Quá nửa đời gắn bó với sự nghiệp cứu người (11:22 30/08/2010)


HNP - Đạo làm thuốc là một nhân thuật; Chớ bịp bợm bắt bớ người bệnh; Không phân biệt giàu nghèo khi khám chữa bệnh; Yêu thương người nghèo khó trước; Chớ vì ân huệ ràng buộc nhân tâm; Chẳng quản gian truân vì nghĩa lớn; Dùng thuốc như dùng binh, hãy thận trọng; Ân hận vì sơ suất; Thấy bệnh nguy đừng tháo chạy; Chân thành tận tụy. Đó là những điều căn dặn về y đức của Hải Thượng Lãn Ông được kẻ bằng những hàng chữ lớn ngay tại hành lang ra vào Sở Y tế Hà Nội.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội


Những câu nói của người xưa thật sâu xa đầy ý nghĩa, đúng thật, dùng thuốc như dùng binh. Khổng Minh dùng binh như thần, trăm trận trăm thắng vì ông biết địch biết ta, biết tiến biết lui, biết đánh vào đâu, lúc nào bằng lực lượng nào. Điều quan trọng hơn là ông luôn nắm rõ đối phương. Người thày thuốc cũng vậy, họ biết làm gì đối với từng căn bệnh, kết hợp các loại tuốc dùng lúc nào thích hợp và tổng hợp tấn công diệt tận gốc mầm bệnh, cùng với sự ngăn chặn, phòng ngừa lây lan.
Đó là điều làm tôi suy nghĩ về những cán bộ ngành y đang công tác tại  Sở Y tế này, nhất là người lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội.
Chúng tôi gặp PGS.TS. Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khi nắng chiều hè đã tắt, cũng là lúc mọi người trong công sở đã trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. Với cương vị lãnh đạo chắc chắn anh sẽ mệt mỏi hơn nhiều, dù vậy anh vẫn vui vẻ tiếp chúng tôi, tôi thì ái ngại cho anh. Như đoán được điều đó anh cười cởi mở:
-    Bao giờ ta có thể ngồi được với nhau…
Anh nói về tập thể, về các bệnh viện, về những chiến dịch chống dịch bệnh. Nhưng tôi hiểu gần 40 năm không ngừng phấn đấu để có Lê Anh Tuấn ngày hôm nay không dễ tí nào. Ở vào tuổi gần lục tuần mái tóc xanh đã chớm bạc, nhưng anh vẫn có một thân hình cân đối khá nhanh nhẹn, đặc biệt là sự nhạy cảm. Quê cha đất tổ ở Vân Đình, Ứng Hòa (Hà Tây  cũ) nhưng anh sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm- trung tâm văn hóa của người Tràng An truyền thống. Ngày ấy, nhà có sáu anh em lại chỉ trông chờ vào đồng lương nhà giáo ít ỏi của người cha nên cuộc sống gia đình lúc đó cực kỳ khó khăn. Cũng như bao đứa trẻ khác cùng thời, tuổi thơ của Lê Anh Tuấn gắn liền với cuộc đấu tranh chống Mỹ ác liệt của dân tộc. Năm 1957, lúc lên 6 cậu bé Lê Tuấn Anh bước vào lớp một. Ngày ấy hết cấp 3 là lớp 10.
