Huyện Quốc Oai: Sẵn sàng ứng phó với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm xâm nhập (09:26 19/02/2020)


HNP - Đây là yêu cầu trong Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND huyện Quốc Oai, ban hành ngày 14/02, triển khai phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn huyện năm 2020.

Theo đó, khi chưa có dịch cúm gia cầm, huyện Quốc Oai tập trung cho tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng bằng nhiều hình thức; trên các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn tờ rơi, hội nghị, tập huấn, pano, áp phích... về bệnh cúm gia cầm, các chủng vi rút cúm nguy hiểm, tính chất nguy hiểm của bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tình hình dịch bệnh, nguy cơ dịch tái phát.

Cùng với đó, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn lấy mẫu để xét nghiệm vi rút cúm gia cầm và chẩn đoán phân biệt đối với đàn gia cầm nuôi có biểu hiện nghi ngờ bệnh cúm gia cầm, đàn gia cầm nghi có tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm, chim hoang dã, động vật mẫn cảm với bệnh cúm gia cầm trên địa bàn bị ốm, chết không rõ nguyên nhân. Tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia cầm (2 đợt/năm) và tiêm bổ sung theo độ tuổi đối với đàn gia cầm thương phẩm.

Huyện Quốc Oai cũng giao cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thực hiện việc kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra khỏi địa bàn thành phố theo quy định. Tăng cường phối hợp giữa các ngành liên quan để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, cơ sở có nguy cơ cao và tại các chợ buôn bán gia cầm sống…

Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, huyện Quốc Oai chỉ đạo hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thực hành chăn nuôi tốt. Đối với các hộ chăn nuôi gia trại, hướng dẫn thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, trong đó có vi rút cúm gia cầm. Định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, tụ điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm…

Còn khi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, huyện chỉ đạo thực hiện việc xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và Bộ NN&PTNT.

Để làm tốt nhiệm vụ trên, UBND huyện yêu cầu các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực để cùng tham gia phòng, chống dịch. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chăn nuôi, thú y phải thực hiện nghiêm túc Luật Thú y và các văn bản khác có liên quan. Việc chống dịch phải được thực hiện đồng bộ các giải pháp theo quy định. Dịch Cúm gia cầm phải được giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện, chủ động khoanh vùng, dập tắt dịch không để lây lan ra diện rộng.


Thanh Bình


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t