Thị xã Sơn Tây: Tái cấu trúc chăn nuôi trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi (14:10 05/08/2019)


HNP - Trong nội dung Công văn số 1191/UBND-KT, ban hành ngày 1/8, UBND thị xã Sơn Tây yêu cầu các xã, phường và đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và quản lý, tái cấu trúc ngành chăn nuôi trên địa bàn thị xã.

Tính đến ngày 29/7, trên địa bàn thị xã Sơn Tây bệnh DTLCP đã xảy ra tại 430 hộ thuộc 74 thôn của 10 xã, phường; tổng số lợn đã tiêu hủy là 8.983 con (chiếm 18,1% số hộ nuôi và 11,2% tổng đàn). Tính đến ngày 29/7, trên địa bàn thị xã có 4 xã, phường đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ bệnh DTLCP.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về việc quản lý, tái cấu trúc ngành chăn nuôi, thị xã Sơn Tây yêu cầu UBND các xã, phường: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, dập dịch với với phương châm “Phòng, chống như chống giặc”, “Phòng là chính, cơ sở và người dân là chính”; chủ động, khẩn trương, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các văn bản chỉ đạo của trung ương, thành phố, thị xã trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi, trang trại, gia trại trên địa bàn tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất, lựa chọn thay đổi mô hình chăn nuôi phù hợp, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản,… theo quy hoạch, theo vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, chăn nuôi lớn xã khu dân cư, chăn nuôi công nghệ cao, theo hướng an toàn sinh học, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, ATTP, chăn nuôi VietGAP.

Không tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh DTLCP trong thời gian dịch bệnh chưa được khống chế theo quy định; nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của pháp luật và khi xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy lợn không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Việc kiểm soát vận chuyển lợn để nuôi làm giống, nuôi thương phẩm trong và ngoài vùng bệnh DTLCP phải thực hiện đầy đủ theo quy định.

Đối với các xã, phường có bệnh DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh bệnh dịch, thực hiện đồng bộ tổng vệ sinh tiêu độc toàn địa bàn xã, phường 1 lần; UBND xã, phường chủ động kinh phí mua vôi bột để khử trùng tiêu độc; ban hành quyết định dừng hoạt động của các chốt kiểm dịch trên địa bàn xã, phường quản lý; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận cơ sở chăn nuôi, nếu phát hiện có biểu hiện nghị mắc bệnh DTLCP thì phải báo cáo kịp thời…

Bên cạnh đó, tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hành chăn nuôi tốt. Khuyến cáo người dân chủ động khai báo và phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan thú y trong việc phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra các bãi rác, kênh mương, sông, ngòi, nơi công cộng… kịp thời phát hiện xác động vật trôi nổi, đặc biệt là xác lợn, tiến hành thu gom và tiêu hủy để hạn chế lây lan dịch bệnh. Tuyên truyền vận động người chăn nuôi không nên tái đàn trong giai đoạn hiện nay, nên chuyển đổi mô hình cơ cấu chăn nuôi sang loại hình chăn nuôi con khác…


Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t