Đảm bảo chất lượng nhà vệ sinh trong trường học (16:52 25/04/2019)


HNP - Nhà vệ sinh trường học đang là vấn đề được ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng và cả thành phố quan tâm. Dù là xây mới hay cải tạo, mục đích chung cũng là hướng đến đảm bảo vệ sinh môi trường trong trường học và giúp các em học sinh vui vẻ học tập, các thầy cô giáo yên tâm giảng dạy.

Khu vực nhà vệ sinh của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận Hoàn Kiếm


Theo thống kê tình trạng nhà vệ sinh trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, năm học 2018-2019, tổng số trường Mầm non và Phổ thông công lập có 2.185 trường, tăng 35 trường so với năm học trước. Các trường này được đầu tư xây mới nên không có nhu cầu cải tạo, xây mới nhà vệ sinh. Trong đó, có 1.704/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn quy định, đạt tỷ lệ 78%; 1.959/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh theo quy định, đạt tỷ lệ 90%; 1.704/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo có khu rửa tay, đạt tỷ lệ 78%; 893/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo có xà phòng rửa tay, đạt tỷ lệ 40%; 2.145/2.185 trường có công trình vệ sinh được phân công các hoạt động trực nhật, vệ sinh các công trình nhà vệ sinh, đạt tỷ lệ 98%.
 
Đạt được kết quả 1.704/2.185 trường có công trình vệ sinh đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn quy định là nhờ sự vào cuộc, phối hợp của các Sở, ngành và sự nỗ lực thực hiện của các nhà trường trong công tác thực hiện và quản lý sử dụng. Năm 2019, thành phố sẽ triển khai xây dựng mới và cải tạo khu vệ sinh của giáo viên, học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT công lập, đạt chuẩn. Cụ thể, xây mới 2.460 nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn thiết kế đạt chuẩn và trên chuẩn ở những trường còn thiếu khu vệ sinh; cải tạo 8.598 nhà vệ sinh cũ. Năm 2020, tiếp tục rà soát xây nhà vệ sinh, xây mới khu vệ sinh của giáo viên, học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS và THPT công lập.
 
Tuy nhiên, trong thực tiễn, công tác quy hoạch xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo và khai thác sử dụng trường học trên địa bàn thành phố thời gian vừa qua, đặc biệt là các công trình nhà vệ sinh, hệ thống cung cấp vệ sinh nước sạch trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được một phần. Ngoài ra, quá trình triển khai nảy sinh một số bất cập mà trong đó không thể không kể đến khó khăn trong cân đối ngân sách hỗ trợ cho chương trình nhà vệ sinh, nước sạch trong trường học… Trước những khó khăn trên, năm 2019-2020, thành phố đã đặt ra mục tiêu kêu gọi xã hội hóa đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trường học và thành phố sẽ hỗ trợ một phần và có điều kiện cụ thể, đặc biệt là cho các hạng mục nhà vệ sinh, nước sạch…
 
Bên cạnh đó, thời gian qua, các quận, huyện, thị đoàn khác trên địa bàn thành phố cũng đang tích cực thực hiện công trình “Nhà vệ sinh thân thiện” để giúp các em học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Mỗi nơi có đặc điểm riêng, nhưng nhìn chung, các nhà vệ sinh sau khi chỉnh trang, cải tạo đều được bố trí khoa học, sạch sẽ hơn, được trang trí bởi cây xanh và các bức tranh gần gũi với học sinh. Qua đó, giúp các em thay đổi cảm nhận của mình với nhà vệ sinh trước đây, đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn nhà vệ sinh sạch, đẹp.
 
Theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến: Nhằm cụ thể hóa Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, Thành đoàn Hà Nội triển khai công trình “Nhà vệ sinh thân thiện” tại các trường học trên địa bàn thành phố. Sau 1 tháng thực hiện đã có khoảng 30 công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng, mang lại niềm vui lớn cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh. Theo kế hoạch, trong năm 2019, tuổi trẻ Thủ đô sẽ hoàn thành 200 “Nhà vệ sinh thân thiện”. Ngoài ra, hằng quý, các cấp bộ Đoàn thành phố sẽ tổ chức đoàn kiểm tra hiện trạng duy trì, sử dụng công trình sau cải tạo.
 
Tại hội nghị bàn về công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia; công tác xây dựng nhà vệ sinh trong trường học; công tác đầu tư xây dựng trường học, phòng học cho khu vực thiếu trường, lớp học , Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đã nhấn mạnh: nhiều nơi đã triển khai mô hình quản lý nhà vệ sinh trong trường học khá tốt, song, để duy trì được mô hình này cần được triển khai thường xuyên, liên tục. Đồng chí giao Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị đánh giá thực trạng nhà vệ sinh thuộc thẩm quyền quản lý. Xây dựng kế hoạch cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh, phấn đấu năm 2019, sẽ đạt 100% các trường có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Các quận, huyện, thị xã chủ động phân bổ ngân sách cho công tác xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh. Đồng thời, huy động nguồn xã hội hóa trên tinh thần tìm kiếm tài trợ từ các tập thể, cá nhân. Lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở cùng các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, đột xuất công tác quản lý, sử dụng nhà vệ sinh…

Quỳnh Anh


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t