Cuộc chiến tranh chống Mỹ lúc này đang bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt. Mỹ ồ ạt ném bom đánh phá miền Bắc và các cơ sở cách mạng. Tuấn cũng như bạn bè cùng lứa đã sớm phải chia tay với mái trường thân yêu, chia tay với phố phường Hà Nội để đi sơ tán. Ngày ấy Tuấn học cấp II. Chứng kiến những cảnh tang thương, chết chóc về bom đạn về bệnh tật, về cả sự nghèo đói đã thôi thúc Tuấn phải học giỏi hơn nữa để không phụ lòng cha mẹ, người thân. Và mỗi đêm về Tuấn nhớ lại da diết mái trường, nhớ các bạn nhớ ngôi nhà quen thuộc, nhớ phố Hàng Mã, nhớ những ngày rằm Trung Thu phố Hàng Mã của Tuấn lúc nào cũng nườm nượp người. Giờ đây, Tuấn phải cố gắng học mong sao một ngày kia mình sẽ trở thành bác sĩ để trực tiếp cứu người, Tuấn ước mơ như thế. Và luôn nhủ mình phải học. Dầu đốt theo tiêu chuẩn từng hộ gia đình không đủ, Tuấn và các bạn cùng lớp rủ nhau học dưới ánh trăng theo cách học truyền khẩu. Có những ngày báo động liên tục cả lớp phải ở hầm cồn cỏ học cả ngày thậm chí cả tối. Đó là những ngày đầu sơ tán cùng bố mẹ ở Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội lúc bấy giờ. Đó là những năm cuối cấp II và đầu cấp III Tuấn lại theo gia đình sơ tán về Yên Hòa (Từ Liêm). Ăn thì ăn bữa sáng lo bữa chiều, 2-3 phần độn mỳ hoặc ngô mới có một phần gạo. Nhưng ngày nghỉ mấy chị em nhà Tuấn phải dạy từ sớm đi bộ gần 2km mới tới ga tàu điện Cầu Giấy, đi chuyến tàu sớm nhất về Hà Nội vì nhớ nhà chiều lại đi chuyến tàu điện cuối cùng từ Đồng Xuân ra Bờ Hồ rồi chuyển sang tàu về Cầu Giấy. Có những đợt do tình hình nhận định của trên Mỹ có thể đánh bom ác liệt hơn nữa, nhà trường yêu cầu ở lại đào hào từ lớp dẫn ra các hầm, mỗi hào dẫn tới một hầm cồn cỏ. Chiếc mũ rơm đã trở thành người bạn không nhớ từ khi nào chỉ biết rằng nó luôn bên mình không chỉ với Tuấn mà tất cả các bạn. Thầy cô cũng vậy. Cũng từ đây anh đã được dạy cách cứu thương, cấp cứu người bị thương. Tiết học này Tuấn mê lắm, ước mơ được nhân lên thành niềm vui. Tuấn hình dung ra người bác sĩ với màu áo trắng mà hạnh phúc là khi mang lại cuộc sống cho người khác, những điều đó như đang vẫy gọi Tuấn vươn lên.
Năm 1970, chàng thanh niên Lê Anh Tuấn nộp đơn và thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội. Cuộc sống sinh viên thời đó cũng khác nhiều so với bây giờ. Chẳng được ăn ngon mặc đẹp. Ngày đó, mỗi sinh viên chỉ được cấp 15kg gạo mỗi tháng. Học bổng cũng chỉ được 18 đồng, trong đó 15 đồng chi vào tiền ăn hai bữa ở trường. Thực phẩm cũng nghèo, mỗi tháng chỉ được một lạng rưỡi mỡ, còn lại chủ yếu là ăn độn với ngô, sắn. Dầu đốt cấp không đủ, anh tranh thủ học dưới ánh trăng. Thời gian này, anh lại tiếp tục đi sơ tán tới Cao Viên - Bình Đà. Ngày đầu, anh đã được rèn luyện hành quân đi bộ. Luyện tập quân sự hai tháng, một tháng lao động. Sau đó, năm 1972, đi sơ tán lên Thanh Thủy- Phú Thọ. Tại đây, anh đã tham gia đắp đê chống lũ cùng nhân dân. Năm 1973, Hiệp định Pari ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc, anh trở về Hà Nội và bắt đầu đi gõ cửa các bệnh viện ở Hà Nội và Hải Phòng để xin thực tập.
