Kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gắn với văn hóa (19:35 26/09/2019)


HNP - Đối với Thủ đô Hà Nội, việc xây dựng con người Việt Nam với những phẩm chất mới trên địa bàn Hà Nội chính là mục tiêu của sự phát triển kinh tế- xã hội. Không chỉ vậy, xây dựng con người là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của quá trình đổi mới, là yếu tố cốt lõi để tạo nên những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước.

Tư tưởng, quan điểm xuyên suốt qua các nhiệm kỳ đại hội (1986 - 2020) của Đảng bộ Thành phố là phải đặc biệt coi trọng yếu tố con người, phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; xác định xây dựng văn hóa Thủ đô cần tập trung vào việc xây dựng con người, đề cao vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Việc xây dựng con người còn là điều kiện để Thủ đô Hà Nội rút ngắn khoảng cách tụt hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô và cũng là điều kiện để Hà Nội hội nhập kinh tế quốc tế. Để phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển, Đảng bộ Thành phố đã đặt ra những yêu cầu mới trong vấn đề xây dựng con người Hà Nội.

Là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước nên vấn đề xây dựng con người mới tại Hà Nội đặt ra yêu cầu cần phải tiêu biểu cho con người Việt Nam, vừa mang những đặc trưng riêng. Hà Nội là nơi hội tụ dân cư của cả nước, đặc biệt là bộ phận dân cư có trình độ học vấn cao, tạo những nhân tố tích cực trong xây dựng người Hà Nội thời kỳ mới. Tuy nhiên, thành phần dân cư Hà Nội cũng rất đa dạng, rất hỗn tạp, với đủ các tầng lớp, đặc biệt là mức độ biến động của dân cư sống trên địa bàn Hà Nội cao nên cũng đặt ra nhiều khó khăn trong việc triển khai, thực hiện xây dựng con người Hà Nội với những tiêu chí chung.

Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố năm 1986 đánh dấu bước ngoặt đổi mới tư duy, cũng là đánh dấu bước khởi đầu lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện ở Thủ đô, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng con người như một nhân tố quyết định của quá trình đổi mới. Tư tưởng, quan điểm xuyên suốt qua các nhiệm kỳ Đại hội (1986-2020) của Đảng bộ thành phố Hà Nội là phải đặc biệt coi trọng yếu tố con người, phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; xác định xây dựng văn hóa Thủ đô cần tập trung xây dựng con người, đề cao vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Đảng bộ thành phố đặt ra những yêu cầu xây dựng con người Hà Nội phù hợp với 5 đức tính đặc trưng của người Việt Nam được nêu trong NQ TW 5 (khóa VIII), nhưng gắn với những đặc trưng văn hóa riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Từ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII đến nay, con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, được coi là mục tiêu, là động lực phát triển, vì con người và do con người. Đảng bộ thành phố đã xác định nhiệm vụ đặt lên hàng đầu trong vấn đề xây dựng con người mới là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa ứng xử của người Hà Nội từ “lời nói hay, việc làm tốt, phong cách đẹp”, phấn đấu để mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều trở thành những công dân tiêu biểu. Nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã trở thành một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội thời kỳ mới. Nét đặc trưng trong tính cách người Hà Nội mang tính chất phổ biến của dân tộc, song thể hiện có phần đậm nét, tinh tế hơn. Đó là lòng tự trọng bắt nguồn từ ý thức dân tộc, trân trọng và tự hào về truyền thống vẻ vang của tổ tiên, ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước; là tính trung thực, thẳng thắn, giàu nghĩa khí, coi trọng trí tuệ và đạo đức hơn tiền bạc và danh lợi; là óc sáng tạo, nhạy cảm với cái mới - nét văn hóa tạo nên bản lĩnh Việt Nam trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, với giặc ngoại xâm để xây dựng và bảo vệ đất nước; là sự lịch sự, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp, xử lý các mối quan hệ một cách mềm mại, uyển chuyển mà hiệu quả cao.

Trải qua quá trình đổi mới, những vấn đề lý luận đặt ra trong việc xây dựng con người Hà Nội gắn với 5 tiêu chí nền tảng Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đặt ra có bổ sung những nét tinh tế, thanh lịch, đặc trưng của người Thủ đô được chắt lọc qua các thời kỳ lịch sử vẫn còn nguyên giá trị. “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” mà trọng tâm là xây dựng nếp sống văn hoá của người Hà Nội, đặc biệt là nét đẹp văn hoá trong ứng xử, nếp sống đô thị thanh lịch, văn minh, hiện đại là nội dung trọng tâm xuyên suốt trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ Thành phố. Đây cũng là điểm nhấn của chiến lược xây dựng con người Hà Nội trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó, vẫn còn nhiều hạn chế và thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người trên địa bàn Thủ đô như: chưa khai thác hiệu quả và phát huy tốt các giá trị văn hóa tinh thần của Thăng Long - Hà Nội; cơ chế, chính sách chưa phù hợp; chưa khắc phục được bệnh hình thức; hệ thống thiết chế văn hóa còn bất cập; đội ngũ cán bộ nhìn chung vừa thiếu vừa yếu; nội dung hoạt động còn đơn điệu; vai trò, vị trí của văn hóa chưa được các cấp, các ngành thực sự quan tâm; kinh phí đầu tư tuy có tăng hơn trước song vẫn chưa đáp ứng được thực tiễn; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra… Văn hóa ứng xử trong một bộ phận nhân dân còn thấp; kết quả xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn hạn chế.

Từ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với văn hóa trong thời gian tới. Thứ nhất, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ và các tầng lớp nhân dân có ý nghĩa quyết định trong xây dựng và phát triển văn hóa. Chú trọng tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.

Thứ hai, thường xuyên nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về phát triển văn hóa và xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh về văn hóa của Hà Nội; chăm lo công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với sự tham gia chủ động, tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, hội quần chúng... từ Thành phố đến cơ sở trong phát triển văn hóa và xây dựng con người trên địa bàn. Làm tốt công tác xã hội hóa.

Thứ tư, từ xác định vai trò, vị trí của văn hóa Thủ đô đến hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa phải luôn phù hợp thực tiễn cuộc sống; đặt lên hàng đầu việc xử lý hài hòa mối quan hệ phát triển kinh tế, xây dựng Đảng với phát triển văn hóa; tăng cường nguồn lực và đầu tư hợp lý cho văn hóa.

Sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người là một công việc phức tạp, đòi hỏi quá trình lâu dài, kiên trì, bền bỉ và được quan tâm thực hiện thường xuyên. Thành phố Hà Nội tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội, xây dựng Hà Nội phát triển thực sự giàu đẹp, văn minh.


Nguyễn Hồng Sơn


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t