Hà Nội phấn đấu thêm 3,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2017 - 2020 (14:45 05/01/2017)


HNP - Được đánh giá là địa phương đi đầu trong cả nước về việc thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, những năm qua, Hà Nội đã đưa vào sử dụng hàng nghìn căn hộ, gồm cả loại hình nhà ở bán, cho thuê và thuê mua. Tính đến hết tháng 11/2016, toàn thành phố đã có 36 dự án được hoàn thành với trên 1,3 triệu m2 sàn. Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng hỗ trợ nhà đầu tư và quản lý chặt chẽ việc sử dụng quỹ nhà xã hội theo đúng mục đích, đúng đối tượng quy định; phấn đấu có thêm 3,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn  2017 - 2020.

Mô hình nhà ở xã hội Đặng Xá, Gia Lâm


Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 30/11/2016, Hà Nội có 36 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với trên 1,3 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, trong đó, có 5 dự án nhà ở công nhân với trên 163 nghìn m2 sàn xây dựng. Hiện, Thành phố đã bố trí, giải quyết chỗ ở cho 11,8 nghìn hộ gia đình. Riêng năm 2016, giải quyết cho ở cho 1,6 nghìn hộ gia đình và trên 45 nghìn chỗ ở cho công nhân. 
 
Đáng chú ý, từ tháng 7/2016, Hà Nội đã triển khai để chuẩn bị đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo mô hình mới là giao các nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 5 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô gần 250 nghìn ha. Trong đó, có 2 khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, diện tích khoảng 39ha và 34ha; khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, diện tích khoảng 39ha; khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, diện tích khoảng 41ha; khu nhà ở xã hội tập trung xã Đại Mạch, huyện Đông Anh với quy mô 96ha.
 
Dự kiến, từ nay đến năm 2020, cả 5 dự án này sẽ bổ sung khoảng 1,5 triệu m2 nhà ở xã hội cho Thành phố để giải quyết nhà ở cho nhân dân Thủ đô, cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan của Trung ương và lực lượng vũ trang trên địa bàn Thành phố.
 
Phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp là sự cố gắng rất lớn của Hà Nội. Song, cũng từ thực tế triển khai loại hình nhà ở này cho thấy vẫn còn những hạn chế từ chính sách hay sự bất cập trong quản lý, sử dụng.
 
Trả lời chất vấn cử tri về nhà ở xã hội tại Kỳ họp thứ 3 của HĐND thành phố Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung thừa nhận, qua dư luận phản ánh, thành phố đã cho kiểm tra và xác định đúng là có đối tượng không đủ tiêu chuẩn vẫn được mua nhà ở xã hội, thậm chí mua xong lại bán, cho thuê lại, đục thông hai căn hộ liền kề…Hay việc tuân thủ pháp luật của một số chủ đầu tư vẫn còn hạn chế như: chậm tiến độ, không chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp sử dụng không đúng mục đích, chưa thành lập Ban quản trị nhà chung cư, không có đầu mối thực hiện cụ thể để kiểm tra, giám sát các hộ dân sau khi ký hợp đồng mua nhà…Bên cạnh đó, do không thu tiền sử dụng đất, giá bán nhà bị khống chế nên tại một số dự án nhà ở xã hội (nhất là các dự án nhỏ lẻ) nhưng có lợi thế về vị trí, thương mại cao, giá nhà ở xã hội có chênh lệch lớn so với nhà ở thương mại cùng khu vực dẫn phức tạp trong việc bán nhà, quản lý đối tượng mua nhà.
 
Đối với nhà ở công nhân thì tỷ lệ lấp đầy lại rất thấp, một số dự án đã xây dựng xong nhưng chưa lấp đầy do thói quen một bộ phận công nhân muốn ở trong khu dân cư liền kề để giảm chi phí sinh hoạt. Các dự án nhà ở công nhân hiện nay chủ yếu phục vụ cho các công nhân độc thân chưa lập gia đình (phòng ở tập thể mỗi phòng từ 8 đến 24 người), sau khi lập gia đình căn hộ trên không phù hợp dẫn đến bất cập về mô hình đầu tư. Các dự án nhà ở cho công nhân thuê nên thu hồi vốn chậm, chưa thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia.
 
Theo kế hoạch giai đoạn 2017-2020, Hà Nội cần thêm khoảng 3,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội. Để giải quyết nhu cầu, khắc phục các tồn tại, hạn chế, Hà Nội sẽ kiểm tra, rà soát các dự án đã giao chủ đầu tư nhưng chậm triển khai, làm rõ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, tập trung chỉ đạo giải quyết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
 
Thành phố sẽ tập trung đầu tư các dự án khu đô thị nhà ở xã hội đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết nối giao thông thuận tiện với các khu, cụm công nghiệp, khu thương mại để bù đắp phần diện tích nhà còn thiếu; đồng thời, giải quyết các tồn tại, bất cập trong đầu tư, quản lý, sử dụng các khu nhà ở xã hội nhỏ lẻ; hạn chế phát triển các dự án nhà ở xã hội nhỏ lẻ trên địa bàn.
 
Ngoài ra, Hà Nội cũng lựa chọn chủ đầu tư có năng lực về tài chính, có trách nhiệm xã hội cao để thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu và tạo điều kiện về đất đai, cơ chế chính sách cho các chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.

Bình An


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t