Huyện Ứng Hòa: Nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (10:34 11/05/2018)


HNP - Xác định việc tạo việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo, trong những năm qua, huyện Ứng Hòa luôn tập trung mọi nguồn lực cho công tác này. Đặc biệt, hoạt động của điểm giao dịch việc làm trên địa bàn huyện đã tạo cơ hội việc làm cho người lao động và doanh nghiệp có thêm nguồn nhân lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhiều bạn trẻ đăng ký nộp hồ sơ tại các phiên giao dịch việc làm


Hiện nay, toàn huyện hiện có tổng số 56.441 hộ dân, trong đó, có 34.000 hộ lao động nông nghiệp (chiếm gần 60,3%). Số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60% dân số, vì vậy, số lao động có nhu cầu tìm việc làm rất lớn. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện mới có 1 cụm công nghiệp, 2 điểm công nghiệp, trên 400 doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, lực lượng lao động của huyện vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là số học sinh sau các cấp học phổ thông không có điều kiện để học tiếp lên chuyên nghiệp. Do đó, vấn đề hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết. 
 
Trước thực trạng đó, huyện Ứng Hòa luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2013 đến nay, UBND huyện phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức thành công 6 phiên giao dịch và tư vấn việc làm với trên 260 doanh nghiệp, đơn vị tham gia với gần 10.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Qua các phiên, đã thu hút trên 9.000 lượt người lao động tham dự, 2.141 người được phỏng vấn trực tiếp, 1.250 lao động được tuyển dụng, hơn 1.000 lao động được học nghề.
 
Qua các hoạt động của các điểm giao dịch việc làm, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn được số lượng người lao động với chất lượng phù hợp, tránh được tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Chị Nông Thị Phương, cán bộ phụ trách nhân sự của Công ty TNHH New Wings, nằm trên địa bàn huyện Ứng Hòa cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực chuyên cho thuê người lao động. Năm 2018, Công ty có nhu cầu cần tuyển dụng hơn 2.000 lao động phổ thông. Theo chị Phương, trong những năm qua, nhờ những phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại huyện Ứng Hòa nên đã tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để tuyển dụng được lao động góp phần quan trọng trong việc giải quyết sự thiếu hụt nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
 
Cùng với việc quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, UBND huyện Ứng Hòa cũng tích cực hỗ trợ kinh phí đào tạo dạy nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg cho người lao động thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ thuộc vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bộ đội xuất ngũ với nhiều ngành nghề tạo điều kiện cho người lao động có thêm cơ hội, chủ động tham gia thị trường lao động, lựa chọn các công việc phù hợp với khả năng của mình, nâng cao đời sống.
 
Đánh giá về hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động nông thôn tại huyện Ứng Hòa, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, điểm giao dịch việc làm vệ tinh huyện Ứng Hòa đi vào hoạt động ngày càng có hiệu quả. Tính từ khi thành lập đến nay, Điểm giao dịch việc làm vệ tinh huyện Ứng Hòa đã tổ chức được 42 buổi giao dịch việc làm thu hút trên 125 Doanh nghiệp và 2.081 lượt người lao động tham gia tư vấn, phỏng vấn, kết quả đã có 292 người lao động đã trúng tuyển tìm được việc làm phù hợp.
 
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền bằng mọi hình thức để các thông tin về lao động việc làm đến với người lao động cũng như các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động có nhu cầu được đào tạo, học nghề, tìm việc làm cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu và có nhiều sự lựa chọn để phù hợp với khả năng, điều kiện của mình trong lao động và việc làm.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t