Nông nghiệp Hà Nội nỗ lực vượt khó (13:49 18/12/2017)


HNP - Mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2017, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Đây là nỗ lực chung của toàn thành phố, tạo tiền đề vững chắc phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Tăng trưởng trong gian nan

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6, xảy ra một đợt nắng nóng kỷ lục so với nhiều năm trước đây, sau đó mưa lũ liên tục xảy ra. Cụ thể, cơn bão số 2 diễn ra trong tháng 7, sau đó đợt mưa lũ, từ ngày 10 đến 12/10, trên địa bàn thành phố đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhờ điều chỉnh hợp lý cơ cấu giống cây trồng và sự linh hoạt trong chỉ đạo sản xuất đã tránh được các yếu tố bất lợi về thời tiết để hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2017 đề ra. Theo đó, diện tích gieo trồng cây trồng hằng năm toàn thành phố đạt 271.161ha, trong đó: Diện tích trồng lúa gần 189.900ha, năng suất bình quân đạt 57,31 tạ/ha, tăng 1,79% so với năm ngoái; ngô hơn 19.100ha, năng suất đạt 49,08 tạ/ha, tăng 0,38%; rau các loại gần 33.540ha, tăng 3,86%, năng suất đạt 211,14 tạ/ha, tăng 1,74%, sảng lượng đạt hơn 708.080 tấn, tăng 5,67% so với năm 2016 (trong đó có 5.044ha sản xuất rau an toàn, tương đương 17.850ha gieo trồng)... Còn tổng diện tích cây lâu năm là 21.200ha gồm: Cây ăn quả 17.000ha, sản lượng 240.000 tấn; cây chè 3.500ha, sản lượng chè búp tươi 24.080 tấn; diện tích cây lâu năm khác là 700ha.

Lĩnh vực chăn nuôi tuy phải hứng chịu cơn khủng hoảng thừa ngay thời điểm đầu năm, kéo dài đến nửa năm 2017. Có thời điểm, giá sản phẩm chăn nuôi lợn thấp hơn giá thành sản xuất. Tuy nhiên, chăn nuôi đã có dấu hiệu phục hồi nhờ sự hỗ trợ về chính sách, cũng như nhờ mối liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua thống kê, đàn trâu toàn thành phố là 24,2 nhìn con, tăng 0,83% so với năm ngoái; tương tự, đàn bò 140 nghìn con, tăng 3,17%, đàn gia cầm 29 triệu con, tăng 0,35%; duy nhất đàn lợn đạt 1.600 con, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đến nay, thành phố đã có 15 xã chăn nuôi bò sữa với hơn 10.950 con, chiếm 73% tổng đàn bò; 19 xã chăn nuôi bò thịt với hơn 25.800 con, chiến 20% tổng đàn bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với gần 210.600 con/6.698 hộ chăn nuôi, chiếm 15% tổng đàn lợn. Toàn thành phố hiện có 3.941 trại, trang trại chăn nuôi gồm: 51 trại chăn nuôi bò sữa với 913 con; 104 trại chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản với 2.870 con; 1.086 trại chăn nuôi lợn với hơn 512.600 con; 2.700 trại chăn nuôi gia cầm với gần 8 triệu con. So với năm ngoái, trại chăn nuôi bò sữa tăng 9 trại, bò thịt tăng 4 trại, lợn tăng 36 trại, gia cầm tăng 89 trại.

Đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 10 đến 12/10 vừa qua đã làm diện tích thủy sản bị ngập, thiệt hại hơn 9.700ha gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng thu hoạch. Song nhờ tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật nên tổng sản lượng thủy sản năm 2017 đạt 97.700 tấn, tăng 3,49% so với năm 2016. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt 96.000ha, tăng 3,48%; sản lượng thủy sản khai thác 1.700 tấn, tăng 4,04% so với năm ngoái.   

Tạo đà cho tăng trưởng

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020), kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020 của ngành. Để duy trì tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nông nghiệp của Thủ đô, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung triển khai quyết liệt, tạo đà cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thiện dự án rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu phục vụ tái cơ cấu ngành. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài thành phố ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu. Thực hiện tốt chương trình “Liên kết 4 nhà” để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Xây dựng thương hiệu sản phẩm từ việc áp dụng kỹ thuật sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng, quảng bá cung cấp sản phẩm tới người tiêu dùng.

Cùng với đó, triển khai nhân rộng các mô hình đã được tổng kết và khẳng định có hiệu quả trong sản xuất như các mô hình: Lúa chất lượng cao, mô hình hoa cây cảnh, mô hình cây ăn quả, chăn nuôi công nghiệp, mô hình kinh tế trang trại, nuôi thủy sản tập trung... Ưu tiên xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Xây dựng và nhân rộng mô hình "nông nghiệp sinh thái", "nông nghiệp đô thị" để cho nông sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế cao. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong canh tác, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản như sử dụng nhà lưới, nilon che phủ trong trồng trọt, công nghệ sản xuất cá giống trong nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường quản lý, củng cố, hỗ trợ và nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp để góp phần hướng dẫn, giúp đỡ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích xây dựng các hợp tác xã mới trên cơ sở liên kết, hợp tác tự nguyện giữa các hộ, trang trại, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, quy mô. Tiếp tục phát triển kinh tế hộ lên một bước mới theo hướng phát triển trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn.

Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với các địa phương tạo điều kiện cho hộ nông dân dồn điền đổi thửa, cho thuê đất, tích tụ tập trung đất. Đưa sản xuất chăn nuôi, thủy sản tập trung ra khỏi khu dân cư, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa, các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tổ chức hiệp hội ngành hàng nhằm liên kết phối hợp các hộ gia đình, trang trại, hộ tiểu thương nhỏ lẻ trong nông thôn hiện nay. Từ đó, giúp tăng cường quy mô sản xuất, thay đổi chất lượng quản lý, đầu tư của nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tăng cường liên kết sản xuất của nông hộ với doanh nghiệp và thị trường. Tạo môi trường thuận lợi để hình thành, phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sử dụng nguyên liệu, thu hút nhiều lao động nông nghiệp tại chỗ, doanh nghiệp dịch vụ vật tư, tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản cho nông dân.

Với những giải pháp nêu trên, ngành Nông nghiệp Hà Nội phấn đấu: năm 2018, đạt tốc độ tăng trưởng từ 2,5 đến 3%; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo giá cố định tăng 3,04%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 130,08 triệu đồng, tăng 5,71% so với năm 2017...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, cùng nỗ lực của nhân dân, sản xuất nông nghiệp đã vượt khó, giành nhiều thắng lợi. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 ước đạt 35.210 tỷ đồng, giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp tăng từ 2 đến 2,5% so với năm ngoái; giá trị thực tế ước đạt 45.050 tỷ đồng, tăng khoảng 4,5% so với năm 2016.


H. Hải


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t