Xử lý vi phạm đê điều ở Ứng Hòa: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía (10:46 24/03/2020)


HNP - Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt xử lý vi phạm pháp luật về đê điều ở huyện Ứng Hòa, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc xử lý chưa được giải quyết dứt điểm. Để từng bước xử lý vi phạm, đòi hỏi phải có sự quan tâm từ nhiều phía, nhất là chính quyền các cấp.

Do tồn tại lịch sử

Huyện Ứng Hòa có tuyến đê tả Đáy dài 36,32km, từ K43+700, giáp địa bàn huyện Thanh Oai đến K80+022 với với huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam). Tuyến đê này đi qua địa phận 13 xã, thị trấn, trong đó, có nhiều đoạn đi qua các khu dân cư thuộc các xã: Viên An, Viên Nội, Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến, Vạn Thái, Hòa Xá, Hòa Nam, Hòa Phú, Phù Lưu, Lưu Hoàng, Đội Bình và Thị trấn Vân Đình. Do tồn tại của lịch sử, nhiều hộ có đất thổ cư nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê, sau đó, tuyến đê mới hình thành, mặt khác, do nhận thức của người dân về pháp luật đê điều còn hạn chế nên lâu nay tuyến đê tả Đáy tồn tại nhiều vi phạm pháp luật về đê điều.

Năm 2017, trên tuyến đê tả Đáy đi qua địa bàn huyện phát sinh 28 vụ vi phạm pháp luật về đê điều; Năm 2018, phát sinh 26 vụ; năm 2019, phát sinh 08 vụ và từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện tiếp tục phát sinh 08 vụ vi phạm. Trước tình hình này, các cơ quan chức năng thành phố và huyện Ứng Hòa đã lập biên bản, kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm, nhất là vi phạm mới phát sinh. Trong đó, năm 2017, trên địa bàn huyện đã giải tỏa 51 trường hợp vi phạm trên địa bàn các xã, thị trấn gồm các vi phạm làm mái che, mái vẩy, lều lán tạm trong hành lang bảo vệ đê. Tương tự, năm 2018, cơ quan chức năng huyện phối hợp với các xã, thị trấn đã tổ chức ra quân, giải tỏa 250 trường hợp vi phạm trên địa bàn các xã, thị trấn. Trong đó, riêng xã Hòa Nam đã xử lý được 195 trường hợp, xã Hòa Phú 20 trường hợp...

Đáng chú ý, năm 2019, với sự chỉ đạo quyết liệt việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều của huyện Ứng Hòa đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Toàn huyện đã giải tỏa được 278 trường hợp vi phạm trên địa bàn các xã, thị trấn (các vi phạm làm mái che, mái vẩy, lều lán tạm trong hành lang bảo vệ đê). Trong số 08 vụ vi phạm phát sinh từ đầu năm 2020 đến nay, ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn phối hợp, tổ chức ngăn chặn, xử lý, huyện đã xử lý 1 trường hợp trả lại nguyên trạng của đê; còn tồn tại 07 trường hợp đang được các cơ quan chức năng huyện phối hợp xử lý theo quy định.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Có thể nói, huyện Ứng Hòa đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Điều này thể hiện rõ trong lãnh đạo, chỉ đạo từ huyện xuống đến cơ sở. Ngoài việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức hội đánh giá, rút kinh nghiệm, huyện Ứng Hòa cũng đã giao trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền trong xử lý vi phạm. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ đê điều, phòng chống lụt bão. Hằng năm, song song với tổ chức tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra canh gác bảo vệ tuyến đê tả Đáy, cán bộ quản lý đê nhân dân của các xã, thị trấn…, huyện cũng đã tổ chức các hội nghị lồng ghép phổ biến pháp luật về đê điều, công tác phòng chống thiên tai đến người dân.

Để chủ động trong công tác quản lý đê điều trên địa bàn, huyện Ứng Hòa đã thành lập tổ kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều với sự tham gia các phòng, ban, ngành kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi. Đồng thời, phối hợp, đôn đốc các xã thị trấn xử lý vi phạm từ khi mới phát sinh; tham mưu, đề xuất với huyện kiên quyết xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm.

Các nhiệm vụ, giải pháp trong ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều sẽ tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện Ứng Hòa triển khai thực hiện thời gian tới, qua đó, từng bước giảm dần số vụ vi phạm. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện, huyện vẫn gặp một số khó khăn do đặc thù tuyến đê tả Đáy được kết hợp làm đường giao thông và đi qua các khu dân cư lâu đời. Trong khi đó, nhiều đoạn chưa có đường gom dân sinh, do vậy trong công tác quản lý gặp nhiều khó khăn… Do đó, các sở, ngành liên quan tham mưu thành phố đẩy nhanh tiến độ cắm mốc giới ngoài thực địa, phân định rõ ràng phạm vi bảo vệ đê và xây dựng các tuyến đường gom dân sinh dọc tuyến đê. Đồng thời, quan tâm đầu tư làm đường hành lang chân đê một số đoạn trên tuyến đê tả Đáy để thuận lợi trong công tác quản lý đê điều.

Mặt khác, theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg, ngày 07/10/2014, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, đối với công trình, nhà cửa hiện có thuộc phạm vi bãi sông xây dựng kế hoạch để từng bước di dời. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Ứng Hòa có nhiều khu dân cư nằm ngoài bãi sông Đáy, đặc biệt có xã Hòa Xá và Hồng Quang nằm hoàn toàn ngoài bãi sông, vì vậy, số lượng công trình, nhà cửa hiện có nằm trong hành lang thoát lũ sông Đáy là rất lớn. Do đó, các sở, ngành liên quan cũng nên kiểm tra, xem xét, tham mưu cấp có thẩm quyền có hướng dẫn đối với việc xây dựng, cải tạo công trình ở khu vực này để nhân dân ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất…


Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t