Ứng Hòa: Hiệu quả bước đầu từ những mô hình nông nghiệp (20:40 18/07/2019)


HNP - Để khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, trong thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện theo hướng xây dựng những vùng chuyên, sản xuất thực phẩm an toàn tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. 

Mô hình nuôi cá theo hướng sinh học tại huyện Ứng Hòa


Trong thời gian qua, huyện Ứng Hòa đã tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phong phú. Việc mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được các đơn vị sản xuất quan tâm thực hiện góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Định hướng cho người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị canh tác.
 
Là huyện thuần nông, huyện đã tập trung phát triển mô hình liên kết trong sản xuất lúa J02. Huyện đã có 1 HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đã xây dựng 15 giàn sấy lúa tại xã Hồng Quang để thu mua lúa tươi J02 xuất khẩu. Đang xây dựng dự án chuỗi sản xuất - chế biến lúa gạo tại xã Liên Bạt nhằm thu mua, bao tiêu lúa gạo tiêu thụ trong thị trường trong nước và xuất khẩu. Huyện đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng Khu Cháy, đã được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
 
Ngoài mô hình hình này, huyện còn phát triển mô hình cây bưởi Diễn được trồng tập trung tại các xã như tại xã Viên Nội, Đồng Tiến, Hòa Xá cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn so với các loại cây ăn quả khác với diện tích trồng khoảng 95ha. Trong đó, diện tích cây 10 năm tuổi trở lên là 45ha. Hiện nay, đã thành lập HTX Bưởi Vietgap Đồng Tiến với mục tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ. UBND xã Đồng Tiến đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ nâng cao kỹ thuật sản xuất của các hộ trồng bưởi được chứng nhận Vietgap, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đối với sản phẩm bưởi Đồng Tiến, từ đó, nhân rộng ra các vùng bưởi khác trên địa bàn huyện.
 
Với thế mạnh về chăn nuôi thủy sản, huyện Ứng Hòa đã đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện nay, trong huyện đã có 2 hộ tại thôn Lưu Khê – xã Liên Bạt đang nuôi cá Vietgap, có tem truy xuất nguồn, sản phẩm đầu ra sẽ đưa được vào các siêu thị, nhà hàng, trường học, bếp ăn tập thể… 
 
Ngoài phát triển thủy sản, sản phẩm thủy cầm cũng được huyện tập trung đầu tư để phát huy lợi thế. Trong đó, có xã Đông Lỗ phát triển mạnh chăn nuôi vịt đẻ với số hộ nuôi có quy mô lớn trên 3.000 con/hộ là 40 hộ, số lượng vịt đẻ là khoảng 200.000 con. 
 
Trên địa bàn huyện đã có 1 cơ sở giết mổ gia cầm được kiểm soát giết mổ tại xã Phương Tú, đồng thời, chủ cơ sở cũng là đại diện sử dụng nhãn hiệu vịt Vân Đình. Tuy nhiên, việc sử dụng nhãn hiệu chưa có hiệu quả do Hội vịt Vân Đình chưa xây dựng được quy trình nuôi cụ thể và các thành viên của hội chưa tuân thủ các quy định của việc sử dụng nhãn hiệu.
 
Ngoài các sản phẩm thế mạnh, hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 vùng sản xuất rau an toàn theo quy hoạch của UBND thành phố với diện tích 130,6ha. Trong đó có 2 mô hình sản xuất rau theo hướng công nghệ cao. Đặc biệt như mô hình trồng rau trong nhà lưới xã Sơn Công, xã Phù Lưu cho hiệu quả kinh tế mang lại từ 400 triệu đến trên 1 tỷ đồng. Mô hình nhà kính trồng dưa lưới xã Phù Lưu, với diện tích 3000m2, đang sản xuất dưa lưới quả xanh, cho lãi 100 triệu đồng/sào/vụ. 
 
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết: Hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau và nông dân với doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, cung cấp sản phẩm nông sản đủ về số lượng, đồng đều về chất lượng. Từ đó, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm thời gian cho doanh nghiệp thực hiện hợp đồng sản xuất, kinh doanh với đối tác để tiêu thụ sản phẩm.
 
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, huyện Ứng Hòa sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế của từng địa phương và nhu cầu của thị trường. Từ đó, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của từng vùng. Đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t