Năm 1976, sau sáu năm miệt mài đèn sách anh đã tốt nghiệp ra trường. Lê Anh Tuấn tiếp tục đi tới những miền quê, mang theo kiến thức học được để mang lại sức khỏe, nụ cười cho người bệnh. Sau khi tốt nghiệp, anh được điều động về Hải Dương công tác tại Trường trung học kỹ thuật y tế Hải Dương- Bộ Y tế. Lúc đó, anh hơn 25 tuổi. Vừa mới tốt nghiệp ra trường anh đã phải xa nhà, xa bạn bè một mình bươn chải mưu sinh nên ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian đằng đẵng trôi qua, chàng trai Hà Nội Lê Anh Tuấn đã bước vào đời với bao điều suy nghĩ, ước mơ, hoài bão.
Năm năm làm giáo viên ở Hải Dương đã đem lại cho anh nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm nghề nghiệp để anh có những bước dài vững chắc hơn. Năm 1981, anh được cử về công tác tại Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, thuộc Sở Y tế Hà Nội. Sáu năm sau, anh xung phong nhận công tác tại Trạm chống lao thành phố Hà Nội, nơi khó khăn nhất lúc đó. Trực tiếp khám chữa bệnh cho người bị bệnh lao, mọi việc anh làm từ A đến Z… Lúc này, bệnh lao là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, mọi người có cái nhìn ác cảm với những người bệnh lao. Mặc dù vậy, anh không hề chùn bước hay hối hận khi vê công tác tại đây. Trái lại, đây là một nơi mà trình độ, năng lực của anh được lóe sáng. Cũng chính từ đây trở về sau mà anh rất tâm huyết với y tế cộng đồng, y tế cơ sở. Trong thời gian này, anh cũng tham gia học tập nghiên cứu nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Từ năm 1981-1991, anh làm nghiên cứu sinh. Năm 1992, bảo vệ thành công Luận án Phó tiến sĩ khoa học y học, nay là hàm Tiến sĩ. Vậy là gia đình anh có 6 anh chị em thì một nửa là tiến sĩ, trong đó có Lê Anh Tuấn. Với những cống hiến lớn lao và những thành tích trong công tác, TS Lê Anh Tuấn được đề bạt làm Phó giám đốc Trạm chống lao Thành phố vào năm 1990.
Năm 1996, TS Lê Anh Tuấn về làm Trưởng phòng khoa học Thông tin giáo dục sức khỏe Sở Y tế Hà Nội. Năm 1997, lên làm Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ngoài công việc quản lý, anh cũng tham gia giảng dạy tại Học viện quân y và tới 1/2000, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Đảm nhận trọng trách làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội là một nhiệm vụ cực kỳ to lớn là lãnh đạo thành phố Hà Nội giao cho TS Lê Anh Tuấn. Công việc của anh cũng bộn bề hơn, đặc biệt tình hình dịch bệnh lúc đó diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, với bản lĩnh, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của mình, TS Lê Anh Tuấn đã có nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh được Bộ Y tế và thành phố Hà Nội đánh giá cao. Năm 2002, được Bộ Nội vụ cấp bằng Chuyên viên cao cấp. Năm 2003, tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Tháng 10/2003, TS Lê Anh Tuấn được phong hàm Phó giáo sư, đồng thời được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động Hạng Ba. Từ đó, anh tiếp tục làm công tác quản lý, ngoài ra tham gia viết sách nghiên cứu, giáo trình, giảng viên kiêm nhiệm tại Học viện Quân y. Anh đã hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh, trong đó có 6 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ, 12 học viên cao học.
Năm 2005, PGS.TS Lê Anh Tuấn được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Là người đã trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân lao nên PGS. TS Lê Anh Tuấn đặc biệt coi trọng đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Anh đánh giá cao vai trò tham gia phòng chống dịch bệnh ngay từ ban đầu khi Hà Nội được mở rộng có 577 xã, phường, thị trấn; 29 quận, huyện; 2 thành phố. Hiện nay, tất cả các xã, phường đều có trạm y tế. Năm 2008, 437 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở, chiếm tỉ lệ 76%. Năm 2009, phấn đấu thêm 50 xã đạt chuẩn, nâng tỷ lệ nên 84%.
