Quyết liệt ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại nông sản (20:18 15/12/2020)


HNP - Do có sự chủ động về kế hoạch sản xuất nên nguồn cung nông sản cho thị trường Thủ đô khá dồi dào, không lo “cháy” hàng dịp Tết. Vấn đề người tiêu dùng quan tâm lớn nhất hiện nay là tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và chất lượng nông phẩm. Để bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng, Sở NN&PTNT Hà Nội vừa triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hàng nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung này.

Lực lượng chức năng kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố tại chợ Long Biên (quận Ba Đình)


- Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ông có thể cho biết việc chuẩn bị nguồn cung nông sản phục vụ dịp Tết của thành phố Hà Nội?
 
- Theo tính toán, nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Hà Nội ước khoảng 292.500 tấn gạo, 56.700 tấn thịt lợn, 18.900 tấn thịt gà, 18.459 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315 nghìn tấn rau củ, 15.750 tấn thủy hải sản, 18.114 tấn thực phẩm chế biến, 156 nghìn tấn trái cây... Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa nông sản phục vụ dịp Tết, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng chủ lực phục vụ dịp Tết như: gạo, các loại thịt, rau, củ, quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn cung thực phẩm năm nay khá dồi dào do tình hình sản xuất, chăn nuôi thuận lợi. Các địa phương đã chỉ đạo xây dựng được nhiều mô hình liên kết, sản xuất thực phẩm theo chuỗi khép kín phục vụ thị trường. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng các trang trại tập trung ứng dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín ngay từ khâu giống, vật tư đầu vào đến sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã chủ động thực hiện các biện pháp tạo nguồn hàng, phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, cho nên thị trường hàng hóa sẽ tương đối ổn định, khó xảy ra hiện tượng mất cân đối cung - cầu. 
 
- Những tháng cuối năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động có tổ chức, ngày càng tinh vi và manh động. Vì vậy, người tiêu dùng Thủ đô chưa thể yên tâm, nhất là chất lượng và giá cả nông sản thưa ông?
 
- Có thể nói, cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu luôn là vấn đề nóng. Bởi hàng gian, hàng giả, hàng lậu không chỉ nguy hại cho nền kinh tế mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Do đó, Sở NN&PTNT Hà Nội luôn chú trọng công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Thời gian qua, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đã tập trung thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng Thủ đô. Nội dung thanh tra, kiểm tra gồm: Sử dụng hàng thực phẩm hết hạn sử dụng, cận hạn sử dụng, hành vi sửa thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc đối với các loại thực phẩm động vật, sản phẩm động vật, thủy hải sản hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… Tháng 11 vừa qua, lực lượng Thanh tra ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 127 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 20 tổ chức, cá nhân gần 134,5 triệu đồng. Ngoài ra, các chi cục thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội còn tham gia các đoàn liên ngành thành phố kiểm tra 1.526 cơ sở, qua đó, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 17 trường hợp gần 44 triệu đồng.
 
- Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT quán triệt và mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tập trung vào nhiệm vụ nào thưa ông?
 
- Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả. Đồng thời phải xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong công tác thanh tra, kiểm tra. Chúng tôi cũng giao người đứng đầu các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở NN&PTNT nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra nghiêm trọng trong lĩnh vực mình quản lý hoặc để cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Song song tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi cũng yêu cầu cán bộ trong ngành phải bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm tra, kiểm soát, tránh trùng lặp, chồng chéo, không bỏ lọt các đối tượng. Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh và cản trở lưu thông hàng hóa.
 
Không chỉ có vậy, chúng tôi sẽ thực hiện tốt công tác phối hợp, chia sẻ thông tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Sở NN&PTNT và các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội. Qua đó, nắm bắt được các mặt hàng, nhận diện hành vi phương thức, thủ đoạn mới nổi để kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả nhằm nâng cao sự hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; tạo sự lan tỏa, sâu rộng để người dân cam kết không tham gia hay tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t