Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Giải “bài toán” sau dồn điền đổi thửa (06:45 19/11/2016)


HNP - Cơ giới hóa (CGH) đồng bộ là hướng đi tất yếu với ngành Nông nghiệp Thủ đô. Tuy nhiên, còn quá nhiều thách thức để thực hiện, nhất là trong bối cảnh ruộng đất nhỏ lẻ manh mún. Để đẩy nhanh tốc độ CGH, nông dân nên nhạy bén hơn nữa trong quyết định đầu tư. Thực tiễn cho thấy, nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả cao khi biết phát triển CGH nông nghiệp đúng hướng với đầy đủ cơ sở thực tiễn và khoa học.

Thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như cho vay vốn ưu đãi, phối hợp với các công ty cơ khí bán máy trả góp cho nông dân với lãi suất 0% đã tạo cho nhiều nông dân có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Đến nay, sau 4 năm, thực hiện “Đề án phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2016, định hướng đến năm 2020”, Hà Nội đã đạt 95% tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, đạt 2,55% cấy máy, gặt đập liên hợp đạt 7,8%... Hà Nội mới có 122 hộ được vay tiền ngân hàng mua 140 máy các loại với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là hơn 4 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Đại Ngọc, dù mức độ CGH trong nông nghiệp của thành phố đã có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp so với cả nước. Nguyên nhân là do việc ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Hơn nữa, CGH trong nông nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế, chủ yếu mới tập trung vào khâu làm đất, còn khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch chưa được quan tâm đầu tư nên hiệu quả sản xuất thấp. Dù chính sách khuyến khích phát triển CGH đã có nhưng chưa phù hợp nên các hộ dân chưa mặn mà đầu tư máy móc, thiết bị CGH. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho CGH trong nông nghiệp của Hà Nội còn thấp.

Thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, các huyện, thị xã đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới. Thông qua công tác dồn điền đổi thửa, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch lại và đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng theo tiêu chuẩn. CGH đã và đang được các xã, hợp tác xã, cá nhân đầu tư ở một số khâu chính như làm đất, gieo cấy và thu hoạch, tiêu biểu như các xã thuộc huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thanh Oai, Thanh Trì, Gia Lâm, Mê Linh, Phúc Thọ… Sau dồn điền đổi thửa, nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng đã hình thành ở hầu hết các địa phương. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao như mô hình trồng hoa ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh cho giá trị thu nhập 0,5 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí đạt gần 2 tỷ đồng/ha/năm; mô hình chăn nuôi tập trung xã khu dân cư ở thị xã Sơn Tây, các huyện Ba Vì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai với giá trị 1 đến 2 tỷ đồng/ha/năm và các mô hình nuôi trồng thủy sản ở một số xã thuộc huyện Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Gia Lâm, Thanh Oai cho giá trị thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Tuy vậy, so với nhiều tỉnh, thành phố cả nước, sản xuất nông nghiệp vẫn còn bị giới hạn bởi đất đai nhỏ lẻ, manh mún. Mặt khác, Hà Nội thì khó khăn hơn nhiều vì quỹ đất luôn bị biến động bởi nhu cầu phát triển khu công nghiệp, khu đô thị. Như vậy thì không một loại máy móc nào hoạt động hiệu quả…

Bài toán đặt ra, làm thế nào để bỏ bờ thửa, giữ nguyên bờ vùng để máy móc vào hoạt động mà các hộ không ảnh hưởng gì. Nhiều ý kiến cho rằng có hai giải pháp để hóa giải bài toán hóc búa này. Thứ nhất, để dân tự đo đất ruộng của mình và ký kết, thoả thuận với nhau. Thứ 2, điều kiện thâm canh, điều kiện kinh tế các hộ khác nhau nên năng suất lúa không đồng đều, vì vậy tuyệt đối không thuyết phục họ phá bờ thửa ngăn cách. Ranh giới có thể được phân định bằng các cọc tiêu trước khi phá bỏ các bờ thửa. Đây là một giải pháp mới nhưng rất khả thi.

Ngoài ra, cần làm tốt công tác vận động tuyên truyền để người dân hiểu và thấy rõ hiệu quả của việc tích tụ ruộng đất. Nếu áp dụng hình thức này, sau khi đã có những thửa ruộng, cánh đồng đủ lớn để đưa máy móc vào thì cũng đồng thời phải tổ chức triển khai các khâu dịch vụ kỹ thuật. Những hoạt động này sẽ được thực hiện thông qua hình thức hợp tác xã cổ phần dịch vụ kỹ thuật. Như vậy, trên một thửa ruộng lớn với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như nhau, được CGH đồng bộ cùng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, chắc chắn năng suất và hiệu quả kinh tế sẽ tăng hơn so với những thửa ruộng manh mún, canh tác thủ công, thiếu đầu tư chăm sóc. Từ thực tế cho thấy, mô hình hợp tác xã dịch vụ kiểu mới sẽ hoàn toàn khác, hoạt động dưới dạng công ích phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa phương. Mỗi xã viên tham gia sẽ phải đóng cổ phần theo quy định để gắn trách nhiệm của mình đối với sự thành bại của hợp tác xã.

Hà Nội đã triển khai thí điểm mô hình CGH đồng bộ và liên kết, dịch vụ trong sản xuất lúa tại một số địa phương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Ngành Nông nghiệp, nếu có sự đồng thuận của nông dân thì mô hình CGH đồng bộ và liên kết dịch vụ kỹ thuật trong sản xuất lúa sẽ thành công lớn. Việc hoàn chỉnh quy trình CGH sản xuất ngành trồng trọt và tiến tới nhân rộng mô hình không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà phù hợp với thực tiễn trong điều kiện nguồn lao động nông nghiệp ngày một thiếu, do cơ cấu lao động đang chuyển đổi theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ.


H. Hải


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t