Làng cổ Đường Lâm: Bài toán khó trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích (10:34 07/06/2018)


HNP - Được công nhận "Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia" từ năm 2006, nhưng đến nay, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại làng cổ Đường Lâm vẫn là bài toán khó. Để giải quyết thỏa đáng được vấn đề giữa bảo tồn và phát triển nhằm phát huy giá trị làng cổ mang tính chất đặc thù khi được gọi là "di tích sống" này, cần sự vào cuộc tích cực từ cấp chính quyền đến cộng đồng người dân.


Sau 12 năm, không thể phủ nhận rằng, làng cổ Đường Lâm đã có những thay đổi rõ nét trong công tác quản lý, bảo tồn và đã bước đầu phát huy giá trị các di tích; ý thức trách nhiệm của cả người quản lý lẫn người dân trong giữ gìn, bảo tồn di tích được nâng cao. Khi Đường Lâm được công nhận là xã nông thôn mới cũng đã góp phần thay đổi bộ mặt đời sống địa phương, một bộ phận người dân đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế và có thêm thu nhập từ tổ chức các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch.
 
Tháng 9/2017, UBND TP Hà Nội đã bố trí ngân sách đối với dự án tu bổ, tôn tạo 10 ngôi nhà cổ. Đến tháng 11/2017, thị xã Sơn Tây phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và đến nay đang triển khai tu bổ được 5 nhà cổ. Tuy nhiên, Đường Lâm còn rất nhiều ngôi nhà cổ lâu năm đã xuống cấp mà người dân có nhu cầu tu bổ, tôn tạo lại. Điển hình như hộ gia đình ông Kiều Văn Thắng, thôn Đồng Sàng. Ông Thắng cho biết, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1762, qua thời gian dài đã cuống cấp trầm trọng bởi tường nhà bằng đất, vì kèo đỡ mái ngói làm bằng tre nay đã mục. Gia đình ông Thắng mong muốn Nhà nước hỗ trợ tu sửa để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho gia đình.
 
Đề cập đến một số tồn tại, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn cho biết, những khó khăn bất cập trong 12 năm quản lý Đường Lâm rất nhiều. Trong đó, khó khăn lớn nhất là về quản lý trật tự xây dựng, bởi từ khi được công nhận, tại làng cổ, nhà muốn cơi nới, xây dựng phải có sự thỏa thuận, cấp phép của cơ quan chức năng, tuân thủ quy định chiều cao, khoảng lùi, thiết kế… để phù hợp với không gian, cảnh quan, kiến trúc. Theo quy định, khu vực bảo tồn 1 chỉ được xây 1 tầng, khu vực 2 được xây 2 tầng, trong khi đó, số người sinh sống trong một ngôi nhà ngày càng tăng, diện tích nhà lại không được mở rộng, nhà cổ xuống cấp khiến người dân rất khó khăn trong sinh hoạt. Chính vì vậy, để thực hiện quản lý và bảo tồn, để cấp phép xây dựng các công trình, nhà ở riêng lẻ, 20 mẫu nhà cổ đã được thiết kế và, đến nay, Ban quản lý đã tư vấn, hướng dẫn cho 174 hộ, thiết kế 143 mẫu nhà miễn phí cho người dân có nhu cầu cấp phép xây dựng.
 
Khó khăn thứ 2, theo ông Sơn là việc phát huy giá trị di tích. Cụ thể, Đường Lâm là "di tích sống", người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp. Nếu theo kế hoạch đặt ra thì đến năm 2015 có ít nhất là 45% người dân làm dịch vụ du lịch, tuy nhiên, đến nay, mới có 10% người dân làm dịch vụ du lịch tương đương 10% số hộ có thu nhập từ du lịch. Nguyên nhân của việc chưa có nhiều hộ dân muốn làm dịch vụ du lịch là do việc chuyển đổi từ nông nghiệp sang dịch vụ còn chậm, người dân cũng chưa biết cách làm du lịch dù thị xã cũng đã có nhiều lớp tập huấn, đưa người dân đi học tập các mô hình du lịch, mô hình homestay, mời chuyên gia, mời công ty lữ hành về để hỗ trợ người dân, cho người dân vay tiền... Về sản phẩm du lịch, nơi đây mới có một số sản phẩm như: Chè xanh của hộ dân Cam Lâm, chè lam, kẹo lạc... còn lại các sản phẩm đặc thù khác chưa nhiều. 
 
Theo Phó Chủ tịch Thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh, thời gian tới, Thị xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo tồn làng cổ Đường Lâm; thứ hai là tập trung vào công tác đầu tư để tạo cơ sở hạ tầng tốt hơn; thứ ba là đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích làng cổ Đường Lâm thì mới giảm bớt mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Ngoài ra, tập trung nâng cao các sản phẩm du lịch, tour du lịch và công tác hướng dẫn du lịch. Đặc biệt, tất cả công việc triển khai trên làng cổ đều phải bảo đảm minh bạch, dân chủ, người dân phải được tham gia để thấy được giá trị làng cổ nơi mình sinh sống.
 
Giải pháp khác thị xã quyết tâm thực hiện là thực hiện dự án giãn dân, đây là mấu chốt nhất trong việc bảo tồn và cũng là việc lâu dài để công tác quản lý trật tự xây dựng trên làng cổ được tốt hơn. Thị xã cũng tập trung phát triển dịch vụ du lịch theo đề án phát triển kinh tế của xã, đa dạng hóa các sản phẩm để phục vụ du lịch. Có như vậy, nhiều người dân Đường Lâm mới tham gia vào quá trình thực hiện, nâng cao đời sống trên mảnh đất của mình. Ngoài ra, tiếp tục thu hút đầu tư; quan tâm cải tạo môi trường; quy hoạch các điểm bán hàng...

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t