Đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản: Bộc lộ khó khăn, phức tạp (09:24 22/01/2017)


HNP - Kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản là một trong những nội dung quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bộc lộ nhiều khó khăn cần sớm khắc phục.

Siết chặt công tác quản lý

Hà Nội có khoảng 60 nghìn cơ sở thực phẩm, trong đó, tuyến quận, huyện, thị xã quản lý gần 9,1 nghìn cơ sở, tuyến xã, phường, thị trấn quản lý gần 46 nghìn cơ sở. Ước tính, nhu cầu thực phẩm trung bình một năm của Hà Nội khoảng 900 nghìn tấn gạo, gần 140 nghìn tấn thịt lợn, 42 nghìn tấn thị gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54 nghìn tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900 nghìn tấn rau xanh. Tuy nhiên, Hà Nội mới cung ứng được khoảng 69% nhu cầu thị gia súc các loại, 32% cá các loại, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại… Số còn lại phải nhập từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu. Vì vậy, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đóng vai trò quan trọng nhằm bảo đảm sức khỏe cho nhân dân.

Với vai trò là cánh tay nối dài của UBND thành phố trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, đi đôi với công tác thông tin, tuyên truyền, các ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tích cực triển khai đồng bộ các khâu từ sản xuất đến kiểm soát chất lượng sản phẩm trên thị trường, trong đó xây dựng và quản lý chuỗi sản xuất đến bàn ăn được đặc biệt coi trọng. Đơn cử, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban điều phối chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp đã xây dựng được 11 chuỗi rau an toàn áp dụng hệ thống bảo đảm có sự kiểm soát của người dân, người kinh doanh và người tiêu dùng và 29 chuỗi rau hữu cơ với sự tham gia của 41 siêu thị, cửa hàng, đại lý cung cấp nông sản sạch trên địa bàn thành phố; lĩnh vực chăn nuôi đã xây dựng thành công 21 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hiện đang cung cấp ổn định cho người tiêu dùng...

Đáng nói, thực hiện Thông tư số 45 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm của thành phố được kiểm tra chặt chẽ. Đây là việc làm rất quan trọng, bởi qua việc kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở, giúp các cơ quan nhà nước quản lý các cơ sở một cách khoa học và có hệ thống. Qua kiểm tra, đánh giá sẽ khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ cao để tập trung kiểm tra, tránh phiền hà cho các cơ sở chất lượng tốt, làm ăn có uy tín. Sau khi đánh giá, phân loại sẽ tiến hành công bố công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn các cơ sở, các sản phẩm chất lượng uy tín để tiêu dùng.

Khắc phục hạn chế

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Huy Đăng cho biết, qua rà soát, thành phố có 22.064 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Kể từ khi triển khai Thông tư 45 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến nay, thành phố đã tích cực kiểm tra, đánh giá, phân loại. Tuy nhiên, số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông sản xếp loại C vẫn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 40%, nguyên nhân do cơ sở chưa thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm. Mặt khác, việc kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố cũng còn những vướng mắc do số lượng cơ sở tương đối nhiều, trong khi đó việc thống kê chi tiết các cơ sở này gặp rất nhiều khó khăn do thông tin về các cơ sở còn hạn chế. Cụ thể như trường hợp doanh nghiệp đăng ký hoạt động đa ngành nghề, trong khi đó ngành nghề thuộc lĩnh vực phải kiểm tra thì chưa hoạt động nên mất rất nhiều thời gian để xác minh; một số doanh nghiệp sau thời gian hoạt động có thay đổi về trụ sở, biển hiệu nhưng không thông báo, gây khó khăn cho việc kiểm tra, đánh giá. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chưa nắm rõ thông tin về quy định phải kiểm tra đánh giá nên thiếu hợp tác. Việc xử lý đối với các cơ sở xếp loại C mà kiểm tra lại vẫn chưa khắc phục là rất khó khăn, vì theo quy định của thông tư, đơn vị kiểm tra, đánh giá sẽ kiến nghị cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh, tuy nhiên, các trường hợp rút giấy phép kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp lại chưa có quy định này. Ngoài ra, còn một số lượng lớn các đối tượng thuộc diện phải kiểm tra nhưng không đăng ký kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các chợ rất cần có quy định cụ thể để giám sát các đối tượng này.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất nông lâm sản thủy sản, đi đôi với cập nhật, cung cấp danh sách kết quả xếp loại A, B, C theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân nghiêm túc thực hiện. Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất, thực hiện tốt công tác hậu kiểm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt chất cấm, tổ chức lấy mẫu thực phẩm vật tư nông nghiệp để giám sát chất lượng và xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, tăng tần suất công khai các cơ sở không đảm bảo ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và không tiêu dùng các sản phẩm…


Hương Dung


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t