Chương Mỹ phát triển kinh tế nông nghiệp ổn định, bền vững và hiệu quả (13:28 27/02/2017)


HNP - Huyện Chương Mỹ luôn xác định phát triển kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế chung của toàn huyện. Với sự định hướng đúng đắn, sau 5 năm phấn đấu và nỗ lực, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện tăng theo từng năm, riêng năm 2016 đạt trên 4.128 tỷ đồng. Ngoài thành công từ các mô hình lúa hàng hoá, rau an toàn, cây ăn quả, huyện còn có 407 trang trại chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng bưởi Diễn tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ cho hiệu quả kinh tế cao


Đầu tư các cây trồng chủ lực, có lợi thế địa phương
 
Trong 5 năm qua, huyện Chương Mỹ đã tập trung sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KHKT được quan tâm, chú trọng, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Với diện tích đất trồng lúa lớn nhất thành phố, huyện đã xây dựng được 9 vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao tại 9 xã, với tổng diện tích là 3.130 ha, gồm 15.351 hộ xã viên tham gia chương trình. Tham gia chương trình này người dân được hướng dẫn chuyên sâu từ khâu chọn giống, cơ giới hóa khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. 
 
Chương trình sản xuất lúa chất lượng cao của huyện đã lựa chọn các giống phù hợp để đưa vào sản xuất gồm giống Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, nếp 97, nếp vàng 1, TBR 225. Các giống này đều cho năng suất lúa bình quân đạt 54-55 tạ/ha, hiệu quả kinh tế tăng 1,2 đến 1,5 lần so với các giống lúa thường. Đặc biệt việc áp dụng kỹ thuật mới, đưa cơ giới hoá vào sản xuất ở huyện Chương Mỹ tăng thu nhập của nông dân tăng khoảng 15% và việc sử dụng phân đạm, thuốc trừ sâu giảm đi từ 20 đến 30%.
 
Về đề án phát triển sản xuất rau an toàn, sau dồn điền đổi thửa vùng chuyên sản xuất rau của huyện tăng từ 236 ha lên 369 ha, các vùng sản xuất rau đã được xây dựng hạ tầng giao thông nội đồng thuận lợi cho người sản xuất. Riêng 2 vùng rau lớn của huyện gồm thị trấn Chúc Sơn và xã Thuỵ Hương với diện tích 145 ha được thành phố phê duyệt 2 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng với kinh phí đầu tư trên 50 tỷ đồng.
 
Các mô hình rau này đã tạo thói quen cho người dân sử dụng các loạt thuốc sinh học, hạn chế và tiến tới không sử dụng các loại thuốc hoá học cho cây rau. Hiện nay năng suất vùng chuyên canh rau đã đạt trung bình 50 tấn/ha, tăng 1,5 lần so với năm 2012, tại vùng thâm canh cao đã đạt 80 tấn/ha. Một số công ty, hợp tác xã, nhóm hộ dân đã xây dựng được hệ thống giám sát, minh bạch quá trình sản xuất rau và gắn giữa sản xuất và thị trường theo chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm.
 
Với lợi thế vùng đất đồi gò, huyện đã triển khai Đề án phát triển vùng cây bưởi Diễn, với sự hỗ trợ của Sở NN và PTNT vùng chuyên canh của huyện đã trồng mới được 130 ha bưởi trong đó tập trung chủ yếu tại 2 xã Nam Phương Tiến và Trần Phú. Cùng với việc phát triển diện tích trồng mới, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với phòng kinh tế và các xã thực hiện các chương trình hỗ trợ thâm canh 132 ha, chăm sóc 144 ha cây bưởi, cam canh, nhãn chín muộn với tổng số 1.371 hộ xã viên tham gia tại 5 xã, thị trấn gồm: Nam Phương Tiến, Trần Phú, thị trấn Xuân Mai, Văn Võ, Lam Điền. Hiện nay, huyện đã xây dựng thành công nhãn hiệu "Bưởi Chương Mỹ".
 
Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
 
Bên cạnh việc phát huy lợi thế ở lĩnh vực trồng trọt, trong giai đoạn 2012 - 2016, huyện đã thực hiện giải pháp nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu ngành chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư sang chăn nuôi quy mô lớn xa khu dân cư, không ô nhiễm môi trường. Đến hết năm 2016, UBND huyện đã phê duyệt 6 khu chăn nuôi quy mô lớn ngoài dân cư, với diện tích hơn 150 ha.  Năm 2016, riêng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt hơn 1.920 tỷ đồng, chiếm gần 70% tỷ trọng trong ngành nông nghiệp. Chương Mỹ trở thành huyện có quy mô chăn nuôi dẫn đầu thành phố với 3,2 triệu con gia cầm.
 
Nhiều hộ nông dân đã tích cực vay vốn mở rộng sản xuất, đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín hiện đại. Tính chung, trong trong 5 năm trở lại đây, các hộ sản xuất đã đầu tư ước 500 tỷ đồng, có một số trang trại đầu từ hàng chục tỷ đồng. Với phương thức canh tác áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trên địa bàn huyện đã không có dịch bệnh, các trang trại đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, đã tạo thương hiệu có tem nhãn cho sản phẩm.
 
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện cho biết, trong thời gian tới, huyện Chương Mỹ tiếp tục có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh nhằm tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện. Trong đó, sẽ tập trung ứng dụng, thu hút doanh nghiệp và huy động nguồn lực về khoa học-công nghệ, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện việc cơ giới hóa đồng bộ trong chăn nuôi và trồng trọt, để giải quyết tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp hiện nay và tăng nhanh chất lượng và giá trị sản phẩm.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t