Không chỉ quan tâm tới việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng quan tâm lớn tới công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ 10 năm nay, Hà Nội không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn, ý thức người dân được nâng lên rõ rệt. Các sự kiện trọng đại của đất nước như: SEA Games, APEC…nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh là rất lớn. Vì thế, giám sát an toàn thực phẩm là cực kỳ quan trọng. Sở Y tế đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố có văn bản, huy động toàn dân tham gia. Tháng 11/2009, Asian Indoor Games lần thứ III được tổ chức tại Việt Nam. Đây là một sân chơi thể thao lớn mang tầm cỡ châu lục, do vậy, việc nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân là cực kỳ quan trọng. Với những kết quả đã đạt được trong lần tổ chức các sự kiện lớn khác của đất nước, Sở Y tế Hà Nội đã lên phương án sẵn sàng góp phần vào sự thành công của Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ III, lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam.
Song song với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, an toàn thực phẩm PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng luôn chú trọng nâng cao công tác khám chữa bệnh. Hiện nay, tất cả các bệnh viện ở Hà Nội đều có hòm thư nóng, lập đường dây nóng (043) 7333 071 trực 24/24h để tiếp nhận kịp thời những thắc mắc, phản ánh từ bệnh nhân. Qua đường dây nóng, nếu phát hiện tiêu cực sẽ xử lý ngay. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế. nâng cao trình độ chuyên môn cho các bác sĩ, tranh thủ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội để cung cấp nguồn nhân lực.
Năm 2008, mưa lớn làm Hà Nội chìm trong biển  nước. Sau khi nước rút, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Tuy nhiên, Sở Y tế đã có sự chủ động phòng chống trước, trong và sau khi nước rút.
Với quyết tâm không để dịch bệnh xảy ra, Sở đã tiến hành khử khuẩn ở những nơi được coi là ổ dịch như ở quận Hoàng Mai, cung cấp đủ thuốc cho nhân dân. PGS.TS Lê Anh Tuấn trực tiếp đi tới các vùng úng ngập để chỉ đạo. Có ngày, anh đi công tác Ba Vì, Sơn Tây từ tờ mờ sáng đến tối mới về tới nhà.
Năm 2009, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đặc biệt là dịch cúm H1N1 và dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội. Ngày 10/6, phát hiện một bệnh nhân nhiễm H1N1 ở Mỹ Đình khi đi từ Mỹ về. Ngay lập tức, Sở đã tham mưu cho Thành phố, diễn tập phòng chống dịch ngay tại sân bay Nội Bài. Do vậy, khi dịch lan ra đã có sự đề phòng. Dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, Sở đã kiểm soát được dịch H1N1 . Sau khi dịch bùng phát tại trường Cán bộ hội nông dân, Sở đã tiến hành cách ly và điều trị ngay tại chỗ.
Theo thống kê, Hà Nội hiện tại có 36 bệnh viện, trong đó có 11 bệnh viện đa khoa thành phố, 12 bệnh viện chuyên khoa và 13 bệnh viện đa khoa huyện. Quản lý một khối lượng công việc khổng lồ như vậy nhưng đối với PGS.TS Lê Anh Tuấn điều đó không trở ngại gì. Điều anh trăn trở, mong muốn hiện nay là Thành phố xây dựng một trường đại học y riêng của Hà Nội đào tạo những cán bộ ngành để chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân.
Giờ đây, với trách nhiệm nặng nề của người đứng đầu một sở nhưng PGS.TS Lê Anh Tuấn vẫn tranh thủ những ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật để viết sách, soạn giáo trình và tham gia giảng dạy tại Học viện Quân y. Với anh, chẳng có ngày nào là ngày nghỉ phấn đấu cho nền y học của đất nước phát triển .
Thật là một truyền thống quý báu của đại gia đình PGS.TS, Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn khi hai con gái của anh là Lê Huyền Nga và Lê Huyền Trang cũng theo nghiệp cha mẹ công tác trong ngành y với mong muốn  đem lại sức khỏe, niềm vui cho mọi người.


Hoàng Hồng


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t