45 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không:


Bài 3: Chiến thắng mang tầm thời đại (10:45 13/12/2017)


HNP - Cuộc tập kích đường không chiến lược năm 1972 là một thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải quay trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Pari “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”...

Các chuyên gia Liên Xô xem mảnh vỡ máy bay B-52 bị bắn rơi ngày 23/12/1972 trên bầu trời Hà Nội


Quyết tâm giành “độc lập, tự do”
 
Ngày 17/12/1972, Ních-xơn chính thức ra lệnh mở chiến dịch “Lai-nơ-bếch-cơ II”, sử dụng không quân chiến lược B-52 tập kích với quy mô hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã của miền Bắc. Sớm dự báo tình hình, Bộ Tổng tham mưu đã ra lệnh cho Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đến đêm 18/12/1972, toàn Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp độ 1. 
 
Đúng 19 giờ 10 phút, ngày 18/12/1972, Đại đội ra đa 16- Trung đoàn 291 phát hiện được nhiễu B-52 và báo cáo về Sở Chỉ huy: “B-52 đang vào miền Bắc”. Ngay lập tức, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật Mỹ tại Tam Đảo, Việt Trì. Các máy bay F.111 của Mỹ ném bom phá hủy sân bay Nội Bài, sân bay Kép để ngăn không quân ta cất cánh. Từ 19 giờ 20 phút, ngày 18/12/1972, nhiều tốp máy bay B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm...
 
Đến 20 giờ 13 phút, ngày 18/12/1972, Tiểu đoàn 59 - Trung đoàn Tên lửa Phòng không 261 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả đạn, hạ được 1 máy bay B-52 (rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phủ Lỗ, huyện Đông Anh, cách trận địa gần 10km).  Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội. Ngay trong đêm đầu tiên của chiến dịch, Mỹ đã huy động gần 90 chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Hà Nội, 8 lần chiếc F.111 và 127 lần máy bay chiến thuật bắn phá... Quân và dân ta đã bắn rơi 3 máy bay B-52, trong đó, có 2 chiếc rơi tại chỗ, bắn rơi 2 chiếc F4 và 1 chiếc A7.
 
Liên tiếp từ đêm 19/12-29/12/1972, Mỹ liên tục tấn công Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã của miền Bắc bằng máy bay chiến lược B-52, máy bay F.111 “cánh cụp cánh xòe”, máy bay F4, F5 và các phương tiện tác chiến đường không hiện đại khác. Trong 12 ngày đêm, không có ngày nào quân và dân ta không bắn rơi máy bay B-52 của Mỹ (chỉ trừ ngày 25/12, lấy cớ nghỉ lễ Nô-en, địch tạm ngừng không kích để củng cố lực lượng. Cao điểm nhất là ngày 26/12, lúc 22 giờ 5 phút, địch sử dụng 105 lần chiếc máy bay B-52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống, đánh phá ồ ạt, liên tục từ nhiều hướng vào Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên. Đây là trận đánh lớn và then chốt, chỉ trong 1 giờ, quân và dân ta đã bắn rơi 8 chiếc B-52. Thất bại lớn này đã làm suy sụp tinh thần và ý chí của giới cầm quyền Nhà trắng và Lầu Năm Góc. Đến đêm 29/12, máy bay B-52 của Mỹ chỉ dám đánh vào khu Gang thép Thái Nguyên, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Kim Anh (Vĩnh Phú) mà không dám đánh Hà Nội nữa.
 
Sau 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, gồm 34 chiếc B-52, 5 chiếc F.111A, 21 chiếc F.4C-E, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F.105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC. Cùng với đó, Mỹ còn chịu tổn thất lớn về người lái, với gần 100 người bị chết và bị bắt. Tỷ lệ tổn thất về máy bay B-52 lên tới 17%.
 
Trước sự thất bại lớn đó, 7 giờ sáng, ngày 30/12/1972, Ních-xơn buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay lại bàn đàm phán. Cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã của miền Bắc thất bại hoàn toàn.
 
Phát huy tinh thần Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc
 
Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20, khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Bác Hồ, buộc Mỹ ký kết Hiệp định Pari, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm tiền đề đi đến thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không còn là chiến thắng của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, là đón đánh lịch sử, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam, đem lại niềm tin cho nhân loại tiến bộ trên thế giới đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
 
Phát huy tinh thần chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Quán triệt sâu sắc phương hướng lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, tập trung xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, củng cố vững chắc sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
 
Cùng với đó, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng ý thức trách nhiệm, lòng trung thành, bản lĩnh chính trị. Tập trung hiện đại hóa Quân chủng Phòng không - Không quân cũng như xây dựng lực lượng phòng không Thủ đô hiện đại; đảm bảo sẵn sàng về ý chí, quyết tâm đánh bại kẻ thù trong mọi tình huống; ra sức học tập, làm chủ khí tài; nâng cao chất lượng, sẵn sàng chiến đấu đối với lực lượng chủ lực, lực lượng phòng không địa phương và dân quân tự vệ...
 
Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là dịp để ôn lại truyền thống hào hùng của Quân đội, của dân tộc Việt Nam, càng thêm tin tưởng, tự hào về dân tộc ta, Đảng ta, quân đội ta, một đất nước không rộng, dân số không đông nhưng luôn biết đoàn kết để chống lại những kẻ thù hùng mạnh, làm nên những chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Nguyễn Văn


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t