Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử (21:08 25/02/2018)


HNP - Trong xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực này vẫn gặp khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, triển khai ứng dụng công nghệ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh...

Nhiều chuyển biến rõ nét

Theo kết quả rà soát của Sở Công Thương Hà Nội, lũy kế đến hết năm 2017, trên địa bàn thành phố có 7.203 website của tổ chức, cá nhân được chấp thuận và đăng lý hoạt động theo quy định của pháp luật. Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh, hệ thống thông tin, viễn thông, internet trên địa bàn thành phố được đầu tư, phát triển rộng khắp, đảm bảo cung cấp các dịch vụ cho mọi đối tượng khách hàng. Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Đơn cử, các sở, ngành thành phố đã hướng dẫn cửa hàng bán trái cây, thực phẩm an toàn, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội chủ động triển khai hệ thống minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh. Riêng năm 2016 đã áp dụng mã QR cho 760 dòng sản phẩm nông nghiệp an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Tiếp nối thành công, năm 2017, các sở, ngành thành phố tiếp tục triển khai với 250 dòng sản phẩm nông sản thực phẩm, chủ yếu tập trung sản phẩm rau, thịt tươi, một số sản phẩm chế biến từ rau, thịt, thủy sản.

Tương tự, ứng dụng CNTT trong khởi sự kinh doanh, thành phố đã đưa vào vận hành Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp (StartupCity.vn), hình thành không gian số để kết nối, chia sẻ thông tin giữa các thành phần của của hệ sinh thái khởi nghiệp. Qua đó, thúc đẩy nhanh chóng các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Cùng với đó, Vườn ươm doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội đã ký kết hợp tác với 6 đối tác chiến lược, tiếp nhận 27 hồ sơ dự án, ý tưởng khởi nghiệp. Trong đó, có 12 dự án được chính thức tiếp nhận vào Vườn ươm, 5 dự án tiêu biểu đã được lựa chọn tham gia chương trình xúc tiến đầu tư đợt 1 do Vườn ươm tổ chức, được đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh, kế hoạch phát triển doanh nghiệp.

Ông Lê Hồng Thăng cho biết thêm, đến nay, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ứng dụng thương mại điện tử, coi thương mại điện tử là một phần không thể thiếu để phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc tham gia hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội của đại bộ phận doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng cho thấy, doanh nghiệp đã nhanh nhạy bắt kịp các xu hướng mới về thương mại điện tử của thế giới. Bên cạnh đó, tranh thủ thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nỗ lực khắc phục khó khăn

Tuy nhiên, việc phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố vẫn gặp những khó khăn. Bởi hoạt động thương mại điện tử trên môi trường mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức đối với cơ quan quản lý và lực lượng chức năng. Qua rà soát năm 2017, việc ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp có những vụ việc phức tạp như: Chủ thể nước ngoài sở hữu tên miền, website kinh doanh đa cấp sản phẩm, hàng hóa nhưng trao quyền khai thác cho doanh nghiệp Việt Nam và không cung cấp văn bản, giấy tờ chứng minh về sự liên quan đó, nhằm thoái thác trách nhiệm khi có vi phạm xảy ra.

Phương tiện điện tử sử dụng để hoạt động thương mại điện tử cũng ngày càng đa dạng, phong phú (Laptop, mobile, tablet, tivi) dẫn đến hình thành những hình thức giao dịch thương mại điện tử mới ngoài website thương mại điện tử, còn có ứng dụng thương mại điện tử. Trong khi đó, việc giám sát hoạt động thương mại điện tử sử dụng thiết bị di động khó khăn hơn nhiều so với việc giám sát thương mại điện tử sử dụng máy tính. Mặt khác, số lượng cán bộ, công chức chuyên trách quản lý hoạt động thương mại điện tử thiếu; chất lượng dịch vụ chưa cao; trang thiết bị phục vụ công tác quản lý chưa được chú trọng đầu tư. Một số doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức độ cung cấp thông tin sản phẩm, chưa tích hợp nhiều chức năng cho phép giao kết hợp đồng trực tuyến, đặt hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Các hành vi giao dịch điện tử có dấu hiệu vi phạm dễ dàng “xóa dấu vết”, cản trở việc thu thập chứng cứ điện tử trong những trường hợp vi phạm. Tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử thường gây hậu quả nghiêm trọng, tác động xấu đến dư luận, gây ảnh hưởng lớn đến nhiều người tham gia...

Khắc phục khó khăn trên, Ban Chỉ đạo Thương mại điện tử TP Hà Nội yêu cầu sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, ngoài tuyên truyền về ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh, tăng mức lưu chuyển hàng hóa, hướng tới xuất khẩu, thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tiếp tục triển khai các chương trình hưởng ứng "Ngày mua sắm trực tuyến onlinefriday" diễn ra vào thứ Sáu của tuần đầu tiên của tháng 12 hằng năm; các sự kiện thuộc chương trình "Tháng Khuyến mại hằng năm". Đồng thời, ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử; xây dựng chương trình tập huấn kiến thức thương mại điện tử cho doanh nghiệp...


Thanh Bình


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t