Để giáo dục nội thành và ngoại thành song hành phát triển (09:15 12/05/2023)


HNP - Từ nhiều năm nay, Giáo dục Thủ đô luôn giữ vững vị trí đầu tàu của cả nước, song, vẫn có hai “vùng” khá rõ rệt. Trong khi khu vực nội thành có điều kiện kinh tế khá hơn, nhưng thiếu diện tích xây dựng; thì, không ít trường học tại khu vực ngoại thành lại thiếu nguồn lực đầu tư. Từ thực tế này, Thành phố đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ những vướng mắc, để giáo dục nội thành và ngoại thành song hành phát triển.

Cơ sở vật chất khang trang tại trường THCS Phương Mai, quận Đống Đa


Hà Nội là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, 2,2 triệu học sinh và gần 139 nghìn giáo viên. Trong đó, công lập có 2.255 trường, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia khoảng 80%. Trong hai năm 2021-2022, từ ngân sách Thành phố đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đào tạo, Hà Nội đã triển khai xây dựng, cải tạo trường học để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành 143 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Năm 2023, Thành phố dự kiến xây dựng nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; công nhận mới 81 trường và công nhận lại 50 trường đạt chuẩn quốc gia; công nhận thêm 3 trường công lập chất lượng cao…
 
Xác định việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững, những năm gần đây, Thành phố Hà Nội đã tăng cường, ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho cải tạo, xây dựng mới các trường học trên địa bàn, đáp ứng các tiêu chuẩn. Đặc biệt, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022, quyết định bổ sung gần 94 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo để đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn. Tính đến đầu năm 2023, trong 139 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục do cấp Thành phố quản lý, đã hoàn thành 12 dự án, 3 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2023, 48 dự án đã duyệt chủ trương đầu tư và 72 dự án đã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư…
 
Những ngôi trường mới rộng rãi, khang trang, hiện đại với các tiêu chí đạt chuẩn đã đem lại niềm vui, sự phấn khởi và tin tưởng, đồng thuận cho học sinh, giáo viên và các gia đình. Đây cũng là nền tảng, điều kiện quan trọng giúp các nhà trường đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học. 
 
Mặc dù đã có những bước phát triển tích cực nhưng công tác đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn Thủ đô vẫn đang gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hiện nay, việc triển khai các dự án giáo dục theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND Thành phố đang còn một số khó khăn, vướng mắc ở cấp quận, huyện thị xã về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.
 
Các trường huyện ngoại thành khá rộng rãi, nhưng lại gặp khó về nguồn vốn đầu tư
 
Ở một số quận nội thành, quỹ đất dành cho trường học trên địa bàn rất hạn chế. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tạo điều kiện cho Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về việc xây trường chuẩn quốc gia. Đó là cho phép tính diện tích sàn sử dụng thay thế cho diện tích đất trên tổng số học sinh; cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng, được phép xây dựng và sử dụng các tầng hầm dựa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho trẻ, bố trí học sinh học ở các tầng thấp, cán bộ giáo viên làm việc tại tầng cao… Trong khi đó, tại các huyện ngoại thành “thừa đất” nhưng lại đang gặp khó về nguồn vốn đầu tư…
 
Một vấn đề đáng được quan tâm nữa, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội dù đã được mở rộng, tăng cường hệ thống lớp học nhưng do thiếu giáo viên nên vẫn chưa thể thực hiện tách lớp. Vì vậy, chưa đáp ứng được tiêu chí sĩ số học sinh để có thể đạt chuẩn quốc gia. Hiện, các địa phương đang đề xuất Thành phố, Sở Nội vụ bố trí thêm biên chế giáo viên và chủ động bố trí kinh phí để thuê thêm giáo viên hợp đồng.
 
Kế hoạch số 236/KH-UBND ngày 31/8/2022 về xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2022-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ trường công lập các cấp đạt chuẩn quốc gia đạt từ 80 đến 85%, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Cụ thể, bên cạnh việc duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020, Thành phố phấn đấu công nhận mới thêm từ 432 đến 552 trường công lập đạt chuẩn trong giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch số trường đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2025 là 2.040 trường trong tổng số 2.400 trường công lập. 
 
Để khắc phục khó khăn, cụ thể hóa được các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như để giáo dục nội thành và ngoại thành song hành phát triển, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung quyết liệt. Đồng thời, chủ động rà soát các nội dung tồn tại, lắng nghe những phản hồi từ thực tế, cùng phối hợp để giải quyết và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Quỳnh Anh


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t