Sản xuất nông nghiệp: Thay đổi để thích ứng với thiên tai, dịch bệnh (09:50 09/06/2020)


HNP - Thời gian qua, thiên tai diễn ra gay gắt, cùng với đó là dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm xảy ra đã ảnh hưởng trực tiếp đối với sản xuất nông nghiệp Hà Nội. Những thách thức này đòi hỏi ngành Nông nghiệp Hà Nội phải chủ động thay đổi để vừa khai thác lợi thế, phát triển ổn định, đồng thời ứng phó với thiên tai, dịch bệnh…

Thiệt hại khó có thể đong đếm

Mặc dù đã lường trước và chủ động ứng phó, nhưng từ năm 2018 đến nay, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn liên tiếp gánh chịu thiệt hại nặng nề bởi thiên tai. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Vụ Xuân năm 2018 đợt rét đậm, rét hại làm cho tiến độ gieo trồng bị chậm lại so với khung thời vụ, có 8.478kg mạ đã gieo bị chết và 163,1ha lúa đã cấy bị chết. Cũng trong năm 2018, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, trên địa bàn thành phố đã xảy ra mưa lớn làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của 10.085ha cây trồng, dẫn đến có 4.316ha cây trồng (lúa, ngô, đậu tương, rau màu) bị thiệt hại từ 30% đến trên 70%. Tương tự, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 và áp thấp nhiệt đới, vụ Mùa năm 2019, diện tích lúa của thành phố bị thiệt hại trên 70% là hơn 788,8ha, thiệt hại từ 30 đến 70% là 58,5ha lúa. Mới đây, do ảnh hưởng của trận mưa lớn diễn ra ngày 24 và 25/5/2020 đã làm ngập hơn 339,2ha mạ, lúa và rau màu, trong đó, bị thiệt hại trên 70% là trên 62,9ha rau.

Không chỉ gây thiệt hại lớn đến cây trồng, vật nuôi, thiên tai còn tàn phá nhiều công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo thống kế của Sở NN&PTNT, từ năm 2018 đến nay, thiên tai khiến 12.160m đê bị sạt lở, hư hỏng; xuất hiện 2 mạch đùn, mạch sủi; 5.000m đê bị tràn; 11.908m kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng; 34 cống bị cuốn trôi, hư hỏng; 28 bai, đập dâng bị vỡ, hư hỏng; 26 trạm bơm bị sự cố cơ điện; 73m bờ sông bị sạt lở. Trên các tuyến đê thuộc địa bàn thành phố đã xảy ra 37 sự cố…

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp trong thời gian qua cũng khiến sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn. Năm 2018, diện tích cây trồng bị nhiễm sâu bệnh là 25.868ha; con số này năm 2019 là hơn 17.404ha và từ năm 2020 đến nay là hơn 6.026ha. Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ tháng 2/2019, khiến nghề chăn nuôi lợn trên địa bàn thành phố điêu đứng. Đỉnh điểm, dịch bệnh bùng phát mạnh và đã xảy ra tại 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã, làm mắc, tiêu hủy 543.878 con lợn với tổng trọng lượng 37.160 tấn. Trong chăn nuôi gia cầm, dịch bệnh cúm A/H5N6 xảy ra cũng ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi. Trong đó, năm 2019, dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì) đã tiêu hủy 2.983 con gia cầm. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh này tiếp tục phát sinh 6 ổ dịch tại 13 hộ chăn nuôi của 6 xã thuộc 2 huyện Chương Mỹ, Mê Linh cũng đã buộc phải tiêu hủy 19.786 con gia cầm.

Thiên tai, dịch bệnh cũng gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản của thành phố. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Diện tích nuôi trồng thủy sản hằng năm của thành phố là hơn 22.400ha. Theo số liệu của các phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã cung cấp, năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản bị bệnh là 99,26ha, thiệt hại khoảng 30 tấn. Cũng trong năm 2018, do ảnh hưởng của thiên tai khiến hơn 1.208ha và 2.242m3 lồng nuôi thủy sản bị úng ngập. Năm 2019, diện tích nuôi thủy sản bị chết là gần 38,6ha, thiệt hại 44,9 tấn…  

Có thể nói, những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra cho sản xuất nông nghiệp thời gian qua khó có thể đong đếm, đòi hỏi ngành Nông nghiệp Hà Nội phải thay đổi một cách toàn diện để thích ứng trong thời gian tới.

Hóa giải những khó khăn, thách thức

Trước những khó khăn trên, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thúc đẩy phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân. Thành phố cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Mới đây, UBND thành phố cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 4,12%. Trong đó, đề nghị có chính sách hỗ trợ kịp thời, trước mắt để người dân có điều kiện tập trung đầu tư cho sản xuất trồng trọt vụ Mùa và vụ Đông năm 2020; có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn sản xuất giống, nhập giống gia súc, gia cầm để nâng cao chất lượng giống vật nuôi. Đồng thời, tạo điều thiện cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi... UBND thành phố cũng đề nghị Bộ NN&PTNT có cơ chế chính sách đối với hoạt động chế biến, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp về hạ tầng nhà xưởng, trang thiết bị máy móc và xử lý môi trường…

Ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm, để phát triển nông nghiệp trong điều kiện ứng phó với thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thực tiễn của thành phố. Trong đó, chú trọng giải pháp phát triển trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Đáng chú ý, theo định hướng, trong chăn nuôi, thành phố sẽ tiếp tục chuyển mạnh sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Bên cạnh đó, chuyển giao nhanh các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao cho nông dân để phát triển sản xuất trên cơ sở áp dụng công nghệ mới và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, tăng đàn lợn; hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để tái đàn lợn, khả năng kiểm soát dịch bệnh, thị trường, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học…

Còn trong nuôi trồng thủy sản, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đồng thời tập trung phát triển nuôi các loại thủy sản có lợi thế, hiệu quả; tăng cường đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, lượng; nhân rộng các mô hình nuôi đặc sản, nhất là các loại thủy sản có hiệu quả kinh tế cao...


Thanh Bình


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t