Thăng Long thời Mạc: Đời sống xã hội (20:12 29/04/2015)


HNP - Các bộ sử xưa thường coi nhà Mạc là “ngụy triều”, không công nhận chính thống, nhưng cũng không phủ nhận được, nên trong khi viết về nhà Lê, đã “phụ chép” về các vua nhà Mạc. Tuy nhiên, với tính khách quan của ngòi bút chép sử, các sử gia xưa đã dành nhiều dòng ca ngợi sự thịnh trị về nền nếp của triều đình Mạc, cũng như sự được lòng dân của nhà Mạc. 

Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn (Ảnh: Internet)


Bên cạnh đó, các sử gia thời Lê -Trịnh cũng phải thừa nhận xã hội thời Mạc khá ổn định, thiên hạ yên bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Xã hội dưới thời Mạc thực sự ổn định trong nhiều năm đầu. Phần lớn các vùng đất do nhà Mạc cai quản đều khá yên ổn cả về kinh tế và an ninh chính trị. Trong đó đặc biệt trù phú, hưng thịnh là vùng châu thổ sông Hồng mà trung tâm là kinh đô Thăng Long và vùng phụ cận.
 
Chỉ sau 5 năm cầm quyền, năm 1532 , sử cũ cho biết nhà Mạc đã xây dựng được một xã hội thái bình thịnh trị: “Họ Mạc ra lệnh cấm người các xứ trong, ngoài không được cầm giáo mác và dao nhọn, can qua, cùng những binh khí khác hoành hành trên đường đi. Ai vi phạm thì cho pháp ty bắt giữ. Từ đấy, người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên” (Toàn thư, tập III, Sđd, tr. 115).
 
Về mặt hoạt động kinh tế, tại kinh đô Thăng Long, cũng giống như nhà Lê trước đây, nhà Mạc củng cố các giám, sở, cục và nha môn dành cho thợ thủ công như Thượng bảo giám, Lục thanh giám, Khí giới doanh tạo sở Bách đầu cục... Những người thợ ở đây lo các vật dụng sinh hoạt hàng ngày cho nhà vua và hoàng tộc, thậm chí có cơ quan chuyên về việc chế tác từ đá quý, ngọc được gọi là Ngọc thạch cục. Trần Kim Bảng, người thợ khắc bia chùa Cự Linh (Gia Lộc, Hải Dương) năm 1543, từng giữ chức Cục phó của Ngự dụng giám san thư cục, Vo Đạo, giữ chức Cục phó cục san thư ở Thượng bảo giám, khắc bia chùa Tư Phúc (Thái Bình) năm 1545, Hoàng Văn Thấy, giữ chức Phó thường ban ở Lục thanh giám Bách đâu tác cục, khắc bia chùa Đông Ngọ (Hải Dương) năm 1536, Đỗ Văn Đình làm trong Ngọc thạch cục thuộc Khí giới doanh tạo sở (Đinh Khắc Thuận: Văn bia thời Mạc. Nxb KHXH, N. 1996, tr 45, 50, 68, 106, 345). Trong một số ty của các vệ cấm thành cũng có thợ chuyên nghiệp, như trường hợp Nguyễn Ích Diệu làm trong ty Hà Thanh đã san khắc 4 bia đá. Thực tế, các sở, cục chuyên nghề thủ công phục vụ trong hoàng cung đều do các giám quản lý.
 
Thợ chuyên nghiệp nhà nước cũng được phong chức tước như những quan chức khác. Đoàn Nhân Hạng được phong chức Cẩn sự tá lang, Tạ Văn Kế giữ chức Sở thừa, được huân phong là Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu... (Đinh Khắc Thuận: Lịch sử triều Mạc - Qua thư tịch và văn bia. Nxb KHXH, N. 2001, tr. 203, 204). Bên cạnh đó, họ còn có chức danh mang tính chuyên biệt của ngành nghề. Chẳng hạn, người đứng đầu ở các sở gọi là Sở thừa Tượng chánh, Thường ban, rồi Tượng phó, Cục phó, Tượng nhân. Rõ ràng là dưới thời Mạc, người thợ thực sự được coi trọng, hoàn toàn không phải là những “công tượng” bị o ép, coi rẻ như ở thời Lê sơ.
 
Trong dân gian, ở kinh đô Thăng Long, thợ chuyên nghiệp vẫn được tổ chức lại theo phường thợ thủ công. Với chính sách kinh tế khá cởi mở và tình hình trị an tương đối tốt của triều Mạc, thợ thuyền được tự do đi lại và tự do hành nghề mà Thăng Long là nơi tụ họp nhân tài các phường thợ dân gian, khiến cho nơi đây dần dần hình thành thêm các phường, phố nghề mới, làm phong phú hơn nét đặc sắc của phường phố cổ truyền.
 
