Thanh Trì: Điểm sáng xây dựng nông thôn mới (20:08 20/12/2017)


HNP - Qua 5 năm triển khai, bộ mặt nông thôn huyện Thanh Trì đã có đổi thay tích cực. Huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 100%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của huyện Thanh Trì ước đạt 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hiện giảm còn dưới 2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%.

Khởi sắc NTM huyện Thanh Trì


Coi xây dựng NTM là một trong hai khâu đột phá trọng tâm, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, huyện Thanh Trì đã tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, đồng thời vận dụng sáng tạo và kịp thời các cơ chế chính sách hỗ trợ của nhà nước. Huyện đã chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại xã Đại Áng song song với việc triển khai đồng loạt đến 14 xã còn lại.
 
Để đẩy mạnh kiến thiết hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là xây dựng giao thôn nông thôn, ngay từ năm 2011, Huyện Thanh Trì đã phát động phong trào thi đua hiến đất mở đường, nhân rộng mô hình “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng ngõ xóm"; đặc biệt là sau khi có quyết định số 16 của UBND thành phố Hà Nội về hỗ trợ sau đầu tư, Huyện ủy quyết đoán, chớp thời cơ, vận dụng linh hoạt ban hành quyết định hỗ trợ 100% nguyên vật liệu cơ bản cho nhân dân xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhân dân đóng góp bằng công lao động. Toàn huyện đã huy động 11.380m2 tổng diện tích hiến đất, 207.482 ngày công lao động; hoàn thành nâng cấp cải tạo 163,06km đường giao thông nông thôn đạt 120% kế hoạch, nâng tổng số các tuyến đường giao thông đạt chuẩn 100% theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia.
 
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuât, đặc biệt là thực hiện thắng lợi dồn điền đổi thửa, từ những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ nay đã trở thành những ô thửa lớn, những cánh đồng chuyên canh đem lại giá trị kinh tế cao, như vùng sản xuất lúa tập trung 3 xã Vĩnh Quỳnh - Tả Thanh Oai - Đại Áng; vùng sản xuất rau an toàn Yên Mỹ - Duyên Hà - Vạn Phúc, vùng nuôi trồng thuỷ hải sản Thanh Liệt - Đông Mỹ - Tứ Hiệp; phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế mới như mô hình trồng nấm ăn, nấm dược liệu, mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm, nuôi gà an toàn sinh học; trồng bưởi tạo hình hồ lô, mô hình trồng hoa đào… khuyến khích người dân thực hiện các mô hình sản xuất khép kín. Góp phần đưa nông nghiệp của huyện theo hướng sản xuất hàng hóa, có thương hiệu trên thị trường như rau an toàn Yên Mỹ - Duyên Hà, Gạo BT09 Vĩnh Quỳnh.. Thanh Trì cũng là huyện đầu tiên của thành phố xóa bỏ các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ trong khu dân cư, đưa vào sử dụng lò giết mổ gia súc tập trung tại xã Vạn Phúc với công suất giết mổ trung bình 1.700 con lợn/ngày đêm; giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý hoạt động giết mổ.
 
Sản xuất rau sạch tại huyện Thanh Trì
 
Trong lĩnh vực công nghiệp, huyện có 1 cụm công nghiệp Ngọc Hồi phát triên khá hiệu quả với 33 doanh nghiệp, thu hút trên 4.000 lao động. Từng bước đưa Cụm công nghiệp Tân Triều vào hoạt động; Tạo cơ chế thúc đẩy các ngành nghề phát triển, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào hoạt động tại địa bàn. Năm 2015, toàn huyện có 829 doanh nghiệp và 1.138 hộ sản xuất kinh doanh (tăng 288 doanh nghiệp, giảm 309 hộ sản xuất so với năm 2010). 2.897 doanh nghiệp và 7.532 hộ sản xuất kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (tăng 2.052 doanh nghiệp, 1.609 hộ kinh doanh so với năm 2010). Bên cạnh 3 làng nghề truyền thống là Dệt Triều Khúc (Tân Triều); Bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (Duyên Hà); miến bánh đa Phú Diễn (Hữu Hòa) được Thành phố công nhận, bước đầu đã khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.  Qua đó, góp phần tích cực trong việc giải quyết nguồn lao động tại địa phương. Với bình quân mỗi năm đào tạo, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.
 
Văn hóa xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục toàn diện cũng như giáo dục mũi nhọn ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ và từng bước hiện đại.. Đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 24 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia toàn huyện lên 51 trường, đạt tỷ lệ 80%. Duy trì vững chắc phổ cập giáo dục bậc trung học; là huyện đầu tiên triển khai thí điểm diện rộng mô hình trường học mới VNEN tại 18 trường tiểu học với 86 lớp học được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, đến nay mô hình đã được nhân rộng đại trà trên địa bàn toàn huyện. Triển khai thực hiện 06 Đề án trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và Đề án đầu tư xây dựng bể dạy bơi phòng chống đuối nước cho học sinh, đã dạy và cấp chứng chỉ cho gần 12.573 học sinh, đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác có hiệu quả 14 bể bơi tại các trường học và là huyện đi đầu trong xóa mù bơi trong các trường học.
 
Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư được đẩy mạnh. Hiện toàn huyện có 109 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa, 89% gia đình văn hóa; 100% các thôn, làng đã hoàn thành bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hương ước, quy ước phù hợp với thực tế của từng địa phương; trên 90% đám cưới tổ chức theo quy chế của Thành phố. Việc tang được tổ chức văn minh, tiến bộ, một số hủ tục đã dần được loại bỏ; Huyện có tỷ lệ hỏa táng cao với số ca hỏa táng đạt 58,5%, tăng 28,5% so với năm 2011.
 
Với nhiều thành tích nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều phòng ban chuyên môn, đoàn thể của huyện được Thành phố ghi nhận tặng bằng khen, cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu. Đặc biệt trong hai năm 2015, 2016 huyện Thanh Trì liên tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu. Đặc biệt, trong năm 2017, huyện Thanh Trì, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Trường Giang


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t