Đan Phượng hoàn thành 100% các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao (07:01 17/08/2024)


HNP - Phát huy vai trò "lá cờ đầu" trong xây dựng nông thôn mới của thành phố Hà Nội, đến nay, huyện Đan Phượng đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025; không có nợ đọng xây dựng cơ bản, không có tiêu chí bị điểm 0. Toàn huyện có 100 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt 78 triệu đồng/người/năm...

Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Liên Hà


Huyện Đan Phượng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, bình quân các xã chỉ đạt 10/19 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ, nhiều công trình xuống cấp chưa được đầu tư. Sản xuất chưa phát triển, năm 2010 tỷ trọng sản xuất nông nghiệp còn cao; việc đầu tư công nghệ vào sản xuất và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Đời sống của Nhân dân còn khó khăn, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 13,8 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 11,2%; môi trường chưa đảm bảo.
 
Với phương châm đích đến cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là người dân được thụ hưởng tối đa thành quả, công tác xây dựng nông thôn mới đã được huyện đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2010-2015, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 15/12/2009 về xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa huyện Đan Phượng đến năm 2020. Trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là quy hoạch phải đi trước một bước, xây dựng hạ tầng là động lực, tiền đề cho sự phát triển, kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm là điều kiện quyết định để nâng cao đời sống nông dân và là tiêu chí để Nhân dân cảm nhận rõ nét về xây dựng nông thôn mới.
 
Đến giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/HU ngày 28/7/2016 về lãnh đạo phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Đó là hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, an sinh xã hội được bảo đảm.
 
Những tuyến đường bích họa tô thắm cho vẻ đẹp nông thôn mới Đan Phượng
 
Với cách làm sáng tạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, ngày 23/10/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định số 1810/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Đan Phượng đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, sau khi được công nhận huyện nông thôn mới, huyện xác định mục tiêu xây dựng Chương trình nông thôn mới sẽ không có điểm dừng, chính vì vậy, từ năm 2016, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương, Thành phố về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các xã đạt chuẩn duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân với chủ trương “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận”.
 
Tiếp đó, huyện đã tập trung xây dựng Đề án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng trở thành Quận, được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5848/QĐ-UBND ngày 21/10/2019, đây là cơ sở để huyện Đan Phượng triển khai đồng bộ giữa xây dựng nông thôn mới nâng cao và hoàn thành các tiêu chí huyện thành quận, xã thành phường.
 
Giai đoạn này, Huyện ủy Đan Phượng ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 22/12/2020 về xây dựng huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là xây dựng huyện Đan Phượng phát triển đồng bộ và bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường… theo các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; các tiêu chí phường và quận.
 
Hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp ở xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng
 
Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, đến nay, huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025; không có nợ đọng xây dựng cơ bản; không có tiêu chí bị điểm 0. Toàn huyện có 100 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt 78 triệu đồng/người/năm...
 
Đặc biệt, với mục tiêu đặt người dân là trung tâm, được thụ hưởng thành quả trong xây dựng nông thôn mới, từ ngày 13 - 23/7/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng đã hướng dẫn thực hiện lấy phiếu hài lòng của Nhân dân trên địa bàn toàn huyện. Từ ngày 26/7 - 5/8/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã tuyên truyền và niêm yết công khai kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện; trụ sở UBND các xã; nhà văn hóa các thôn.
 
Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đan Phượng Phạm Thị Kim Oanh cho biết, kết quả lấy ý kiến tại 123 thôn của 15/15 xã với 33.375/44.499 (75%) tổng số hộ gia đình trên địa bàn huyện khá tích cực. Cụ thể, từ câu 1 đến câu 9, tỷ lệ hài lòng đạt từ 99,01% trở lên; câu 10 tỷ lệ hài lòng đạt 99,58%. Số ý kiến chưa hài lòng chỉ chiếm tỷ lệ từ 0,25 - 0,99%.
 
“Qua lấy ý kiến, đại đa số Nhân dân đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành hiệu quả của chính quyền từ huyện tới cơ sở và phấn khởi trước sự đổi mới toàn diện về giao thông đường làng, ngõ, xóm, giao thông nội đồng, trường, trạm, nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng… Đặc biệt là sự đổi mới về phát triển kinh tế, đời sống tinh thần, mức sống của người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thông minh” - bà Phạm Thị Kim Oanh chia sẻ.
 
Việc xây dựng nông thôn mới nâng cao ở xã Thượng Mỗ được triển khai cùng các tiêu chí để lên phường trong tương lai
 
Hiện nay, huyện Đan Phượng đã hoàn thiện lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt nông thôn mới nâng cao năm 2023 trình cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận, còn một số hạn chế nhất định trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Đó là các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô nhỏ, chưa nhân rộng được nhiều trên địa bàn; vẫn còn phát sinh các vi phạm trong các lĩnh vực môi trường, đất đai, trật tự xây dựng. Một số xã vẫn còn chưa có nước sạch tập trung…
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và các tiêu chí quận.
 
Thời gian tới, huyện tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế đô thị, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Theo đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Cùng với đó, hoàn thành và đưa vào sử dụng các Cụm công nghiệp Song Phượng, Hồng Hà, mở rộng Cụm công nghiệp Đan Phượng…

Lê Hải


Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t