Một sản phẩm thủ công đặc sắc ở thời Mạc, đó là đồ gốm. Gốm sứ thời Mạc hiện thu thập được khá nhiều, bao gồm phần lớn là những chân đèn, lư hương, bình hoa lam và men lam mà trên đó hầu hết đều có minh văn với xuất xứ, niên đại cũng như chủ nhân mỗi sản phẩm đó. Cách kinh thành Thăng Long không xa có hai làng nghề làm gốm truyền thống nổi tiếng, đó là làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, Hải Dương) và làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sản phẩm của hai làng này, ngoài phần tiêu thụ tại địa phương và phục vụ xuất khẩu, thì phần lớn được chuyển về bán tại Thăng Long và các trấn lân cận. Dưới triều Mạc, Thăng Long không chỉ phát triển thủ công nghiệp mà hoạt động thương nghiệp cũng được tự do hơn trước. Ngoài những chợ chính có từ các triều đại trước, triều Mạc còn cho phép những vùng phụ cận ven kinh đô được mở thêm những chợ mới, thí dụ như chợ Phù Ninh (Ninh Hiệp, Gia Lâm) cũng từng được mở rộng vào thời Mạc để chuyên buôn bán vải vóc và các vị thuốc Bắc (Đinh Khắc Thuận: Lịch sử triều Mạc... Sđd, tr. 220).
 
Trong 5 đời vua nhà Mạc ở ngôi tại Thăng Long là Mạc Đăng Dung (1527-1529), Mạc Đăng Doanh (1530-1540), Mạc Phúc Hải (1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1592), chúng ta chỉ mới thấy 4 đời vua từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Phúc Nguyên đúc tiền. Trong số 4 đời vua đó, trừ Mạc Đăng Dung đã đúc hai loại tiền “Minh Đức thông bảo” và “Minh Đức nguyên bảo”. Còn mỗi đời vua khác chỉ đúc một loại tiền “Đại Chính thông bảo” (Mạc Đăng Doanh), “Quang Hòa thông bảo” (Mạc Phúc Hải), “Vĩnh Định thông bảo” (Mạc Phúc Nguyên) (Đỗ Văn Ninh: Tiền tệ thời Mạc, trong sách Vương triều Mạc. Nxb KHXH, N. 1996, tr. 150- 153).
 
Ở đây có một điều cần chú ý là trong 10 đời vua nhà Mạc [5 đời tại Thăng Long (1527 - 1592) và 5 đời tại Cao  Bằng (1593 - 1677)], thì chỉ có 5 đời là có đúc tiền (4 đời vua kể trên cùng với Mạc Kính Cung (1593 - 1625). Trong 5 đời vua có đúc tiền thì 4 đời là những đời vua đầu thời Mạc, khi đó thế lực còn mạnh, kinh đô còn đóng được tại Thăng Long. Đồng tiền thời Mạc có được đúc hay không, trước hết là chứng cứ cho tình hình có ổn định hay không của triều đại. Nhà Mạc có một ông vua đóng đô tại Thăng Long tới 30 năm (1562-1592) là Mạc Mậu Hợp. Thế nhưng không thấy sử cũ chép về việc Mạc Mậu Hợp đúc tiền. Có thể, Mạc Mậu Hợp không đúc tiền, bởi vì vào đời vua này, thế lực nhà Mạc đã rất suy yếu. Mạc Mậu Hợp tuy vẫn đóng đô tại Thăng Long, nhưng nhiều lần phải tạm bỏ kinh thành trước nguy cơ tấn công của quân Lê -Trịnh. Từ khi phải rời bỏ Thăng Long (1593), chuyển lên sinh sống tại Cao Bằng, cho đến ngày kết thúc (1677), nhà Mạc chỉ đúc được một loại tiền “Càn Thống thông bảo”. Nhưng tiền Càn Thống số lượng đúc chẳng được là bao và tất nhiên là số lần đúc cũng vậy.
 
Về mặt văn hóa - giáo dục, tại kinh đô Thăng Long dưới thời Mạc cũng có những bước phát triển nhất định.
 
