Doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản, người “tỏ tình” với núi, “hẹn ước” với rừng (16:18 22/12/2009)


HNP - Đi trên đường rẽ vào Ao Vua, bánh xe không đè lên một viên sỏi, đá, êm nhẹ như bước trên thảm nhung. Đặt chân đến cổng, tôi như lạc vào chốn thiên đường, dưới là những cung điện nguy nga, trên là tiên cảnh bồng bềnh mây trắng, có thác, có rừng có tiếng chim hót, suối reo nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu gặp ông vua của núi rừng Nguyễn Mạnh Thản.

Người cao to, da ngăm đen, lúc nào cũng bận bịu. Tôi cảm nhận được phong cách của doanh nhân thành đạt ngay từ lần gặp đầu tiên. Ánh mắt anh khi nói về những công việc trong tương lai dũng mãnh, cẩn trọng như con hổ đang quan sát tính toán xem phương án nào nuốt gọn con mồi ít tốn sức nhất nhưng lại chất chứa nỗi niềm của núi, tình cảm của rừng khi nói về những việc anh đang làm. Câu chuyện mỗi lúc một thân tình và anh kể về cuộc đời, về sự nghiệp của mình.
Anh sinh ngày 19 tháng 9 năm 1955 ở thôn Vân Hội, xã Phong Vân, huyện Ba Vì. Năng khiếu kinh doanh của anh do trời phú chứ gia đình anh không ai có cái “máu” kinh doanh mà truyền nó cho anh. Ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác anh chỉ là nông dân thuần tuý. Anh là anh cả trong gia đình có 4 em gái. Phong cách và hình thức kinh doanh luôn mới mẻ, lạ lẫm, đôi khi là điên khùng với nhiều người có lẽ là do tác động của ngoại cảnh. Quê anh sinh ra và lớn lên giữa ngập ngừng ngã ba sông, phía trên là con sông Đà ào ào thác dữ mùa nước lũ, cần cù chắt chiu cho đời từng giọt nước mát trong mùa cạn, phía dưới là dòng sông Hồng lặng lẽ chở phù sa bồi đắp thành người. Tuổi thơ anh không vui với trò đánh đáo, bắn bi, ngồi trên lưng trâu thổi sáo như bạn bè mà cảm thấy thích thú khi học thật kỹ các khái niệm và thử làm thí nghiệm với những môn vật lý, hoá học. Lớn hơn chút nữa, anh say mê với những trang sách, thật thú vị khi ngồi đọc sách bên bờ sông gió lồng lộng thổi và suy nghĩ về các vấn đề khoa học mà các vĩ nhân đã đúc kết, rồi giữa khoảng thiên nhiên bao la ấy, anh mỉm cười một mình khi hiểu được chân lý. Tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương và khát khao đến cháy bỏng một ngày nào đó tự mình chinh phục được thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên, giữ cân bằng cho nó hình thành trong anh lúc nào không hay. Tình yêu ấy theo anh lớn lên, trưởng thành, nó thôi thúc anh làm việc, thôi thúc anh đam mê. Cứ tự nhiên và lạ kỳ như vậy cho đến hôm nay, giới doanh nhân gọi anh là ông chủ của núi rừng còn người dân thân thiện gọi anh là ông Thản rừng, ông Thản du lịch.
Con đường đi đến thành công với anh thật không ít chông gai nhưng anh kiên trì bền bỉ gỡ từng khó khăn một, đi tiếp, bước tiếp, chân rớm máu vẫn bước. Thành công rồi anh vẫn không dừng lại bởi anh đâu phải chỉ vì vinh quang của riêng mình, trong sâu lắng tâm hồn anh muốn thành công, thành công nữa để có thể giúp đỡ những người nghèo khổ, cô đơn, những mảnh đời cần được nâng đỡ. Lớn lao hơn anh muốn giữ gìn môi trường sinh thái cho hôm nay và cho cả mai sau.
