“Cú huých” cho sản xuất rau ở Phúc Thọ (16:06 11/04/2017)


HNP - Là huyện thuần nông, Phúc Thọ xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, phát triển vùng chuyên canh trồng rau an toàn quy mô lớn là cây trồng chủ lực. Tuy vậy, quá trình triển khai đầu tư một số dự án trồng rau an toàn của huyện gặp vô vàn khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Trồng rau an toàn, hướng phát triển kinh tế của nông dân ngoại thành Hà Nội


Theo định hướng quy hoạch phát triển mạng lưới sản xuất rau an toàn thành phố đến năm 2020, huyện Phúc Thọ đã tiến hành triển khai lập và thực hiện 5 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất rau an toàn: Thôn Thượng Lộc, xã Thọ Lộc; thôn Phú An, xã Thanh Đa, khu đất bãi xã Hát Môn; khu bãi A, xã Vân Phúc và vùng sản xuất rau an toàn xã Võng Xuyên. Như vậy, toàn huyện Phúc Thọ có 520ha trồng rau an toàn thuộc 23 xã, thị trấn. Trung bình, mỗi năm, huyện Phúc Thọ cung cấp ra thị trường gần 40.000 tấn rau các loại…

Hiệu quả về kinh tế, xã hội đem lại từ sản xuất rau an toàn ở huyện Phúc Thọ có lẽ không cần phải bàn thêm. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất rau an toàn của huyện gặp không ít khó khăn. Đơn cử, dự án vùng sản xuất rau an toàn Thanh Đa. Năm 2013, hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án này cơ bản đã xây dựng xong và đưa vào hoạt động. Cuối năm 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho 50ha rau của thôn Phú An, Thanh Đa. Tiếc rằng, hệ thống tưới thiết kế chưa phù hợp với các thửa ruộng của người dân, số lượng vòi bơm nước vào ruộng phân bố không đều. Một số thửa ruộng có 2 vòi bơm nước, nhưng cũng có thửa ruộng không có vòi bơm nước nào khiến người dân tưới nước bằng thùng hoặc xô. Mặt khác, nhà sơ chế diện tích nhỏ, chưa đáp ứng hết nhu cầu sơ chế đóng gói của vùng sản xuất.

Dự án vùng sản xuất rau an toàn ở khu đất bãi xã Hát Môn cũng cảnh ngộ tương tự. Các hạng mục đầu tư cơ bản đã xây dựng xong nhưng mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân về sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, do nhiều nguyên nhân khiến các dự án sản xuất rau an toàn của Phúc Thọ gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất rau an toàn thôn Thượng Lộc, xã Thọ Lộc là một ví vụ. Tổng dự toán dự án này được phê duyệt 27,492 tỷ đồng nhưng chưa được bố trí vốn để tiến hành triển khai thực hiện. Dự án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn thôn Phú An, xã Thanh Đa, tổng dự toán phê duyệt 27,488 tỷ đồng nhưng mới bố trí được 17,8 tỷ đồng, số vốn còn thiếu so với tổng mức dự toán 10,188 tỷ đồng. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất rau an toàn khu đất bãi xã Hát Môn, tổng dự toán 33,297 tỷ đồng nhưng mới bố trí được 22 tỷ đồng. Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất rau an toàn xã Võng Xuyên, tổng dự toán 26,389 tỷ đồng do chưa có vốn nên chưa triển khai thực hiện.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả nên đời sống nhân dân huyện Phúc Thọ cải thiện đáng kể. Nhiều hộ gia đình trồng rau an toàn ở Thanh Đa cho thu nhập trung bình từ 400 đến 600 triệu đồng/ha. Hoặc ở xã Hát Môn, trước khi thực hiện dự án sản xuất rau an toàn người dân trồng đậu tương với hiệu quả kinh tế thấp, khoảng 100 triệu/ha/năm. Sau khi dự án cơ bản hoàn thiện và đưa vào sử dụng, bước đầu đã trồng từ 15 đến 20ha rau an toàn cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, ở xã này có 2 đơn vị đang thuê đất của dự án để triển khai trồng rau gồm: HTX Rau Đan Phượng thuê 1ha trồng măng tây xanh và một cá nhân thuê 1,5ha trồng rau trong nhà màng nhà lưới.

Để tạo “cú huých” cho sản xuất rau an toàn, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, huyện Phúc Thọ vừa kiến nghị thành phố chấp thuận các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất rau an toàn xã Võng Xuyên, bãi A xã Vân Phúc, thôn Thượng Lộc, xã Thọ Lộc là vùng sản xuất RAT tập trung trọng điểm của thành phố. Đồng thời, hỗ trợ vốn các dự án nêu trên đang thực hiện ở dang do thiếu vốn nhằm sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, huyện Phúc Thọ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp theo hướng hiện đại thông qua cơ chế chính sách, quan tâm, đầu tư về giống, vốn, hướng dẫn kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm; tập trung xây dựng quy hoạch, thực hiện tuyên truyền, vận động để nhân dân mạnh dạn chuyển đổi và nhân rộng các mô hình theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế; tiếp tục có chính sách ưu đãi cho vùng chuyên canh và tiêu thụ rau an toàn, hỗ trợ giá bán, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất…, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.


Tuấn Vũ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t