Phúc Thọ: Kinh tế, xã hội đạt kết quả toàn diện (19:54 20/12/2017)


HNP - Năm 2017 sẽ là năm đáng nhớ về những thành tựu về kinh tế để có thể nâng cao đời sống người dân, phát triển nông thôn mới của huyện Phúc Thọ. Một Phúc Thọ năng động, kinh tế, xã hội phát triển toàn diện và đang vững bước đi tới tương lai.

Hướng đi đúng

“Là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, sản xuất thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập lụt... không khó hình dung ra những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế, xã hội. Đó là hình ảnh của 10 năm trước đây. Bây giờ dẫu vẫn còn những khó khăn phải vượt qua, nhưng những đổi thay về đời sống kinh tế, xã hội thì người dân huyện Phúc Thọ ai cũng cảm nhận được” - ông Nguyễn Văn Thành, xã Ngọc Tảo chia sẻ. Theo ông Nguyễn Văn Thành, kể từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Phúc Thọ đã có những chuyển biến đáng kể trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên cho biết: đổi thay rõ nhất trong xây dựng nông thôn mới là kinh phí đầu tư cho phát triển hàng năm tăng lên đáng kể, nhất là đầu tư cho phát triển nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giáo dục, văn hóa, y tế... Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đã làm cho diện mạo làng quê Phúc Thọ thêm khởi sắc. Mặt khác, những vấn đề nổi cộm, bức xúc về đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chỉ đạo giải quyết kịp thời...

Không chỉ kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn: “Bức tranh kinh tế nông thôn của huyện như một cuộc “lột xác” ngoạn mục”. Điều thể hiện ở chỗ, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Huyện Phúc Thọ đã chuyển đổi hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh hiệu quả kinh tế cao như: 700ha trồng cây ăn quả chủ lực là bưởi, ổi, táo, chuối, đu đủ...; vùng trồng rau an toàn 500ha tại các xã Thanh Đa, Vân Phúc, Thọ Lộc...; vùng trồng lúa chất lượng cao và hoa ly ở xã Tam Thuấn.

Ông Phùng Anh Tuấn cho biết thêm, trong bối cảnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thì gần đây, huyện Phúc Thọ đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Đơn cử, Công ty Vinacart đã thuê 10ha đất để trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Đình, Công ty Hương Việt Phúc thuê 1ha để thí điểm trồng rau theo công nghệ Nhật Bản ở xã Thanh Đa...

Nhờ định hướng đúng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện mấy năm gần đây duy trì trên 10%/năm. Với tiềm năng, lợi thế, Phúc Thọ đã trở thành một trong ba địa phương có phong trào sản xuất nông nghiệp mạnh nhất TP Hà Nội. Toàn huyện có 265 dự án chuyển đổi cơ cấu kinh tế với diện tích gần 500ha, trong đó 75 dự án đạt tiêu chí kinh tế trang trại. Huyện đã hình thành các cánh đồng mẫu lớn và vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại các xã Thanh Đa với diện tích 50ha, Võng Xuyên 70ha, Thọ Lộc 50ha, Hát Môn 50ha; trồng lúa hàng hoá chất với diện tích 300ha và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thuỷ sản hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương...

100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế, các hoạt động văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế... của Phúc Thọ có nhiều khởi sắc. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá mới được triển khai thực hiện đồng bộ; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực... Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết: đến năm 2016, huyện Phúc Thọ có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã còn lại là Thượng Cốc và Xuân Phú đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Như vậy, 100% số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới...

Bên cạnh phát triển mạnh mẽ kinh tế, huyện Phúc Thọ còn phát huy giá trị truyền thống quý báu của quê hương xứ Đoài và tiếp thu những tinh hoa văn hóa Thăng Long. Sự giao thoa đó đã tạo nên giá trị văn hoá mới, năng động, táo bạo hơn và mang tính thời đại. Sinh hoạt văn hóa cũng như tiếp cận với thông tin được mở rộng, người dân được tiếp thu, tiếp xúc với nhiều kênh thông tin, giá trị văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, khẳng định giá trị, vị thế của người Phúc Thọ trong tổng thể chung của người dân Thủ đô...

Tuy nhiên, hiện nay, huyện Phúc Thọ vẫn còn một số khó khăn trong công tác quy hoạch, dự báo thị trường tiêu thụ nông sản và trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập... Thực tế từ cơ sở, ông Nguyễn Văn Toàn, xã Hiệp Thuận cho hay: Nguyện vọng của người dân Phúc Thọ mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội địa phương, trong đó ưu tiên đầu xây dựng nông thôn mới, giao thông thủy lợi nội đồng và các thiết chế văn hóa.


Minh Anh


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t