Gia Lâm: Nhiều tấm gương giáo viên dạy giỏi, tự học và sáng tạo (09:52 30/05/2017)


HNP - Sau 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, ngành Giáo dục và đào tạo huyện Gia Lâm đã tạo được chuyển biến về mọi mặt trong các cơ sở giáo dục, góp phần vào kết quả của toàn ngành GD&ĐT, khẳng định ảnh hưởng to lớn của cuộc vận động mang đậm nét đặc trưng của ngành GD&ĐT tạo Thủ đô.

Để triển khai Cuộc vận động, Ngành GD&ĐT Gia Lâm đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện cuộc vận động từ huyện đến các nhà trường. Ban chỉ đạo đã ban hành các văn bản, hướng dẫn cụ thể tới từng đơn vị trường học. Để cuộc vận động thực sự thấm nhuần trong ngành, Ban chỉ đạo đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền phong phú như: Tổ chức các cuộc hội thảo, cụ thể hoá các tiêu chí “tấm gương đạo đức”, tiêu chí “tự học”, tiêu chí “sáng tạo”. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của cán bộ quản lý trường học với việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; vai trò của giáo viên với việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Sức lan tỏa, lôi cuốn của cuộc vận động đã được chuyển hóa vào mọi mặt hoạt động của từng đơn vị, trong đó, có việc bồi dưỡng giáo viên, thi giáo viên dạy giỏi, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, tham gia đổi mới chương trình, sách giáo khoa…

Kết quả, sau 10 năm triển khai cuộc vận động, đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo yêu nghề, mến trẻ, có đạo đức tốt, có tâm trong sáng, gương mẫu, trung thực, tận tụy với nghề; có tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, luôn phấn đấu vươn lên để trở thành Giáo viên giỏi, Chiến sỹ thi đua, Cán bộ quản lý giỏi. Đây cũng là những nhà giáo đi đầu trong đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, có sáng kiến kinh nghiệm giáo dục tiên tiến, có chỗ đứng vững chắc và tin cậy trong lòng các thế hệ học sinh và cha mẹ học sinh.

Thực hiện tiêu chí “là tấm gương đạo đức”, các nhà giáo đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt”, tham gia các phong trào nhân đạo, từ thiện. Kết quả đã có 3.286 nhà giáo nhận đỡ đầu cho 3.005 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. Số tiền đã giúp đỡ các em đạt hơn 2,4 tỷ đồng. Tham gia ủng hộ giáo dục các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc biệt và các hoạt động xã hội từ thiện, nhận đạo khác với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.

Góp phần thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, các thầy cô giáo đã vượt lên những khó khăn, nghiên cứu tài liệu, cập nhật thông tin để tự học, tự bồi dưỡng, trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ. 10 năm qua, toàn ngành có 25.000 lượt cán bộ giáo viên học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; 1.057 giáo viên đi học Cao đẳng, Đại học, 31 đồng chí học Cao học, 216 đồng chí học lý luận chính trị và quản lý nhà nước từ trung cấp trở lên; Tỷ lệ cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn là 100%, trong đó trên chuẩn là  79% (MN 69,2%, Tiểu học 93,2%, THCS 80%), tăng 10% so với  2011; tỷ lệ giáo viên được đánh giá xếp loại theo chuẩn nghề nghiệp từ khá trở lên đạt 100%, tỷ lệ giáo viên ứng dụng công nghệ tin học thành thạo 95% (tăng 10%); 80% cán bộ giáo viên có trình độ ngoại ngữ  đạt chứng chỉ A, B, C hoặc A1, A2, B1.

Luôn luôn đổi mới và sáng tạo, các thầy giáo, cô giáo đã tích cực nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn giảng dạy và tham gia cải tiến đồ dùng dạy học hoặc làm mới đồ dùng dạy học. 10 năm qua, số đồ dùng dạy học tự làm đạt giải cấp trường là 5.643 sản phẩm, cấp huyện là 1.684, sản phẩm và cấp Thành phố là 152 sản phẩm.

Ứng dụng Công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy cũng là một tiêu chí của “Tự học và sáng tạo”. Trong 10 năm qua, số sản phẩm CNTT được xếp loại cấp trường là 4.672, xếp loại cấp huyện là 526, xếp loại cấp Thành phố là 126 sản phẩm, xếp loại cấp Quốc gia là 02 sản phẩm. Cùng với làm đồ dùng dạy học và ứng dụng CNTT, việc viết và đúc rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, quản lý và chủ nhiệm cũng là một nội dung được ngành quan tâm chỉ đạo và đội ngũ cán bộ, giáo viên hưởng ứng nhiệt tình. Trong 10 năm, đã có 25.562 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại ở cấp trường. Trong đó, có 9.523 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp huyện và 2.015 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp thành phố.

Trong những năm qua, xác định việc tham gia thi giáo viên dạy giỏi các cấp vừa là nhiệm vụ nhưng cũng là trách nhiệm và niềm tự hào của các nhà giáo để khẳng định khả năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của mình. Trong quá trình dự thi, các nhà giáo đã thể hiện các kỹ năng sáng tạo như ứng dụng CNTT, khai thác có hiệu quả hệ thống tư liệu, trang thiết bị sẵn có của nhà trường cũng như đồ dùng dạy học tự làm. Trong 10 năm qua, số giáo viên đạt Giáo viên dạy giỏi cấp trường là  khoảng 20.000 lượt người, đạt Giáo viên dạy giỏi cấp huyện là 2.053 lượt người, đạt Giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố là 156  người, giáo viên dạy Giỏi cấp Quốc gia là 02 người. 10  năm qua, đánh giá theo các tiêu chí xếp loại thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã có 08 tập thể xếp loại xuất sắc. Về cá nhân có 22 đồng chí xếp loại xuất sắc tiêu biểu.

Bằng sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, trong 10 năm qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện Gia Lâm đã có 05  tập thể, 04 cá nhân được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động; 01 cá nhân được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 41 tập thể và cá nhân được trao tặng Cờ Thi đua và Bằng khen của Chính phủ, Cờ và Bằng khen của Bộ GD&ĐT, của UBND Thành phố Hà Nội, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Có 105 tập thể được UBND Thành phố công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Có 3.523 lượt cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 07 cá nhân đạt Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố. Phòng GD&ĐT vinh dự được Nhà nước được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.


Hoàng Nam


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t