Hoài Đức khởi sắc sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (10:54 02/09/2019)


HNP - Sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Hoài Đức đã có sự đổi thay rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Hiện nay, huyện đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt để tiệm cận với các tiêu chí từ xã lên phường và huyện lên quận; hoàn thiện nâng cao chất lượng xây dựng NTM theo hướng bền vững.


Trước khi thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Hoài Đức là huyện thuần nông, giá trị sản xuất trên một hecta canh tác thấp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhiều làng nghề truyền thống nhỏ lẻ. Tuy nhiên, bằng việc xác định mục tiêu phấn đấu thực hiện các tiêu chí theo từng thời điểm, từng giai đoạn, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Hoài Đức đã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, gắn trong nội dung hoạt động của các đoàn thể chính trị-xã hội, từ đó, giúp nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của chương trình và chủ động tham gia.

Lấy mô hình làm điểm là xã Yên Sở, huyện đã tập trung chỉ đạo, rút kinh nghiệm đối với những đơn vị còn lại. Hoài Đức luôn xác định đầu tư xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tập trung cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kiện toàn hệ thống giao thông nông thôn, đầu tư cho giáo dục, y tế, đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng chính quyền từ huyện đến cơ sở, thu hút được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Hoài Đức đã huy động hàng nghìn tỷ đồng cho chương trình mục tiêu xây dựng NTM, trong đó, nhân dân, doanh nghiệp đóng góp và nguồn vốn khác chiếm khoảng 30%. Đến hết năm 2016, huyện Hoài Đức có 19 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100% tổng số xã trên địa bàn, về đích trước 4 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 23 đề ra, trong đó, Yên Sở là xã tiêu biểu của thành phố, được Trung ương đánh giá là 1/27 xã đạt chuẩn NTM tiêu biểu toàn quốc. Đưa Hoài Đức trở thành huyện nằm trong tốp đầu về xây dựng NTM.

Mười năm qua, tăng trưởng kinh tế của huyện Hoài Đức duy trì ở mức cao, hơn 10%/năm. Toàn huyện hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, gồm: 298,2ha sản xuất rau an toàn; gần 900ha cây ăn quả đặc sản, trong đó, có 280ha bưởi, 182ha nhãn muộn, 45ha Phật thủ, 158ha ổi, 110ha táo… Riêng các sản phẩm: Nhãn chín muộn Hoài Đức, Phật thủ Đắc Sở, bưởi Quế Dương đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ và cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, trong đó, sản phẩm nhãn chín muộn đã được xuất khẩu sang thị trường Malaysia, châu Âu..., góp phần nâng thu nhập bình quân trên 1ha canh tác đạt 500-700 triệu đồng/năm.

Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Hoài Đức thay đổi rõ nét

Công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân, an sinh xã hội được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện. Công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, truyền nghề; tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, hệ thống các thiết chế văn hoá từ huyện đến cơ sở đáp ứng ngày càng tốt hơn, nhu cầu thụ hưởng văn hoá của nhân dân. Năm 2018, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 48,6 triệu đồng/người/năm (tăng 26,6 triệu đồng so với năm 2010)...

Với những nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hoài Đức đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba (năm 2013), Huân chương lao động hạng Nhì (năm 2018), Chính phủ tặng Cờ thi đua (năm 2014), Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2017...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU trên địa bàn huyện Hoài Đức vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Nông nghiệp hàng hóa phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh chưa cao, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ còn chậm, chưa tạo sự đột phá về năng suất và hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết dứt điểm, đặc biệt là các làng nghề chế biến thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật, vệ sinh môi trường, ATTP của một số ít bộ phận nhân dân chưa tốt. Các dự án đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa thôn tiến độ thực hiện chậm do ảnh hưởng của quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đô thị, các quy hoạch bị chống lấn làm ảnh hưởng đến hiện trạng một số cơ sở công cộng, không triển khai được dự án đầu tư xây dựng hoặc phải điều chỉnh quy hoạch của địa phương. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp và vốn xã hội hóa thực hiện xây dựng NTM chưa đạt yêu cầu...

Vì vậy, trong thời gian tới, huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở từng xã, theo hướng bền vững, phù hợp với tiêu chí lên quận góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, gắn sản xuất với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường sống.... Huyện đặt mục tiêu, đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 10% đến 11%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (Thương mại - Dịch vụ 54%; Công nghiệp - Xây dựng 41%; Nông nghiệp 5%); Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã, khớp nối với hạ tầng các khu đô thị và khớp nối với các quận liền kề. Trên 50% số xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa-thể thao của toàn xã; 100% số thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1% (theo tiêu chí mới).


Bình An


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t