Nghệ thuật công cộng - Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội (20:59 05/10/2022)


HNP - Hướng tới Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2022 và Cuộc thi Thiết kế nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022, trong hai ngày, 4 và 5/10, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) tổ chức chuỗi tọa đàm, tập huấn về "Nghệ thuật công cộng - Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội".

Phố Bích họa Phùng Hưng: Không gian nghệ thuật công cộng


Sự kiện là dịp chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho các bên liên quan trong thiết kế, quy hoạch, vận hành và quản lý các không gian văn hóa sáng tạo công cộng và nghệ thuật công cộng; khuyến khích hình thành các ý tưởng sáng tạo và đổi mới...
 
Theo đó, trong phiên tọa đàm ngày 4/10, các đại biểu tập trung làm rõ về vai trò của nghệ thuật công cộng đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và không gian văn hóa sáng tạo công cộng gắn với phát triển bền vững của đô thị; xây dựng, vận hành và quản lý không gian văn hóa sáng tạo công cộng.
 
Kiến trúc sư Lê Phước Anh, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho biết: Quảng trường là định nghĩa phổ biến nhất cho không gian công cộng trên thế giới nhưng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, hầu hết quảng trường có vai trò giống như một đảo giao thông hơn là nơi hội tụ những hoạt động giao lưu văn hóa xã hội, mang bản sắc địa điểm và tinh thần nơi chốn. 
 
Còn PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh: "Không gian công cộng đặc biệt quan trọng đối với đời sống văn hóa, nhất là với những đô thị chật chội và ngột ngạt, địa điểm này có vai trò như "châm cứu, chữa lành" cho sức khỏe tinh thần. Chính vì vậy, dù có diện tích nhỏ hẹp hay quy mô rộng lớn, những không gian này cần được kiến tạo để trở thành những không gian văn hóa thực thụ, một trường văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn cộng đồng, góp phần tạo nên một Thành phố sống tốt và nhân văn; trong đó có vai trò không nhỏ của nghệ thuật công cộng". 
 
Quang cảnh chuỗi tọa đàm, tập huấn về "Nghệ thuật công cộng - Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội"
 
Khẳng định Hà Nội đang bước vào thời kỳ nở rộ trào lưu sáng tác nghệ thuật cho không gian công cộng, với các dự án, công trình công cộng nổi bật, như: Con đường gốm sứ, tủ điện nở hoa, nhà gương gắn gốm, nghĩ về sân chơi trong phố…; sự hình thành của một loạt nhà ga tàu điện ngầm hay các công viên, vườn hoa đang nằm trong diện cải tạo, quy hoạch… cũng là gợi ý đầy tiềm năng cho các sáng tạo nghệ thuật thể nghiệm, Tiến sĩ Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam bày tỏ, gìn giữ di sản không nhất thiết phải bám vào các giá trị hiện có, mà còn là cho di sản một giá trị mới, cuộc đời mới. Bên cạnh đó, ông Emmanuel Cerise cũng lưu ý, cần chú trọng đến tính bền vững cho các công trình, do không gian công cộng mang đặc thù là ở ngoài trời, chịu nhiều tác động về thời gian, khí hậu. 
 
Theo ông Emmanuel Cerise, những năm gần đây, không gian công cộng được hình thành nhiều tại Hà Nội, điển hình như dự án con đường gốm sứ. Tuy nhiên, phần lớn không gian công cộng còn thiếu tính bền vững. Ví dụ như những dự án vẽ hoa văn trên nền gạch của phố Tràng Tiền chỉ tồn tại được vài tháng đã hư hỏng hay tình trạng con đường gốm sứ bị bong tróc.
 
Đồng quan điểm trên, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn - giám tuyển 2 dự án bích hoạ Phùng Hưng và dự án nghệ thuất Phúc Tân chia sẻ: Bản thân dự án không đươc gọi là nghệ thuật công cộng mà chỉ là cải tạo cảnh quan; hay cải tạo bờ vở sông Hồng. Chính vì vậy, khái niệm về nghệ thuật công cộng hay không gian công cộng chưa chính danh.
 
Theo các chuyên gia, trách nhiệm của các cấp chính quyền đô thị là việc hết sức quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công trong việc quy hoạch và đầu tư xây dựng. Nội dung đó, được cụ thể hóa bằng các định hướng và giải pháp như: Các cấp chính quyền đô thị cần lồng ghép quy hoạch thiết kế nghệ thuật cho các không gian công cộng vào trong các đồ án quy hoạch phân khu và thiết kế đô thị. Cần xây dựng mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện với nhiều mô hình đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đa dạng, linh hoạt và hiệu quả, kết hợp tăng cường hợp tác công tư.
 
Nêu kinh nghiệm kiến tạo các không gian sáng tạo hiệu quả trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn lấy ví dụ: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân...; đồng thời, khẳng định, sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công của các dự án. 
 
Tại chuỗi tọa đàm, tập huấn về "Nghệ thuật công cộng - Không gian văn hóa sáng tạo công cộng vì sự phát triển bền vững của Hà Nội", ngày 5/10, với chủ đề tính đặc thù của địa điểm trong sáng tạo nghệ thuật công cộng, các đại biểu đã được tập huấn về thiết kế, thực thi, duy trì và quản lý các tác phẩm nghệ thuật công cộng cho các đối tượng là tài năng thiết kế nghệ thuật trẻ tại Hà Nội.

Quỳnh Anh


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t