Giải quyết bộ máy “cồng kềnh”: Cần tăng đơn vị sự nghiệp tự chủ (20:36 27/11/2017)


HNP - Năm 2017, thành phố Hà Nội thực hiện đợt kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay, được trung ương ghi nhận, nhân dân đồng tình cao. Trong đó, đã giảm hơn 600 biên chế do sắp xếp tổ chức bộ máy và giảm hơn 1.000 biên chế do chuyển đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên. Để đạt mốc giảm 10% biên chế theo chủ trương chung, thành phố Hà Nội cần tiếp tục thúc đẩy mạnh đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ.

Kết quả đáng ghi nhận

Theo thống kê của Sở Nội vụ TP Hà Nội, năm 2017, UBND thành phố đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 16/NQ-HĐND của HĐND thành phố giao. Đã hoàn thành sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 41 ban quản lý dự án (giảm 41,4%); hoàn thành tổ chức lại Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Quỹ đầu tư phát triển thành phố, Quỹ phát triển đất thành phố, Quỹ bảo vệ môi trường (trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường). Ngoài ra, đối với các đơn vị sự nghiệp cấp huyện, UBND thành phố đã chỉ đạo sáp nhập các trung tâm văn hoá, nhà văn hoá, trung tâm thể thao và đài truyền thanh huyện thành Trung tâm văn hoá - thông tin và thể thao; sáp nhập các trung tâm phát triển cụm công nghiệp vào ban quản lý dự án cấp huyện; sáp nhập 4 ban bồi thường giải phóng mặt bằng 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) vào ban quản lý dự án cấp quận. 

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu cho biết: đây là lần kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế lớn nhất từ trước đến nay của thành phố Hà Nội, qua đó, đã giảm được 668 biên chế. Bên cạnh đó, UBND thành phố còn giải quyết chế độ theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, giảm thêm 441 biên chế nghỉ hưu trước tuổi; chuyển 5 đơn vị sự nghiệp sang tự chủ chi thường xuyên, giảm 1.145 biên chế.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết 16/NQ-HĐND của HĐND thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2017 trên địa bàn thành phố mới đây, HĐND thành phố ghi nhận sự cố gắng, chủ động của Sở Nội vụ trong việc tham mưu cho UBND thành phố trong lĩnh vực này. Đáng ghi nhận, không chỉ tham mưu sắp xếp, kiện toàn, giảm số lượng làm chuyên viên, mà Sở còn không ngại va chạm, tham mưu giảm cả lãnh đạo cấp phòng ở một số cơ quan.

Khuyến khích tự chủ chi thường xuyên

Dù đã có nhiều cố gắng, song theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng: kết quả như trên vẫn chưa được như mong muốn. Hà Nội có hàng trăm đơn vị sự nghiệp công lập (đa số là cơ sở y tế và trường học), nhưng năm 2017 mới có thêm 5 đơn vị tự chủ kinh phí thường xuyên (giảm 1.145 biên chế), nâng tổng số Hà Nội có 95 đơn vị tự chủ (giảm 6.635 biên chế). Như vậy, việc thực hiện chính sách tự chủ của các đơn vị vẫn chậm, có nơi còn tư duy ỉ lại, trông chờ bao cấp. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, không thi tuyển hoặc thi không đỗ nhưng vẫn giữ chỗ, khiến không tuyển được công chức vào đúng vị trí. Thời gian tới đây, Sở sẽ đôn đốc, kiểm tra, đề nghị các đơn vị chấm dứt tình trạng hợp đồng làm chuyên môn, tổ chức thi tuyển theo đúng quy định.

Xác định đẩy mạnh tự chủ kinh phí chi thường xuyên sẽ giảm chi ngân sách, giảm biên chế…là giải pháp căn bản quyết định đến kết quả tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, tháng 9/2017, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nội vụ ban hành công văn số 2349/SNV-TCBC đề nghị các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đăng ký kế hoạch tự chủ giai đoạn 2017-2021, làm cơ sở giảm chi ngân sách, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong đó, Sở Nội vụ định hướng tập trung chuyển tự chủ các bệnh viện tuyến thành phố, các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, các trường THPT, các đơn vị văn hoá, nghệ thuật…Riêng đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Nội vụ cũng hướng dẫn xem xét chuyển tự chủ các trường chất lượng cao thuộc 3 khối THCS, tiểu học, mầm non (mỗi quận 6 trường; mỗi huyện, thị xã 3 trường). Đến nay, toàn thành phố đã 208 đơn vị đăng ký đến năm 2021 sẽ thực hiện tự chủ với hơn 16.000 biên chế. Trong đó có 19 đơn vị y tế (7.478 biên chế), 85 đơn vị giáo dục (4.051 biên chế) và 104 đơn vị các lĩnh vực khác (4.488 biên chế). Ngoài ra, còn có thêm 10 đơn vị đăng ký tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư với 899 biên chế.

Giám sát mới đây của Ban pháp chế HĐND thành phố Hà Nội, một số quận, huyện cũng đồng tình cao chủ trương khuyến khích đơn vị tự chủ. Trong đó, quận Hà Đông là đơn vị tích cực đi đầu trong công tác này. Theo đó, UBND quận đã đăng ký đến năm 2021 có 6 trường chất lượng cao thực hiện tự chủ chi thường xuyên gồm: THCS Lê Lợi, THCS Lê Quý Đôn, Tiểu học Nguyễn Trãi, Tiểu học An Hưng, Mầm non 3-2, Mầm non Hoa Sen; 3 đơn vị sự nghiệp khác đăng ký tự chủ toàn bộ cả chi thường xuyên và chi đầu tư gồm: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông, Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hà Đông, Ban quản lý chợ Hà Đông.

Để TP Hà Nội đạt kế hoạch giảm 10% biên chế  của các cơ quan, đơn vị đến năm 2021, Sở Nội vụ cũng sớm rà soát, đề xuất bổ sung danh sách đơn vị có khả năng tự chủ đăng ký; tổ chức hội nghị triển khai, hướng dẫn chi tiết; xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ, để hoạt động tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập hiệu quả.


Hà Vy


Latest news

Other news

view Search




Write your comment

Full name:(*)
Phone number:
Title:(*)
Content:(*)
Capcha:         L?y l?i m� b?o m?t