Tình hình báo chí trong tuần (Từ ngày 22/11/2014 đến ngày 28/11/2014) (14:15 02/12/2014)



Những nội dung trọng tâm

1. Thời sự, chính trị

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khoá XIV sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 6/12. Trọng tâm của kỳ họp cuối năm này là xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, thực hiện dự toán ngân sách năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, dự toán và phân bổ dự toán thu, chi ngân sách năm 2015; xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND TP, ý kiến đóng góp xây dựng chính quyền của UB MTTQ TP. HĐND TP dự kiến thông qua 14 nghị quyết, trong đó có 6 nghị quyết thường kỳ và 8 nghị quyết chuyên đề.  Giá các loại đất trên địa bàn TP giai đoạn 2015-2019; đặt, đổi tên một số đường phố, công trình công cộng trên địa bàn TP... là những nội dung thu hút sự quan tâm của nhân dân Thủ đô trong các nghị quyết chuyên đề.  Về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết sẽ có 15 đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm, gồm 5 đồng chí trong HĐND (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Thường trực, các Trưởng ban) và 10 đồng chí trong UBND (Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 5 đồng chí uỷ viên).  Theo quy định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ công khai trên báo chí. Thông báo về kỳ họp thứ 11 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV (Hà Nội mới, 27/11). Hà Nội: Lấy phiếu tín nhiệm đối với 15 đồng chí lãnh đạo (Hà Nội mới, 27/11);  Hà Nội không lấy phiếu tín nhiệm 3 Phó chủ tịch (vnexpress, 27/11).

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành văn bản chỉ đạo để siết chặt việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương của thành phố tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy chế của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại. Sở Ngoại vụ chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm của tổ chức, địa phương, đơn vị và thẩm định, kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ việc lập kế hoạch và triển khai các đoàn đi công tác nước ngoài, kiên quyết cắt giảm các đoàn đi không thực sự cần thiết... Hà Nội 'siết' cán bộ đi công tác nước ngoài (Tiền phong, 27/11).

Ngày 24/11, Thành ủy Hà Nội đã khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 165 cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã. Đây là một trong những nội dung nhằm thực hiện Quy định số 164-QÐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tại lớp bồi dưỡng, các học viên sẽ được bổ sung, cập nhật những kết quả nghiên cứu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quán triệt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các chủ trương, chính sách quản lý, phát triển kinh tế của Thủ đô, đất nước và thế giới... Cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý (Kinh tế đô thị, 24/11).

UBND TP Hà Nội vừa thống nhất Tờ trình gửi HĐND TP về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội năm 2014. Trong đó, cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam bắc qua Sông Hồng nối Phú Thượng (Tây Hồ) với Vĩnh Ngọc (Đông Anh) đã được thống nhất trình HĐND TP xem xét, đặt tên chính thức là “Cầu Nhật Tân”. Trước đó, vào tháng 10-2014, Ban QLDA 85 (Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư) đã kiến nghị Bộ GTVT về tên gọi chính thức cho cây cầu này. Hà Nội thống nhất đặt tên “Cầu Nhật Tân” (An ninh Thủ đô, 28/11).

Ngày 25-11, tại buổi giao ban báo chí Thành uỷ, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thông tin, công trình xây dựng Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm tại số 2 Lê Thái Tổ (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) là công trình công cộng giới thiệu thông tin văn hoá Hồ Gươm. Quy hoạch kiến trúc công trình xây dựng đã được Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch TP thông qua và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất, UBND TP đã chấp thuận và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng. Phương án kiến trúc công trình xây dựng phù hợp quy hoạch khu vực được duyệt và không gian kiến trúc cảnh quang xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và đặc điểm pháp lý, hiện trạng khu đất. Dự kiến công trình sẽ được khởi công vào cuối năm 2014 và hoàn thành trước dịp 2/9 năm 2015. Tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch quận khẳng định việc phản ánh tại đơn kiến nghị của các hộ dân là không chính xác và một số thông tin dư luận báo chí nêu là chưa tiếp cận thông tin đầy đủ. Dự kiến xây dựng Trung tâm Thông tin văn hoá Hồ Gươm cuối năm 2014 (Hà Nội mới, 25/11),Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm phù hợp với không gian, quy hoạch (Kinh tế đô thị, 25/11); Xây dựng Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm: Không có yếu tố kinh doanh? (daidoanket.vn, 26/11);

2. Kinh tế, xây dựng và quản lý đô thị

Ngày 27-11, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức hội thảo "Kinh doanh bất động sản (BĐS) - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu phục hồi". Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, giao dịch BĐS từ năm 2013, đặc biệt sang năm 2014 liên tục tăng. Tại Hà Nội, 11 tháng năm 2014 có khoảng 10.000 giao dịch thành công qua sàn, bằng 200% cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng BĐS hết quý III-2014 tăng gần 12%, trong khi tỷ lệ tín dụng chung tăng 6%, chưa kể các dòng tiền khác đổ vào BĐS. Tỷ lệ tồn kho BĐS giảm mạnh, tính đến ngày 20-11 còn 77.800 tỷ đồng, giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương 39% so với quý I-2013. Hà Nội: Giao dịch bất động sản liên tục tăng (Hà Nội mới, 28/11).