Thật bất ngờ với tôi khi anh bắt đầu sự nghiệp đời mình bằng nghề công an. Như bao chàng trai thời kỳ chống Mỹ, học hết trung học phổ thông, anh gác bút, tạm gác ước mơ doanh nhân, khoác trên vai chiếc ba lô lên đường nhập ngũ tháng 1 năm 1975. Vào đơn vị, thân hình rắn rỏi, tính cách nghiêm túc và có khả năng phán đoán, nhìn xa trông rộng hơn người, anh được chuyển sang công tác bên ngành công an. Từ năm 1975-1981, anh công tác tại Công an tỉnh Hà Sơn Bình. Phát hiện anh có năng khiếu với nghề lại ham học hỏi, anh được cấp trên tin tưởng cử đi học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn tại Học viện An ninh nhân dân từ năm 1981-1985. Sau đó, anh được điều động về Công an huyện Ba Vì và giữ chức vụ Đội phó Đội An ninh. Đặt trên vai trách nhiệm giữ bình yên cho nhân dân, anh luôn làm việc hết mình, không quản đêm hôm, sớm tối anh lặn lội xuống từng xóm, làng, thôn, bản nắm tình hình, giúp cấp trên kịp thời đưa ra các phương án giải quyết. Nhờ đó, anh được nhân dân yêu quý, được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của ngành. Giai đoạn này vào cuối thời kỳ bao cấp, không ít cán bộ, đảng viên bị tha hoá về phẩm chất đạo đức, tham ô, tham nhũng tràn lan, người nông dân một nắng hai sương thì chịu cực khổ. Làm việc với tâm huyết thực sự, anh luôn luôn phát huy vai trò trách nhiệm cao nhất nên được cấp trên, lúc đó là ông Nguyễn Văn Doan, làm Trưởng công an huyện, Nguyễn Hồng Lâm là Phó Trưởng Công an và các đồng chí công tác ở Huyện uỷ, UBND huyện có trách nhiệm với công việc, với thời cuộc tin tưởng tuyệt đối chuyển anh sang Ban chống tiêu cực. Ở vị trí này, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm rõ các vụ tiêu cực, vì thế càng ngày anh càng được nhân dân tin yêu, cấp trên tín nhiệm. Song sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp của anh chính là vào năm 1986, nghĩa trang Yên Kỳ trên vùng đất đồi rộng hàng chục ha thuộc xã Thái Hoà, Ba Vì vô cùng phức tạp. Người nhà của những người đã khuất lên thăm viếng bị gây rối thường xuyên, anh và đồng đội trực ngày, trực đêm ở đây để thiết lập lại trật tự vốn có. Năm 1987, tình hình an ninh ở nghĩa trang và cả khu vực xung quanh rất tốt, người dân đi viếng nghĩa trang không ngớt lời khen ngợi. Từ đó, uy tín của anh được ông Ngô Mạnh Doanh, Giám đốc Ban Quản lý lễ tang Hà Nội biết đến.
Cũng từ việc quen với ông Giám đốc Ban Quản lý lễ tang Hà Nội, ông đặt hàng anh mỗi năm 4.000 chiếc áo quan. Dù làm theo đơn đặt hàng nhưng anh vẫn làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất nên ngay đợt giao nhận hàng đầu tiên, hàng của anh được đánh giá có chất lượng cao hơn hẳn những dịch vụ cung cấp trước đó. Từ đây, anh nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn nên nhu cầu sử dụng gỗ cũng lớn hơn. Công việc nhiều lên, người trong gia đình làm không đủ, anh thuê thêm nhân công, còn anh vẫn làm trong ngành công an. Kinh nghiệm thương trường còn ít, anh càng nhận được nhiều đơn đặt hàng thì cơ sở sản xuất càng thua lỗ do thiếu phương pháp quản lý và hạch toán kinh doanh. Không thể mất uy tín, cũng không thể mất nghiệp, anh xin cấp trên tạo điều kiện cho anh làm kinh tế. Anh được chuyển sang làm công tác văn phòng để có thời gian làm kinh tế nhưng mỗi năm phải nộp một phần tiền cho ngành theo quy định thời đó. Những năm 1987, 1988, ngày ngày, chiếc xe đạp cà tàng, ghi đông lủng lẳng nải chuối, nắm cơm hoặc vài chiếc bánh tẻ anh đi khắp nơi tìm nguồn gỗ, không ít đêm phải ngủ dọc đường, ngủ bờ sông giữa đêm đông giá rét chờ những chuyến bè xuôi về để tiết kiệm chi phí. Cũng nhờ những chuyến đi đó, anh nắm bắt được nhu cầu của thị trường, từ cơ sở đóng áo quan, anh phát triển thành cơ sở mộc và nội thất văn phòng. Làm bất cứ việc gì anh cũng làm hết trách nhiệm, tiếng lành đồn xca, anh liên tiếp nhận được những hợp đồng lớn như: Làm nội thất cho Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Toà án Nhân dân tối cao… Hợp đồng lớn, cần vốn nhiều, để đảm bảo đúng thời gian, nhiều công trình anh phải vay ngân hàng với lãi suất 20% để giữ được chữ tín cho nên không ít công trình anh bị lỗ. Song, không phải vì thế mà anh bỏ cuộc. Với anh uy tín là lợi nhuận lớn nhất, có được uy tín thì không được lợi trước mắt nhưng nó sẽ là nguồn vốn lớn nhất đảm bảo cho anh thành công trong tương lai.
Đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người, có tầm nhìn xa trông rộng cộng với tinh thần ham học hỏi, quan sát của bản thân và suy nghĩ cẩn trọng của nghề công an, anh nhận thấy trước sau gì nguồn gỗ cũng bị cạn kiệt do khai thác quá mức. Muốn phát triển nghiệp kinh doanh anh phải chuyển hướng làm ăn. Bài toán đặt ra trước mắt, chuyển hướng nào cho thích hợp? Trong cái khó ló cái khôn, năm 1989, anh táo bạo đề nghị cấp trên cho thành lập xí nghiệp tư nhân. Mô hình kinh doanh không văn phòng, không thiết bị, không có công nhân lao động trực tiếp do anh đề ra trở nên quá táo bạo, lạ lẫm và nhiều người hoài nghi về tính khả thi của nó. Với sự hiểu biết sắc bén và lạc quan, anh lập luận, chứng minh quan điểm của mình là đúng cho đến cùng. Xí nghiệp chế biến, kinh doanh lâm sản Ba Vì ra đời. Chứng minh quan điểm của mình, anh phát huy hết khả năng và tận dụng mọi điều kiện từng bước đưa Xí nghiệp đến thành công. Thành công tiếp nối thành công nhưng đúng như anh phán đoán, nguồn gỗ ngày càng khan hiếm, giá gỗ ngày càng tăng cao, kinh doanh sản phẩm gỗ sẽ không sinh lời mà anh lại gián tiếp trở thành tên “lâm tặc”. Với chí khí của một con người luôn ước mơ những điều lớn lao, bản lĩnh khát khao khẳng định mình, tấm lòng luôn muốn làm được thật nhiều việc tốt cho đời, cho người, không cho phép anh ngồi im một chỗ đóng chiếc áo quan chôn vùi mọi hoài bão, ước mơ. Anh lao vào khẳng định mình trong lĩnh vực mà nói một cách hình ảnh nó đầy vôi vữa, gạch ngói, cát sỏi, lấm lem lúc khởi nghiập và những ai không đủ dũng khí rất có thể bị “chất thương” bởi nghề. Đó là nghề xây dựng. Lúc này thời điểm năm 1991.
