Huyện Mê Linh: “Điểm sáng" trong triển khai tín dụng chính sách (11:41 04/07/2022)


HNP - Trải qua 20 năm, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành phố và Huyện ủy - HĐND - UBND, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mê Linh đã đi vào hoạt động ổn định, triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

NHCSXH huyện Mê Linh giao ban tại xã Tiến thịnh triển khai Nghị quyết 11 và Nghị quyết 36 của Chính phủ


Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, trong 20 năm qua, NHCSXH Huyện đã tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy trình nghiệp vụ quy định của ngành và bám sát nhiệm vụ được giao trong từng thời kỳ để triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng được giao. 
 
Hiện nay, mạng lưới hoạt động của NHCSXH huyện Mê Linh luôn được củng cố và ngày càng ổn định, có hiệu quả với 18 điểm/18 xã, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi tham gia vay vốn tại NHCSXH; chất lượng giao dịch, chất lượng tín dụng ngày được nâng lên, hạn chế nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan phát sinh, không có nợ xâm tiêu, chiếm dụng lớn, kéo dài dẫn đến mất vốn; không có các hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu nhân dân,...; đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, trả nợ, trả lãi và nắm bắt thông tin, chính sách của các đối tượng thụ hưởng theo quy định.
 
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa NHCSXH huyện Mê Linh với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ và đi vào ổn định, mang lại những lợi ích thiết thực cho hoạt động của các Hội đoàn thể, giúp cho đồng vốn tín dụng chính sách (TDCS) đến đúng các đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả.
 
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ viên chức NHCSXH huyện ngày càng vững vàng hơn trong khó khăn, vất vả, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn hiện nay và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của ngành.
 
“Kết quả đạt được từ các chương trình tín dụng ưu đãi NHCSXH triển khai trong 20 năm qua đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn ghi nhận và đánh giá cao. Vốn TDCS đã hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho những cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh cá thể, hộ nghèo,… để ổn định và cải thiện đời sống, không để xảy ra trường hợp sinh viên phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn không trang trải được chi phí học tập, từ đó, góp phần ngăn ngừa tệ nạn xã hội, ổn định tình hình chính trị, xã hội và đẩy mạnh phát triển kinh tế tại địa phương” - Trưởng ban đại diện NHCSXH huyện Mê Linh Lê Văn Khương nhấn mạnh.
 
Trên 14.000 lượt hộ dân thoát nghèo
 
Từ 03 chương trình tín dụng nhận bàn giao năm 2003 với số tiền 19.495 triệu đồng. Đến nay, NHCSXH huyện Mê Linh đang triển khai thực hiện 10 chương trình TDCS, theo dõi và quản lý trên 10 ngàn khách hàng vay vốn với dư nợ 509.505 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, dư nợ tín dụng tăng 50,4 tỷ đồng (11%) so với năm 2021. Dư nợ bình quân đạt 49 triệu đồng/khách hàng.
 
Giám đốc NHCSXH huyện Mê Linh Quang Mạnh Hà cho biết, trong 20 năm qua, đã có gần 54.016 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, trong đó có trên 6.246 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 14.000 lượt hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 19.000 lao động; trên 5.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng và cải tạo trên 35.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng 605 ngôi nhà cho hộ nghèo; tạo điều kiện cho 13 hộ gia đình vay xây sửa, mua nhà ở xã hội; hỗ trợ 02 doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vay trả lương cho 831 người lao động và 2 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
 
Thông qua chương trình vay vốn, các hộ vay đã sử dụng vốn vào việc mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán nhỏ, bán hàng ăn uống, dịch vụ; mua sắm phương tiện lao động, mua cây giống, con giống, phân bón, cải tạo đất,… để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. 
 
Mô hình chăn nuôi bò 3 B tại thôn Nại Châu, xã Chu Phan, huyện Mê Linh
 
Có nhiều hộ gia đình sử dụng vốn vay hiệu quả như: gia đình bà Nguyễn Thị Phích (Văn Lôi, Tam Đồng) vay chi phí cho 2 con học Đại học, cháu thứ nhất (Nguyễn Thị Thu Hằng, sinh năm 1992) đã ra trường, trả hết nợ và mở công ty, thu nhập ổn định và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện tại địa phương; gia đình ông Lê Thanh Tùng (Chu Phan) năm 2016 gia đình thuộc diện hộ nghèo, vay 50 triệu đồng chăn nuôi bò, đến 2019 gia đình thoát nghèo, trả hết nợ, hiện thu nhập của gia đình trên 200 triệu/năm từ Bưởi, Bò sinh sản, con đi làm công nhân...
 
Những kết quả cụ thể trên đã góp phần tích cực trong giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm trên địa bàn huyện, giúp hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao trình độ dân trí và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. “Trong hơn 20 năm qua, tuy số hộ nghèo của huyện còn ở mức cao so với tỷ lệ chung toàn Thành phố, nhưng tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm. Đến cuối năm 2021, trên địa bàn huyện còn 41 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,07%.” - Giám đốc NHCSXH huyện Mê Linh cho hay.
 
Thời gian tới, bám sát chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021-2030, NHCSXH huyện Mê Linh sẽ tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động để phát triển theo hướng tự chủ, ổn định, bền vững; thực hiện tốt TDCS xã hội của Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội theo quy định nhằm phát huy hiệu quả cao hơn nữa hoạt động TDCS, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu chung của quốc gia về giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng.

Phạm Linh


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t