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa ký Quyết định 6234/QĐ-UBND về việc chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án nhà máy nước mặt sông Hồng. Trong giai đoạn đến năm 2020, Nhà máy sẽ có công suất 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước cho khu vực phía Nam sông Hồng, bao gồm đô thị trung tâm Hà Nội (các quận nội thành) và các khu vực chưa có hệ thống cấp nước thuộc khu vực phía Tây đường vành đai 3, phía Bắc đường Quốc lộ 32 thuộc quận Bắc Từ Liêm, huyện Đan Phượng và hỗ trợ cấp nước cho huyện Hoài Đức. Hà Nội đầu tư nhà máy nước công suất 300.000m3/ngày đêm (Đầu tư, 27/11).

UBND Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án đang thực hiện dở dang. Đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại thi đua năm 2014. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án đang thực hiện dở dang, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố, UBND thành phố chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát các dự án đang thực hiện việc thu hồi đất GPMB dở dang trên địa bàn để xử lý. Hà Nội thúc tiến độ GPMB các dự án đang thực hiện dở dang (Thời báo Ngân hàng, 27/11).

Hà Nội được coi là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc phát triển loại hình nhà ở xã hội, từ nhà cho người thu nhập thấp đến nhà ở sinh viên, công nhân khu công nghiệp (KCN), nhà cho thuê hay thuê mua…Tổng Công ty Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị (KĐT) Đặng Xá II (Gia Lâm), vừa nhận 270 căn hộ cho thuê, trong tổng số hơn 1.500 căn hộ nhà ở xã hội dự kiến được bàn giao dịp Tết Nguyên đán 2015. Đây là dự án nhà ở xã hội cho thuê đầu tiên do DN bỏ vốn đầu tư trên địa bàn Hà Nội. Việc một DN đầu tư loại hình nhà ở xã hội cho thuê với giá rẻ là tín hiệu tích cực, bởi từ trước đến nay loại hình nhà xã hội cho thuê ít được DN quan tâm vì vốn đầu tư nhiều, lợi nhuận thấp lại thu hồi vốn chậm. Trong khi nhà ở do người dân cho thuê giá khá cao, căn hộ có diện tích trung bình 30m2 có giá dao động 3-7 triệu đồng/tháng (tùy vị trí). Nhà ở cho thuê: Nhu cầu lớn, nguồn cung không nhiều (Hà Nội mới, 27/11).

Dự án đường tránh quốc lộ (QL) 32 đoạn qua thị trấn Tây Đằng được UBND TP Hà Nội phê duyệt với tổng mức đầu tư 151,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây lắp 56,582 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng (GPMB) 77 tỷ đồng... do ngân sách thành phố hỗ trợ, UBND huyện Ba Vì được giao làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn hơn 900 ngày, dự án đường tránh QL 32 vẫn ngổn ngang những đống đất, hố sâu và các hạng mục nền đường, cống, rãnh thoát nước làm dở dang, gây khó khăn cho việc đi lại của các hộ dân có nhà ở liền kề đường dự án... Dự án đường tránh quốc lộ 32, đoạn qua thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì): Chậm tiến độ hơn 900 ngày (Hà Nội mới, 24/11).

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng vừa yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội phải kiểm tra, rà soát và có trách nhiệm thực hiện ngay việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng các trang thiết bị thiết yếu… tại các khu nhà tái định cư. Các đơn vị trên phải thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, thoát nước, vỉa hè… trong tòa nhà đã bị hư hỏng, xuống cấp theo đúng quy định và xong trước Tết nguyên đán Ất Mùi, bảo đảm ổn định và phục vụ tốt các hộ dân trong các tòa nhà chung cư tái định cư thuộc diện quản lý.  Hà Nội: Sửa chữa hư hỏng tại các khu tái định cư trước Tết (Hà Nội mới, 21/11).

