Xuất hiện nhiều sự cố đê, kè nguy hiểm ở huyện Ba Vì (10:42 24/03/2020)


HNP - Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các sở, ngành liên quan và UBND huyện Ba Vì vừa kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước mùa mưa bão năm 2020.

Huyện Ba Vì có gần 36,3km đê đại Hà, trong đó, đê hữu Đà 9,7km, đê hữu Hồng 26,58km. Qua kiểm tra, các sở, ngành thành phố và UBND huyện Ba Vì phát hiện một số vị trí kè, bờ sông bị sạt lở, chân kè bị xô sạt, sụt lún cần được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp để đảm bảo an toàn đê, kè, tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cụ thể, tuyến đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Chu Minh thời gian qua thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở. Tại vị trí từ K20+700 đến K20+950 và từ K21+200 đến K21+500 do ảnh hưởng của mưa bão và sự biến đổi của dòng chảy, dòng chủ lưu áp sát chân kè đã làm xuất hiện một số cung sạt ở vườn của các hộ dân, tạo thành vách đứng, chân kè bị bào mòn làm cho lăng thể đá hộ chân kè bị xô sạt, cuốn trôi. Đây là khu vực có dân cư sinh sống từ lâu đời với hơn 10 hộ dân. Hiện nay đã bước vào mùa mưa bão, vị trí sạt lở trên cách chân đê từ 15-25m, mái bờ sông là mái đất có độ dốc lớn nếu không được quan tâm kịp thời xử lý triệt để, ổn định lâu dài sẽ đe dọa trực tiếp tới an toàn đê điều, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tại kè Khê Thượng xã Sơn Đà tương ứng vị trí từ K4+100 đến K4+700 đê hữu Đà, thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa bão và việc xả lũ hồ Hòa Bình làm mực nước sông dâng cao, dòng chảy thay đổi, lưu tốc dòng chảy tăng mạnh, áp sát vào chân kè gây ra hiện tượng bào mòn, xói lở chân kè, sạt lở mái bờ sông nghiêm trọng và được UBND thành phố chấp thuận cho xử lý chống sạt lở đoạn từ K3+460 đến K3+760. Năm 2019-2020 tuy chưa có các đợt xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình nhưng do sự biến đổi của dòng chảy, dòng chủ lưu áp sát, bào mòn chân kè gây ra hiện tượng chân kè đoạn từ K4+100 đến K4+700 bị xói, xô sạt, sụt lún và cuốn trôi.

Còn tại xã Minh Quang nằm cách hồ Hòa Bình khoảng 40km về phía hạ lưu, có chiều dài dọc bờ sông Đà khoảng 7km. Do khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng điều tiết của hồ Hòa Bình nên dòng chảy thường không ổn định, mực nước thay đổi lên xuống thất thường; lưu tốc dòng chảy lớn, dòng chủ lưu áp sát bờ hữu gây sạt lở làm mất đất ở và canh tác ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực sinh sống ven sông Đà...

Năm 2019, tuy không có các đợt xả lũ của hồ Hòa Bình, nhưng do khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc điều tiết hồ Hòa Bình trong các đợt xả nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2020, dòng chảy biến đổi, đi sát chân kè. Qua kiểm tra, theo dõi cho thấy hiện tượng xói chân kè đang có chiều hướng phát triển mạnh; đặc biệt tại khu vực trạm bơm Đồng Tiến (dài khoảng 500m) và từ cuối thôn Liên Bu đến giáp cầu Đồng Quang (dài khoảng 550m) mái kè chỉ cách chân đê Minh Khánh từ 10 đến 25m ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định của công trình đê kè, các công trình hạ tầng khác..., đe dọa trực tiếp đến tài sản của nhà nước và nhân dân.


Minh Huệ


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t