Huyện Chương Mỹ: Mở rộng vùng chuyên sản xuất rau lên thành 369,8ha (17:15 21/05/2017)


HNP - UBND huyện Chương Mỹ vừa điều tra, khảo sát đề án phát triển sản xuất rau an toàn trên địa bàn. Đây là một trong những đề án được hưởng các cơ chế, chính sách của HĐND TP Hà Nội trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Sau 5 năm thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, huyện Chương Mỹ đã mở rộng vùng chuyên sản xuất rau lên thành 369,8ha, trong đó, thị trấn Chúc Sơn và xã Thụy Hương 145,5ha đã được thành phố phê duyệt 2 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với kinh phí đầu tư trên 50 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống đường giao thông nội đồng, công trình điện phục vụ sản xuất, nhà sơ chế và một phần hệ thống tưới đã được đầu tư đồng bộ và đưa vào sử dụng năm 2013.

Ngoài ra, thành phố tiếp tục hỗ trợ thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; 210 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất như: Mô hình sản xuất rau VietGAP 10ha và mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị 4ha tại thị trấn Chúc Sơn. Cụ thể, đã hỗ trợ 70% năm thứ nhất và 50% năm thứ hai kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho diện tích 50ha rau chuyên canh tại thị trấn Chúc Sơn.

Đến nay các vùng chuyên canh trồng rau tại thị trấn Chúc Sơn và xã Thụy Hương đã có 5 công ty, đơn vị đến thuê đất để phát triển rau an toàn, rau VietGAP. Các hộ trong vùng rau đã liên kết thành lập 2 hợp tác xã chuyên về sản xuất, kinh doanh rau an toàn. Nhờ vậy, tổng số diện tích rau được chứng nhận an toàn, VietGAP trên địa bàn huyện là 28,6ha, chiếm 6,7% tổng diện tích vùng chuyên canh rau.

Bên cạnh diện tích rau được đơn vị có thẩm quyền chứng nhận an toàn, VietGAP, diện tích còn lại trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung, các hộ đã được tập huấn, đào tạo IPM nên nhận thức của người sản xuất được nâng lên, chấm dứt tình trạng một hộ sản xuất hai luống rau (một luống sử dụng, một luống bán cho người tiêu dùng).

Hiện nay, năng suất vùng chuyên canh rau đã đạt trung bình 50 tấn/ha, tăng 1,5 lần so với năm 2012, tại vùng thâm canh cao (Chúc Sơn, Lam Điền) đã đạt 80 tấn/ha. Một số công ty, hợp tác xã, nhóm hộ đã xây dựng được hệ thống giám sát, minh bạch quá trình sản xuất rau và gắn kết giữa sản xuất và thị trường theo chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thông qua đề án đã tác động tích cực, làm thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân trồng rau. Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học đạt khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc trên cây rau; chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch rau.


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t