sử dụng tài khoản ngân hàng; 94% số hộ gia đình sử dụng mạng internet, wifi. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, sử dụng giao dịch điện tử, bán hàng online, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Bên cạnh đó, còn áp dụng một số công nghệ thông minh vào lĩnh vực an ninh (cấp căn cước công dân có gắn chíp đạt 95%, cấp định danh điện tử đạt 79,3%). Y tế đã áp dụng chữ ký số trên hộ chiếu Văcxin, nhập dữ liệu trên phần mềm chuyên ngành. Tại các trường học có hệ thống phòng họp, học trực tuyến qua Zoom, Google Meet. Từ đó các dịch vụ y tế, giáo dục cho người dân ngày càng được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã được đảm bảo, cải cách hành chính ngày càng được đẩy mạnh...
 
Với những kết quả đạt được ban đầu đã góp phần thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của Huyện ủy Đan Phượng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo. 
 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Đức Hải, Bí thư huyện ủy Đan Phượng biểu dương những kết quả đạt được của cán bộ, nhân dân xã Song Phượng trong thực hiện mô hình “Thôn thông minh”.
 
Lưu ý những kết quả mà huyện Đan Phượng, trong đó có xã Song Phượng đạt được đến nay chỉ là bước đầu, đồng chí Trần Đức Hải nhấn mạnh, để tăng cường ứng dụng công nghệ và thực hiện được chuyển đổi số một cách tổng thể, toàn diện, hiệu quả và thực chất, Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành của huyện cần phải xây dựng các kế hoạch với các nội dung công việc triển khai cụ thể, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực tạo được sự thay đổi về phương thức quản lý, vận hành và quản trị xã hội. 
 
Đồng thời, tuyên truyền phổ biến cách làm hay, nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, từ đó sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Các ngành, các cấp, các địa phương cần tránh mọi tư duy thụ động, ngại việc mới, ngại tiếp nhận, tiếp thu nội dung công việc mới, xây dựng hạ tầng thông tin, số liệu, dữ liệu không có sự đồng bộ, thống nhất giữa các ngành, các cấp. Không làm kiểu hình thức, làm cho có triển khai đầu việc. 
 
Bí thư Huyện ủy Trần Đức Hải cũng yêu cầu xã Song Phượng tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 28 ngày 20/12/2021 của Huyện ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Lê Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t