Hà Nội: Tạo sản phẩm du lịch đồng bộ, có sức hấp dẫn du khách (11:35 07/04/2017)


HNP - Chiều 6/4, tại Khách sạn Melia - Hà Nội đã diễn ra hội nghị gặp gỡ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch do UBND TP Hà Nội tổ chức. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã tới dự.

Hội nghị gặp gỡ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch


Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội năm 2017. Tại hội nghị, các nhà quản lý và doanh nghiệp đều có chung nhận định: Du lịch Hà Nội thời gian qua đã có bước phát triển rõ rệt nhưng vẫn còn nhiều hạn chế khiến sự phát triển chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự kỳ vọng của xã hội. Điều cần thiết nhất, Hà Nội cần tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đồng bộ, có sức hấp dẫn cao để thu hút du khách.
 
Mặc dù Hà Nội có trên 5.000 di tích lịch sử văn hóa trong đó có những di tích được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long, hệ thống 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng 1.350 làng nghề thủ công và nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Tuy vậy, việc khai thác hầu như mới dừng ở những thứ đã có sẵn, chưa có sự đầu tư xứng đáng. Hà Nội cũng thiếu các khu vui chơi tầm cỡ quốc tế để phục vụ du khách trong nước, chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch mang tính khác biệt so với các quốc gia láng giềng để phục vụ khách quốc tế.
 
Liên quan đến việc làm mới các sản phẩm du lịch cũ, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet cho rằng, hiện nay, nhiều du khách đến không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm có chung cảm giác khu này hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, chưa xứng với tầm vóc phố đi bộ ở không gian đậm chất văn hóa. Vì vậy, thành phố cần tạo thêm các hoạt động văn hóa tại khu vực này để tăng tính hấp dẫn. Cụ thể, Thành phố cần tạo không gian áo dài khu vực này và kêu gọi người dân mặc áo dài vào cuối tuần khi đến tham quan, trải nghiệm ở không gian phố đi bộ. Vào những ngày cuối tuần, các nhà thiết kế thời trang có thể trình diễn các chương trình thời trang áo dài. Một mặt, thành phố cần tạo ra không gian Hà Nội qua các thời kỳ ở không gian phố đi bộ, bằng cách kết hợp trưng bày ảnh, phương tiện, trang phục ở các thời kỳ để người dân và du khách có thể hình dung về văn hóa lịch sử Hà Nội.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hà Nội sở hữu nhiều tài nguyên du lịch, hoàn toàn có thể xây dựng thành điểm đến chất lượng cao. Có hai hướng đặt ra cho du lịch Hà Nội là, tạo ra sản phẩm mới và làm mới sản phẩm cũ. Với việc tạo ra sản phẩm mới, thành phố đã thu hút nhiều nhà đầu tư du lịch triển khai nhiều dự án du lịch quy mô lớn. Nhưng với những sản phẩm sẵn có như: Phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, các di sản văn hóa gắn với chủ tịch Hồ Chí Minh, các khu du lịch sinh thái… ngành du lịch cần tạo ra chất lượng tốt hơn bằng cách đầu tư hạ tầng, nhân lực, có hệ thống thuyết trình chuyên nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch tốt hơn.
 
Ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội đề xuất Thành phố cần tập trung xây dựng 1 - 2 khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế. Hơn nữa, Hà Nội cũng cần tổ chức không gian du lịch trong phạm vi thành phố nhằm xác định rõ các địa bàn, không gian trọng điểm du lịch với chức năng du lịch là chính. Kinh nghiệm của Malaysia, khu vực Kinabalu được xác định là trọng điểm về du lịch sinh thái, Kuala Lumpur được xác định là địa bàn phát triển du lịch Mice (du lịch hội nghị, hội thảo), du lịch vui chơi, giải trí và du lịch mua sắm.
 
Trước những đề xuất của các cơ quan quản lý, tổ chức và doanh nghiệp du lịch, lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố phát triển du lịch.
 
Các bên ký kết hợp tác
 
Cũng tại hội nghị, Hà Nội đã ký kết hợp tác Du lịch với các địa phương gồm: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình.

Nghi Dung


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t