Ngược dòng thời gian 16 năm, anh ba mươi sáu tuổi, sức chiến đấu đang căng và suy nghĩ dần vào độ chín, anh cẩn trọng hơn trong từng nước đi. Anh còn nhớ như in, ngày 1 tháng 5 năm 1991, dự án đầu tiên anh trúng thầu đó là xây dựng nghĩa trang Mai Dịch. Trong khi thi công không may có sự sai lệch 10 độ mộ của một vị ái quốc công thần. Với nguyên tắc bất di bất dịch là đặt chữ tín lên trước lợi nhuận, chữ tín sẽ sinh ra lợi nhuận, anh triển khai thi công lại với chi phí hơn 2 triệu đồng (tương đương khoảng nửa cây vàng) dù bên A không yêu cầu. Kế đó anh nhận được dự án xây dựng nghĩa trang Văn Điển. Năm 1993, anh kéo quân về vùng đất quê hương xây dựng Trại xã hội số 05, 06…
Giữa vùng rừng núi Ba Vì, những công trình càng thi công càng hoàn thiện và vững chãi với thời gian với thời gian như một dấu hỏi lơ lửng giữa trời xanh, in đậm trong đầu anh, trong cả công việc thường ngày, trong bữa ăn, trong giấc ngủ rằng bàn tay con người có thể làm nên tất cả nhưng cũng có thể phá hoại tất cả. Rừng núi ngay trước mắt anh đây đang dần mất đi cái hồn của nó, một ngày kia chắc gì thế hệ con cháu chúng ta còn được chứng kiến tình vợ chồng chung thủy sắt son của chàng Sơn Tin và nàng Mị Nương trên mảnh đất này nữa? Trách nhiệm của cộng đồng, trong đó có anh ở đâu?
Ở đây, trong trái tim chúng ta, trong trí óc chúng ta. Anh thấy nó trước cộng đồng và anh hoang mang toàn bộ tâm huyết, trí tuệ, tình cảm và tài sản trao tặng cho núi, đính ước với rừng và một lòng sắt son với nó từ năm 1993 đến nay.
Lại một lần nữa ý tưởng kinh doanh đi trước một bước so với thời đại bị coi là điên khùng. Người dân lo miếng cơm ăn, tấm áo mặc còn chưa đủ huống chi là đi du lịch sinh thái. Do đó, anh chỉ được giao vẻn vẹn 6000 mét vuông đất trơ trọi trên đỉnh núi trong khu du lịch Ao Vua và anh tiến hành xây dựng nó.
Ban đầu, anh xây một số nhà ngói nhỏ, giả cổ cho hài hoà với cảnh sắc thiên nhiên. Để tạo thêm khung cảnh, anh xây thêm 6 nhà và trồng nhiều cây xanh. Cán bộ UBND tỉnh lên trực tiếp vẫn hoài nghi, chỉ duy nhất một người tin tưởng anh gần như tuyệt đối là ông Đỗ Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ, song anh vẫn kiên quyết xin được đầu tư mở rộng. Người mang tình gửi vào đất, đất chẳng bạc tình với người bao giờ, năm 1994, khách du lịch bốn phương bắt đầu biết đến khu du lịch sinh thái Ao Vua. Và để khai thác, quản lý theo chiều sâu, năm 1994, anh đề nghị với UBND tỉnh cho thành lập Công ty Du lịch Ba Vì, mạnh dạn ứng cử làm Giám đốc. Cầm quyết định, anh thấy mình như được sinh ra lần thứ hai.
Khi nền kinh tế đất nước mở cửa phát triển và hội nhập, cách thức quản lý theo mô hình Nhà nước là chủ đầu tư đã trở nên lạc hậu. Những trải nghiệm trong công việc, trong cuộc đời đã cho anh thấy công việc đạt hiệu quả cao nhất khi bản thân họ đóng góp một phần tài sản của mình vào công ty, bởi khi đó họ sẽ làm hết khả năng của mình để khối tài sản sinh sôi. Năm 1998, anh là một trong những người đi đầu đề nghị cổ phần hoá. Từ tháng 4 năm 1999, Công ty Du lịch Ba Vì được đổi tên là Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Ao Vua.
Từng bước một đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trồng thêm cây xanh, cân bằng môi trường sinh thái, điều chỉnh nền nếp, tác phong làm việc, mỗi năm anh đầu tư vào khu du lịch Ao Vua vài tỷ đồng, năm 2006, tổng số vốn đầu tư đã lên đến hơn 30 tỷ đồng. Đến khu du lịch Ao Vua hôm nay, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được mối giao hoà tuyệt diệu giữa cảnh sắc thiên nhiên với tình yêu thiên nhiên, giữa lợi nhuận và văn hoá trong kinh doanh.