Một trong những công việc cần thiết để tạo ra đội ngũ quan liêu, làm cơ sở xã hội cho vương triều của mình là mở các khoa thi Tiến sĩ. Việc tổ chức thi cử này, không ngoài mục đích xây dựng một tầng lớp trí thức phong kiến trung thành với nhà Mạc, phò tá triều Mạc tồn tại và phát triển. Nhưng, ngoài ra, các ông vua nhà Mạc còn nhằm một mục đích khác: tranh giành ảnh hưởng đối với các nho sĩ đang còn chần chừ do dự, chưa quyết định ra làm quan với nhà Mạc hay nhà Lê -Trịnh ở phía Nam. Hơn thế nữa, mục đích thi cử còn nhằm tranh thủ thu hút, lôi kéo những nho sĩ trong phạm vi ảnh hưởng của triều Lê -Trịnh. Trong 65 năm tồn tại (1527 - 1592) với tư cách là một vương triều, đóng đô ở Thăng Long, nhà Mạc đã tổ chức được 22 kỳ thi Hội, lấy đỗ được 485 Tiến sĩ, trong đó, có 13 Trạng nguyên và còn biết bao Hương cống, Sinh đồ mà sử sách không ghi lại được danh tính. Trong lịch sử giáo dục khoa cử Việt Nam, sau thời thịnh đạt Lê Thánh Tông (1460-1497), thì chỉ có triều Mạc (1527-1592) mới liên tục thực hiện được quy chế tuần tự cứ 3 năm một lần mở khoa thi Hội. Số lượng khoa thi Hội, cũng như chất lượng Tiến sĩ dưới triều Mạc cũng có thể so sánh được với thời Lê Thánh Tông. Những vị Tiến sĩ, Trạng nguyên được nhà Mạc lựa chọn phần lớn đều là những người có thực tài và có những đóng góp đáng kể đối với lịch sử văn hóa dân tộc, trong đó tiêu biểu hơn cả là Nguyễn Thiến đỗ Trạng nguyên khoa Nhâm Thìn (1532), Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi (1535) và Giáp Hải đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Tuất (1538). Điều đáng cho chúng ta chú ý là chỉ sau 2 năm thay thế triều Lê sơ, đóng đô ở Thăng Long, ông vua đầu triều Mạc (Bắc triều) là Mạc Đăng Dung đã có thể mở khoa thi Hội để tuyển chọn nhân tài, bổ sung cho bộ máy hành chính quốc gia. Ta thử so sánh: Ngay triều Lê - Trịnh (Nam triều) được coi thành lập vào năm 1545 ở Thanh Hóa, thì mới đến 10 năm sau, năm 1554, mới bắt đầu mở Chế khoa. Và việc mở các khoa thi cũng không được đều đặn, thường xuyên như nhà Mạc. Còn khoa thi Hội thì mãi tới năm 1580, triều Lê -Trịnh mới tổ chức được. Mạc Đăng Dung cũng theo lệ ban hành năm Hồng Đức thứ 15 (1484) dưới triều Lê Thánh Tông, cho lập bia đá, nhằm tôn vinh những người trúng tuyển Tiến sĩ và để “khích lệ nhân tâm, huân đào sĩ khí, bồi đắp giáo hóa cho được lâu dài...” (Văn bia Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1529). Nhưng có thể do chiến tranh liên miên, nên việc lập bia Tiến sĩ của triều Mạc không thực hiện được đều đặn, hoặc giả do sự tàn phá của binh lửa bao lần tràn vào Thăng Long, nên ngày nay trong 82 tấm bia Tiến sĩ còn lại trong Văn Miếu, chỉ có duy nhất tấm bia ghi chép về khoa thi Hội năm Kỷ Sửu (1529) dưới đời Mạc Đăng Dung. Tuy vậy, chỉ đọc đoạn đầu của bài văn bia khoa Kỷ Sửu này, chúng ta cũng thấy không khí náo nhiệt ở Thăng Long ngày đó, do hàng nghìn các sĩ tử từ khắp mọi miền đất nước đổ về dự thi. Bài văn bia ấy viết: “Hoàng thượng lên ngôi báu tới năm thứ 3, chính buổi trời bắt đầu văn minh đấy. Gặp năm thi Hội, sĩ chúng hát thơ Lộc Minh (l bài thơ ở Kinh Thi - TG), tới kinh đô có trên 4.000 người để đua tài văn học ở trường thi. Quan trường lựa được 27 người xuất sắc” (Cao Tiên Trai: Lê triều tịch khoa tiến sĩ đề danh bi ký. Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, S. 1969, Q.I, tr. 205).
 
Để cố kết nhân tâm và thu phục nhân tài, tăng cường sức mạnh cho triều đại của mình, ngay từ khi mới thay thế triều Lê, các ông vua đầu triều Mạc vẫn đề cao Nho giáo. Sử cũ cho biết: “Mùa xuân năm Bính Thân (1536), Mạc Đăng Dung sai Đông quân Tả đô đốc Khiêm quậncông Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử Giám (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 278). Vào tháng giêng năm sau, Đinh Dậu (1537): “Mạc Đăng Doanh đến trường Thái học làm lễ điện tế Tiên thánh (Chu Công), Tiên sư (Khổng Tử)” (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 278). Với những hành động có tính chất biểu trưng nói trên, nhà Mạc muốn khẳng định với nhân dân Thăng Long và nhân dân cả nước việc họ chính thức thừa nhận tư tưởng Nho giáo là tư tưởng chính thống của triều đại. Nho giáo vẫn là công cụ chính để nhà Mạc xây dựng chính quyền và củng cố trật tự xã hội.

Theo thanglonghanoi.gov.vn


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t