Đan Phượng: Sức bật từ Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (13:13 23/12/2020)


HNP - Huyện Đan Phượng không chỉ đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới, mà còn dẫn đầu thành phố Hà Nội trong thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Bằng sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự quyết liệt trong chỉ đạo, sáng tạo trong cách làm, Chương trình OCOP của huyện Đan Phượng được triển khai sâu rộng, tạo sức bật mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Hội nghị đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện Đan Phượng năm 2020


Phát triển sản phẩm lợi thế
 
Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý 2020, ở huyện Đan Phượng, không khí rộn ràng hơn hẳn những ngày thường. Dọc các tuyến đường lớn, trên những cánh đồng của huyện, khách hàng tấp nập giao dịch trao đổi mua bán hàng hóa. Dạo quanh một vòng các làng nghề truyền thống trên địa bàn, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND huyện chứng kiến Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP thành phố Hà Nội và huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện năm 2020. Dẫn chúng tôi tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt thông tin, với lợi thế phát triển nông nghiệp, làng nghề, năm nay, huyện Đan Phượng có nhiều sản phẩm đặc sản nổi tiếng được đánh giá cao như: Nem Phùng (thị trấn Phùng), chuối tiêu hồng (xã Liên Hà), bưởi tôm vàng (xã Thượng Mỗ), nho hạ đen (xã Phương Đình), khoai lang kén (xã Trung Châu), Đông trùng hạ thảo (xã Song Phượng)...
 
Có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Đăng Quý - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng) cho hay: “Hợp tác xã có 16 sản phẩm nông nghiệp gồm các loại rau tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đều được trồng trong nhà màng áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy từ trong ra ngoài, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng téc phun sương chờ ngày thu hoạch. Hiện nay, hợp tác xã đang cung cấp sản phẩm cho 16 trường mẫu giáo của huyện Đan Phượng và nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội với số lượng 2-4 tấn rau xanh các loại/ngày, thu về 50-100 triệu đồng”.
 
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí đánh giá, 62 sản phẩm tiêu biểu của 14 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Đan Phượng năm 2020 khá đa dạng, phong phú, có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh và doanh thu cao, đặc biệt có một số sản phẩm nông nghiệp của một số hợp tác xã, địa phương tiêu biểu... Đơn cử, sản phẩm bưởi tôm vàng của xã Thượng Mỗ không chỉ thơm ngon, còn dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm bưởi tôm vàng xã Thượng Mỗ đáp ứng đủ tiêu chí, phân loại, xếp hạng sản phẩm OCOP. Hay sản phẩm nho đen của Hợp tác xã Rau an toàn xã Phương Đình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hệ thống tưới nước tự động, phân bón hữu cơ nên sản phẩm năng suất rất cao. Theo ông Nguyễn Văn Chí, các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của huyện Đan Phượng được đánh giá, công nhận theo tiêu chí chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
 
Tạo những hiệu ứng tích cực
 
Được biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội và trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, nhận thấy Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế nông thôn có thể ứng dụng, giải mã được cho các nút thắt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, huyện Đan Phượng đã huy động cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ này. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai khảo sát, đánh giá, phân hạng 300 sản phẩm trên địa bàn thuộc 4 nhóm sản phẩm thực phẩm, đồ uống, lưu niệm - nội thất - trang trí, dược liệu. Trước khi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP thành phố Hà Nội đánh giá 62 sản phẩm tiêu biểu của 14 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, huyện Đan Phượng đã tiến hành khảo sát, đánh giá 107 sản phẩm trên địa bàn để hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ cho các sản phẩm đủ điều kiện. Toàn huyện đã có 54 sản phẩm của 13 chủ thể được đánh giá phân hạng, trong đó, 19 sản phẩm đạt 4 sao (lan hồ điệp, trà xạ đen, gà và chân gà, tương ớt, nước uống thảo dược), 35 sản phẩm 3 sao (các sản phẩm rau, đậu, nấm, nem, khoai lang kén, rượu). “Các sản phẩm OCOP đạt 4 sau, 3 sao đều có hồ sơ đầy đủ, mẫu mã, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… Các chủ thể cũng đều cam kết sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, có bản công bố chất lượng sản phẩm bảo đảm theo đúng quy định…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ.
 
Đánh giá về những kết quả đạt được của địa phương, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết: Huyện đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó, Chương trình OCOP là một trong những chương trình phát triển kinh tế được ưu tiên quan tâm hàng đầu. Qua đó, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế, góp phần tái cơ cấu kinh tế huyện Đan Phượng theo hướng bền vững, gia tăng giá trị. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, tạo tiền đề phát triển huyện lên quận. Vì vậy, sau khi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP thành phố Hà Nội đối với đánh giá 62 sản phẩm tiêu biểu của 14 chủ thể, huyện Đan Phượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh, quan tâm đến các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi, vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; đồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện...

Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t