Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố (15:34 27/09/2018)


HNP - Sáng 27/9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án


Trong 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành nông nghiệp thành phố vẫn đạt ở mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 35.133 tỷ đồng tăng so với năm 2013 là 13,08%. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2017 tăng bình quân 2,23%. Tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,35%. Trong đó, trồng trọt tăng 2,4%, chăn nuôi tăng 4,0%, thủy sản tăng 6,06%. Cơ cấu về giá trị sản xuất năm 2017: trồng trọt, lâm nghiệp 44,40%; chăn nuôi, thủy sản 52,56%; dịch vụ nông nghiệp 3,04%.
 
Riêng lĩnh vực trồng trọt, thành phố đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giá trị tăng từ 3-8 lần so với trồng lúa; Đã hình thành 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô trên 100ha tại 86 Hợp tác xã nông nghiệp của 14 huyện ngoại thành, hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 25 - 30% sản xuất lúa truyền thống; Hình thành 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô từ 20 ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400-500 triệu đồng/ha/năm; Đã xây dựng 12 nhãn hiệu tập thể (Bưởi tôm vàng Đan Phượng, Bưởi đường Quế Dương, cam canh Kim An, bưởi Phúc Thọ, bưởi Chương Mỹ, bưởi Sóc Sơn, phật thủ Đắc Sở, nhãn muộn Đại Thành, nhãn muộn Hoài Đức, chuối Cổ Bi, chuối Vân Nam, ổi Đông Dư)…
 
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc
 
Đối với chăn nuôi, thành phố đã tập trung đẩy mạnh mở rộng, nâng cao chất lượng sản xuất, cung cấp con giống theo phương pháp nhập đàn giống chất lượng cao từ nước ngoài để cải tạo đàn giống vật nuôi trong nước theo hướng thuần hoá để thích nghi với môi trường trong nước, sản lượng cao hơn và khả năng kháng dịch bệnh tốt hơn, các mô hình chăn nuôi quy mô lớn và bền vững được đẩy mạnh. 
 
Hiện nay, Thành phố đã phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, phát triển 3.941 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Chăn nuôi ở Hà Nội đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển dần sang chăn nuôi trang trại, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đã hình thành 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín từ đầu vào (giống, thức ăn …) đến tiêu thụ.
 
Đối với lĩnh vực thủy sản giai đoạn 2013-2017, toàn Thành phố đã chuyển đổi 4.200 ha diện tích ruộng trũng sang nuôi trồng thủy sản tập trung kết hợp với trồng cây ăn quả, du lịch sinh thái (56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín), năng suất đạt từ 10-12 tấn/ha/năm gấp 2 lần so với nuôi quảng canh, thu nhập 200-300 triệu đồng/ha/năm.
 
Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay, toàn Thành phố có 123 mô hình ứng dụng công nghệ cao, trong đó trồng trọt chiếm khoảng 18%, chăn nuôi 34%, thủy sản 13%, tập trung tại các địa phương: Như huyện Mê Linh có 18 mô hình, Gia Lâm 17 mô hình, Thường Tín 14 mô hình, Thanh Oai có 9 mô hình, Phúc Thọ 8 mô hình, Đông Anh 8 mô hình, Đan Phượng 8 mô hình.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định, trong 5 năm qua, thành phố có tốc độ nông nghiệp phát triển nhanh. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi mới. Người dân ở khu vực nông thôn không chỉ có thêm thu nhập từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mà đời sống cũng được nâng cao. Thành phố đã triển khai Đề án tái cơ cấu cần thực hiện bằng những việc làm cụ thể.
 
Phó Chủ tịch Thường trực cũng yêu cầu, trong thời gian tới, các đơn vị cần tích cực thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc thực hiện Đề án tái cơ cấu. Tích cực thực hiện việc tinh giản, sát nhập các cơ quan đơn vị đảm bảo theo đúng chủ trương chính sách và quy định của thành phố và Bộ NN&PTNT.
 

Các đại biểu thăm quan các gian hàng giới thiệu nông sản của Thủ đô sau 5 năm thực hiện Đề án

Để tiếp tục đạt hiệu quả cao trong công tác tái cơ cấu, các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Cần phải ứng dụng khoa học một cách bài bản, ở tất cả các khâu trong sản xuất...Tận dụng các trường đại học, các viện nghiên cứu để lai tạo giống, phát triển các giống mới. Bên cạnh đó, thực hiện đào tạo cho nông dân về kỹ thuật canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tập trung phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, trong đó phát triển giống các giống cây trồng có lợi thế, như nhãn chín muộn để đưa ra thị trường quốc tế, đặc biệt là đưa vào các thị trường khó tính từ Mỹ, Châu Âu...
 
Thành phố sẽ tích cực đầu tư cho hệ thống công trình đê điều, thủy lợi để đảm bảo an toàn cho người dân và cho sản xuất. Thành phố cũng sẽ chú trọng thực hiện chương trình nông thôn mới theo quy hoạch hiện đại, phát triển bền vững. Phó Chủ tịch Thường trực cũng mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục có sự phối hợp để thành phố có thêm nhiều mô hình hay cách làm mới, giúp thành phố thực hiện tái cơ cấu một cách thành công hơn nữa.

Lê Tâm


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t