Ngăn chặn xả thải vào công trình thủy lợi: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp (15:30 30/11/2019)


HNP - Cùng với quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế, xã hội, khu và cụm công nghiệp, làng nghề, thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh dẫn đến tình trạng xả thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội có xu hướng gia tăng. Thực tế này, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn ngừa ô nhiễm.

Xả thải có xu hướng gia tăng

Tình trạng xả thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh, không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân, mà các cơ quan quản lý cũng rất lo ngại. Qua rà soát của các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 1.869 điểm xả thải; trong đó, có 754 điểm xả thải có nguồn gốc từ hoạt động sản xuất (khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, bệnh viện, dịch vụ...) và 1.115 điểm xả thải là các cống tiêu dân sinh. Các nguồn xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố gồm: Nước thải khu công nghiệp, khu vực dân sinh, đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ, bệnh viện, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và nước thải sinh hoạt.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, việc xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng vào hệ thống công trình thủy lợi ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước cấp cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vào mùa kiệt khi nguồn nước suy giảm, làm giảm tuổi thọ công trình thủy lợi và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, giảm năng suất cây trồng, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đáng ngại, trong tổng số 1.869 điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý có rất ít cơ sở sản xuất, bệnh viện được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xả nước thải.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển sản xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian qua dẫn đến việc xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào hệ thống công trình thủy lợi ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Các nguồn nước xả thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề, khu vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; khu vực dân sinh hầu hết là xả vào hệ thống kênh tiêu cấp 2, 3 trước khi xả vào kênh cấp 1. Do đó việc kiểm tra xác định chủ nguồn thải và xử lý đối với các trường hợp xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi của các doanh nghiệp thủy lợi thành phố gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, theo chức năng nhiệm vụ, các công ty thủy lợi chỉ thống kê các điểm xả thải và báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cấp trên đề phối hợp xử lý, không có giải pháp xử lý và không thể cưỡng chế việc xả thải khi chưa được cấp phép.

Ngoài ra, do nhận thức pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước của các cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế. Công tác tổ chức tuyên truyền về vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, ô nhiễm nguồn nước chưa được đề cao. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên, chưa xử lý triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật nhà nước về môi trường cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xả thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng…

Ngăn chặn, kiên quyết xử lý vi phạm

Trước thực trạng trên, để bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, nhiều ý kiến cho rằng, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận chức cho cộng đồng, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, bảo vệ công trình thủy lợi. Nâng cao hiệu lực quản lý và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở trong công tác bảo vệ môi trường, công trình thủy lợi. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ công trình thủy lợi. Đặc biệt, là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề, cụm công nghiệp, cố tình vi phạm, xả trộm chất thải, nước thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường; đồng thời xử phạt nặng các trường hợp vi phạm, yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm dừng sản xuất, kinh doanh để khắc phục hậu quả. Đối với rác thải, nước thải sinh hoạt, về lâu dài, cần xây dựng hệ thống thu gom và xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý trước khi xả thải ra môi trường…

Ông Chú Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua, nhằm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, như: Vận hành thường xuyên 8 nhà máy xử lý nước thải hiện có, với tổng công suất 304.800m3/ngày, đêm. Bên cạnh đó, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Phú Đô, Vân Canh, Thanh Thùy, Phùng Xá, với tổng công suất 474.500m3/ngày, đêm; xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc để tiếp nguồn nước sông Hồng cho sông Nhuệ…; đồng thời, đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố trong công tác kiểm tra, rà soát tổng hợp các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi tại địa phương. Qua đó, kiên quyết xử lý vi phạm theo thẩm quyền, đặc biệt là vi phạm về xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào hệ thống công trình thủy lợi; gắn trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở nếu để tình trạng vi phạm công trình thủy lợi, vi phạm về xả thải tái diễn trên địa bàn được giao quản lý…

Cùng với đó, Sở NN&PTNT tích cực phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền cấp cơ sở trong việc bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, bảo vệ môi trường. Về lâu dài, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu thành phố quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải để xử lý tập trung trước khi xả thải ra môi trường, hạn chế tận gốc ô nhiễm nguồn nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh và bảo vệ môi trường…


H. Hải


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t