Theo quy định của UBND TP.Hà Nội mức thu trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện, xe máy điện), với 4 mức thu ban ngày, ban đêm, cả ngày và đêm, theo tháng tương ứng với 2.000đ, 3.000đ, 4.000đ/xe/lượt và theo tháng là 40.000đ/xe/tháng; phí trông xe máy là 3.000đ/xe/lượt ban ngày, 5.000đ/lượt ban đêm, 7.000đ/lượt cả ngày và đêm, nếu theo tháng là 70.000đ/xe. Quy định thì là vậy, nhưng phần lớn tại các điểm trông giữ xe tại khu vực bệnh viện, vườn thú Thủ Lệ, các trung tâm thương mại, khu vực chợ đêm và cả bến xe Mỹ Đình dường như quy định về mức phí trông giữ xe của UBND TP.Hà Nội chưa đến nơi. Vì phần lớn các bãi trông giữ xe luôn thu tiền vé gấp 3 lần theo quy định. Hà Nội: Loạn phí trông giữ xe (Lao động, 27/11).

Nhiều diện tích đất thuộc hành lang bảo vệ cầu Thăng Long, thuộc xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội bị lấn chiếm, bảo kê cho thuê để xây dựng nhà xưởng, nhà hàng, kho bãi…Nhiều nhà xưởng chứa đồ dễ cháy nổ luôn án ngữ dưới gầm cầu không chỉ xâm phạm hành lang đường bộ, mà còn đe dọa đến an toàn chạy tàu trên cầu đường sắt.Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ cầu Thăng Long đã xảy ra từ lâu, ban đầu chỉ có một số người ra san lấp, cải tạo, dựng lều lán để bán hàng nước hoặc đồ lặt vặt. Sau đó, dần dần trở thành những ki-ốt, nhà hàng, gara ô tô và nhà xưởng sản xuất lấp kín hết phần gầm cầu qua khu vực này. Ngang nhiên lấn chiếm hành lang giao thông cầu Thăng Long (VTV, 26/11).

Tính đến thời điểm này, toàn thành phố Hà Nội đã thanh thải hơn 1.500km dây, cáp các loại trong tổng số hơn 2.200km cần được thanh thải trên 88 tuyến phố theo kế hoạch năm 2014. Đây là nỗ lực của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan nhằm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014” theo chỉ thị của UBND TP Hà Nội. Thanh thải hơn 1.500km dây, cáp các loại (Kinh tế đô thị, 25/11); Hà Nội dọn “mạng nhện” dây thông tin trên các tuyến phố (vov.vn, 25/11).

Ngày 25/11, UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra, xử lý các sai phạm biển hiệu, biển quảng cáo trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung. Phường Thanh Xuân Trung có 790 biển hiệu và 15 biển quảng cáo trên các tuyến phố, là địa bàn có nhiều biển hiệu, quảng cáo nhất quận Thanh Xuân, song đến nay các sai phạm trong vấn đề này cơ bản đã được giải quyết. Hiện trên địa bàn chỉ còn 32 biển hiệu sai quy định và sẽ tiếp tục được xử lý từ nay đến cuối năm. Phường Thanh Xuân Trung xử lý các vi phạm về biển quảng cáo (Kinh tế đô thị, 5/11).

Năm 2014, Hà Nội đã trích hơn 152 tỷ đồng để xử lý các sự cố sạt đê, thủy lợi tại 16 công trình. Do thời tiết diễn biến thất thường, mưa lũ nhiều nên nhà cửa của hàng trăm hộ dân ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) bị lún nứt nghiêm trọng, nhiều công trình phụ, đất đai, hoa màu đã bị nước lũ cuốn trôi. Thành phố vẫn còn nhiều điểm “đen” về sạt lở như khu vực thôn 5, xã Quảng Bị (Chương Mỹ), thôn Liên Trì (Đan Phượng), xã Phương Đô (Phúc Thọ)… Hà Nội: Hàng trăm hộ bị nứt nhà, mất đất vì sạt lở (danviet.vn, 26/11).

Xung quanh thông tin nguồn nước mặt sông Đà bị nhiễm bẩn từ một bãi rác tại TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), trên báo Kinh tế & Đô thị số ra ngày 26/11, lãnh đạo Công ty CP Nước sạch Vinaconex khẳng định chất lượng nước sạch cung cấp cho Hà Nội được đảm bảo. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, về lâu dài, nếu  bãi rác dốc Búng gây ô nhiễm không được xử lý triệt để thì sẽ gây nguy hại cho nguồn nước mặt cũng như chất lượng nguồn nước sạch được sản xuất tại Nhà máy nước sông Đà. Tỉnh Hòa Bình chưa quyết liệt xử lý bãi rác dốc Búng (Kinh tế đô thị, 27/11).

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra hơn 200 vụ vi phạm pháp luật đê điều, tuy nhiên, chính quyền địa phương mới xử lý được không đáng kể. Đáng chú ý, nhiều vụ vi phạm phức tạp kéo dài như vi phạm tại K3+350 thượng lưu đê hữu Hồng, xã Phong Vân (Ba Vì); tập kết vật liệu xây dựng tại khu vực cầu hạ lưu cầu Thăng Long, phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm); vi phạm tại bãi đá sông Hồng, tương ứng với đê hữu Hồng tại K60+600, phường Nhật Tân (Tây Hồ); đổ phế thải, dựng lều lán, lấn chiếm bãi sông khu vực ngõ 76 An Dương, phường Tứ Liên và Yên Phụ (Tây Hồ)... Nhiều vụ vi phạm pháp luật đê điều phức tạp kéo dài (Hà Nội mới, 28/11).

