Phát triển nông nghiệp chuyên canh ở huyện Chương Mỹ: Hiệu quả, thiết thực (05:24 24/05/2017)


HNP - Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng xây dựng các vùng chuyên canh trồng lúa, rau, hoa, chăn nuôi, thủy sản hàng hóa, quy mô lớn… nền nông nghiệp huyện Chương Mỹ đã chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ đó, không những nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững mà còn ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao.

Huyện Chương Mỹ mở rộng vùng trồng cây ăn quả tập trung quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao


Hiệu quả rõ rệt

Từ 3 năm nay, nông dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú (Chương Mỹ) đã không dùng phân, thuốc hóa học, thay vào đó, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục bón cho cây lúa. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Đồng Phú Phạm Văn Thành cho biết, khởi đầu, hợp tác xã được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ xây dựng mô hình. Quá trình chuyển đổi này không mấy dễ dàng, bởi nông dân ngại quay lại cách làm truyền thống mà chính họ đã từ bỏ cách đây hơn 20 năm. Song bằng quyết tâm cao, HTX đã tiến hành thí điểm trên quy mô 1ha. Thật bất ngờ, cây lúa trồng bằng phương pháp hữu cơ cho năng suất chỉ 43 tạ/ha nhưng giá bán cao gấp đôi so với trồng lúa thông thường, do vậy, xã viên hợp tác xã đã mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã Đồng Phú có hơn 70ha trồng lúa hữu cơ bằng giống lúa Bắc thơm số 7. Sản phẩm lúa hữu cơ của xã Đồng Phú được gắn tem ghi rõ địa chỉ nguồn gốc xuất xứ…

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao và được thành phố hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống lần đầu; 50% chi phí bảo vệ thực vật trong năm đầu và 30% trong năm thứ hai, nông dân huyện Chương Mỹ không ngừng mở rộng diện tích trồng lúa hàng hóa chất lượng cao. Đến nay, 9 xã (Đồng Phú, Đông Sơn, Đông Phương Yên, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tốt Động, Hợp Đồng, Văn Võ, Thụy Hương) của huyện đã mở rộng được 3.130ha trồng lúa hàng hóa chất lượng cao bằng các giống: Hương thơm số 1, T10, Bắc thơm số 7, nếp 97, nếp vàng 1, TBR225. Các giống lúa này đều cho năng suất lúa bình quân đạt từ 54 đến 55tạ/ha, hiệu quả kinh tế tăng từ 1,2 đến 1,5 lần so với giống lúa thường (Khang dân 18). Đáng nói, chương trình phát triển lúa hàng hóa của huyện bước đầu được cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến. Tại một số hợp tác xã đã phát triển hệ thống cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch, góp phần giảm chi phí lao động...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết, 5 năm qua, triển khai các chương trình, đề án, ngoài vùng sản xuất lúa chất lượng cao, huyện Chương Mỹ đã mở rộng vùng cây ăn quả chuyên canh bưởi Diễn lên thành 460ha; vùng chăn nuôi tập trung đã phát triển được 384 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Mỗi xã đều đã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho từng loại cây trồng, vật nuôi và định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương mình. Từ đó, góp phần quan trọng đưa giá trị thu nhập trên 1ha canh tác bình quân toàn huyện đạt 114 triệu đồng. Riêng vùng chuyên canh tập trung cho giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt hơn 160 triệu đồng/ha.

Nâng cao giá trị, phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Minh Ngọc, kết quả trên chỉ là bước đầu, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn trên địa bàn huyện thời gian qua còn chậm và chưa vững chắc. Năng suất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi tuy tăng khá nhưng chất lượng sản phẩm còn hạn chế, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn. Trong khi đó, hiệu quả của công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa cao. Tỷ lệ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đạt thấp (cấy máy mới đạt 5%); vùng cây ăn quả tập trung chưa được ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ mới nên hiệu quả, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc liên kết trong sản xuất theo chuỗi còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia; các hợp tác xã, hiệp hội chuyên ngành chưa phát huy được sức mạnh của người sản xuất, gắn kết nhiều giữa sản xuất và thị trường; người sản xuất bị thua thiệt trong chuỗi giá trị sản phẩm…

Để nâng cao thu nhập cho người nông dân trong bối cảnh diện tích ruộng đất bình quân theo đầu người hạn chế, huyện Chương Mỹ xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đóng vai trò quan trọng. Theo đó, huyện sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cụ thể, giảm diện tích cây lương thực hợp lý, thay vào đó, tăng nhanh diện tích trồng rau, hoa, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, thủy sản nhằm tăng nhanh giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị canh tác. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, huyện Chương Mỹ hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thông qua đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng tập trung chuyên canh và xây dựng các thương hiệu đặc trưng cho từng vùng sản xuất. Khuyến khích và hỗ trợ các chủ trang trại, hộ nông dân tham gia tích cực vào các chương trình, đề án nông nghiệp chuyên canh tập trung một cách chủ động nhằm phát huy những thế mạnh của người nông dân để xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm sản xuất ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tích cực đào tạo, đào tạo lại, tập huấn cho lực lượng cán bộ chuyên môn của huyện, xã, các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để đón nhận và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân một cách thiết thực, hiệu quả.


Minh Anh


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t