Chia tay Ao Vua, đi hơn chục km đường nhựa, tôi lạc vào chốn huyền thoại mang tên Đầm Long. Tác giả của vũ điệu thiên nhiên đa sắc, đa âm này vẫn là anh - Nguyễn Mạnh Thản. Bốn bề bạt ngàn xanh cây trái, hương sắc lung linh, từng đàn, từng đàn khỉ mẹ, khỉ con nô đùa, từng đàn, từng đàn hươu con rủ nhau tắm nắng. Những ai yêu thiên nhiên, yêu cảnh thanh bình, đến Đầm Long, ngồi nhà sàn, ăn những món ăn đặc sản của quê hương, uống chén rượu quê, nhâm nhi chén trà, bàn chuyện làm ăn, nói chuyện tâm tình thật không còn gì tuyệt vời hơn thế.
5 năm trước, đây là khu rừng lim thưa thớt, xung quanh là đầm lầy, cho giá trị kinh tế cao hơn chục triệu đồng/năm. Anh đầu tư vào đây hàng chục tỷ đồng, trồng thêm 50ha rừng phụ cận, thả hàng nghìn con khỉ, hàng trăm con hươu để cân bằng môi trường sinh thái.
Làm giàu cho mình chưa đủ, anh mong muốn người dân quê hương mình có công ăn việc làm, có đời sống kinh tế ngày càng ổn định, có đời sống tinh thần ngày càng phong phú, có thể làm gì được cho họ anh đều làm. Song song với việc khai thác tiềm năng du lịch, năm 2002, anh đầu tư xây dựng Công viên Vĩnh Hằng. Ngoài ra, năm 2006, anh thực hiện dự án khai thác núi đá Chẹ tại xã Khánh Thượng (Ba Vì). Hiện tại, dự án này đang giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động tại địa phương. Chưa dừng lại ở đó, năm 2006, anh đầu tư 2 triệu đô la Mỹ phối hợp với Singapore quy hoạch 6 điểm vùng rừng núi Ba Vì để xây dựng quần thể du lịch Lạc Long Quân đẳng cấp quốc tế với tổng kinh phí gần 200 triệu đô la Mỹ. Trong kế hoạch tổng thể đó, có nội dung mở trường đào tạo nhân lực chất lượng cao do giáo viên có uy tín của nước ngoài giảng dạy. Tiếp đó, Công ty anh kết hợp với tổ chức LIEN - FOUDATION của Singapore tài trợ 1 triệu đô la giúp người dân trong vùng quy hoạch về các vấn đề: nước sạch, bảo vệ môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo… Cũng trong năm 2007, dự án trồng hoa xuất khẩu sang Singapore từ giống hoa của Đức, trên dây chuyền công nghệ Đức ở các xã vùng núi được triển khai. Năm 2008, anh xây dựng công viên Thiên Đàng Xanh, năm 2009, tiếp tục thực hiện các dự án du lịch… Cứ như vậy, một ngày anh còn làm việc, còn nhiều dự án nữa được triển khai, đời sống của người dân vùng núi từng bước được cải thiện.
Kế hoạch, dự án, rồi lại kế hoạch, dự án, cứ liên tiếp, liên tiếp, đầu óc anh lúc nào cũng tính toán, ánh mắt anh lúc nào cũng quan sát, một ngày anh làm việc đến 14 tiếng. Làm việc đâu chỉ vì mục đích kinh tế, cao cả hơn còn vì mục đích xã hội. Anh chưa bao giờ thấy thoả mãn với những cái gì mình đã làm được.
Hỏi bí quyết thành công của anh ư? Anh trả lời: Đơn giản lắm, nó xuất phát từ trái tim của con người. Có cái Tâm để hiểu mình, hiểu người, nhìn nhận mình, đánh giá người tất yếu sẽ đúc kết được một vấn đề nào đó có quy luật chung, mà vận dụng quy luật chung ấy vào kinh doanh thì chẳng thể thất bại được. Có cái Tâm rồi ta phải củng cố cái Tầm nhìn cho mình bằng cái học hỏi, quan sát, trải nghiệm.
Chia tay vùng rừng núi Ba Vì, lòng tôi lưu luyến bởi nơi đây xanh xanh mãi, thắm thắm mãi lời tỏ tình, câu hẹn ước của người con quê hương - doanh nhân Nguyễn Mạnh Thản.
 


Thu Hiền


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t