3. Văn hóa, y tế và giáo dục 

Hai thành phố của Việt Nam là Hà Nội và Đà Nẵng lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á theo bình chọn của Tạp chí du lịch trực tuyến châu Á - Travel Asia. Thông tin vừa được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết. Đây là lần thứ hai Hà Nội và Đà Nẵng lọt vào top 10 điểm đến hấp dẫn của Travel Asia. Trong danh sách các điểm đến hấp dẫn nhất khu vực mà Tạp chí du lịch nói trên công bố, Hà Nội, Đà Nẵng của Việt Nam và Singapore cùng xếp ở vị thứ 8. Dẫn đầu danh sách này là Bali - Indonesia. Hà Nội, Đà Nẵng lại lọt top 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á (Dân trí, 26/11).

Ngày 26-11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức tọa đàm về khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch và kết nối chương trình tham quan du lịch Hà Nội với di sản Hoàng thành Thăng Long. Theo các nhà nghiên cứu, Hoàng thành Thăng Long là một tài sản vô giá, đặc biệt, nơi đây có cảnh quan đẹp, có nhiều hoạt động trải nghiệm sinh động, phù hợp với khách du lịch. Tuy vậy, trong thời gian qua, lượng khách du lịch đến di sản này còn khiêm tốn. Ban Quản lý di sản và các đơn vị lữ hành cần thống nhất cách thức phối hợp chặt chẽ nhằm đưa di sản trở thành một lựa chọn hàng đầu trong chương trình du lịch Thủ đô và thực hiện tốt công tác bảo vệ di sản. Khai thác giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long để phát triển du lịch (Hà Nội mới, 27/11).

Thực hiện yêu cầu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích, cơ quan, công sở, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã đề nghị các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố triển khai, vận động di dời dứt điểm các hiện vật không đúng quy định ra khỏi các di tích, các cơ quan, công sở trước 30/11. Thời hạn trên đã gần kề nhưng qua đợt thanh tra của Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội thực hiện ngày từ ngày 19 - 26/11 cho thấy, mặc dù nhiều địa phương nghiêm túc thực hiện nhưng vẫn còn lúng túng trong việc di dời hiện vật lạ ra khỏi di tích. Nhiều di tích tồn tại nhiều hiện vật lạ: tượng bằng giấy bồi, La hán bằng sứ, đèn đá, tượng Quan âm Bạch y. Lúng túng di dời hiện vật lạ ra khỏi di tích ở Hà Nội (Tin tức, 27/11).

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết cụm công trình Bệnh viện Mắt Hà Nội và cơ sở 2 của các Bệnh viện: Đa khoa Xanh Pôn, Tim Hà Nội, tỷ lệ 1/500, tại các xã Bình Phú, Phùng Xá (Thạch Thất) nhằm hình thành trung tâm y tế cấp thành phố có quy hoạch đồng bộ, hiện đại về kiến trúc cảnh quan và quy hoạch hạ tầng đô thị, đáp ứng nhu cầu về khám chữa bệnh cho nhân dân Thủ đô nói chung, dân cư thị trấn sinh thái Quốc Oai (Quốc Oai) và huyện Thạch Thất nói riêng. Xây 3 bệnh viện tại huyện Thạch Thất (Kinh tế đô thị, 27/11).

Tổ chức ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo nổ các loại, có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên cố tình vi phạm là yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội với các trường học trên địa bàn. Các trường tổ chức đợt học tập, tuyên truyền trong học sinh, sinh viên các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng pháo, các hành vi bị cấm…Ban Giám hiệu nhà trường chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở nếu để xảy ra tình trạng tàng trữ, sử dụng các loại pháo trái phép. Ngăn chặn sử dụng, tàng trữ pháo nổ trong học sinh, sinh viên (An ninh Thủ đô, 28/11).

Tin từ Bộ Xây dựng, khu ký túc xá sinh viên số 4 và nhà ở công vụ số 1 vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội bàn giao cho đơn vị sử dụng. Đây là 2 công trình trong đề án Quy hoạch tổng thể xây dựng ĐHQG Hà Nội do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các công trình KTX sinh viên là dự án gồm 5 khu được xây dựng trên khu đất có diện tích 88,8ha, tổng diện tích sàn dự kiến 494.270m2, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho gần 43.000 sinh viên. Thêm chỗ ở hiện đại cho 2.000 sinh viên (An ninh thủ đô, 26/11).

 



Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t