Chuyển đổi số: Động lực mới cho ngành du lịch (11:29 21/08/2022)


HNP - Với những nỗ lực trong chuyển đổi số, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, khách du lịch có thể tham gia một chuyến du lịch "không chạm", hoặc "ít chạm" trên địa bàn Thành phố.

Du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám quét mã vé điện tử vào cửa


Chuyển đổi số phù hợp với xu thế
 
Giai đoạn hậu Covid-19 khiến nhu cầu của khách du lịch có nhiều thay đổi. Những ứng dụng công nghệ được tận dụng tối đa để giảm tiếp xúc, khi khách du lịch thường đi theo nhóm nhỏ, tự tìm hiểu, khám phá. Thực tế này đã khiến du lịch Thủ đô tăng tốc chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu của khách.
 
Đến thời điểm này, hoạt động chuyển đổi số diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực du lịch với mức độ khác nhau. Trong đó, quy mô nhất là "bộ đôi" Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội (http://sodulich.hanoi.gov.vn) và ứng dụng My Hanoi. Vào "cổng", du khách có cái nhìn toàn diện về du lịch Thủ đô, được hỗ trợ từ việc thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh, đến di chuyển, lưu trú hay tìm hiểu Thủ đô qua bản đồ du lịch. Đặc biệt, tại đây có danh sách những đơn vị kinh doanh du lịch đạt chuẩn để khách yên tâm lựa chọn, hạn chế tình trạng bị "chặt chém" về giá cả.
 
Văn Miếu - Quốc Tử Giám đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao phục vụ khách đến tham quan
 
Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong một ngày cuối tuần, mặc dù khách đến rất đông, nhưng trạm kiểm soát vé không xảy ra ùn tắc như mọi khi. Nhiều vị khách không cầm vé trong tay, mà dùng điện thoại quét mã QR code để vào thăm di tích. Có những đoàn khách đến hơn 20 người, nhưng đại diện đoàn chỉ cần quét mã QR code một lần. "Hiệu ứng" này bắt đầu từ việc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám triển khai hệ thống vé điện tử. 
 
Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách còn được trải nghiệm việc thanh toán mua bán hàng hóa, dịch vụ không dùng tiền mặt bằng Thẻ du lịch thông minh được tích hợp nhiều tính năng như: Internet banking, thanh toán điện tử, tra cứu thông tin du lịch hay nhận ưu đãi, tích điểm khi mua sắm... Có thể thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã bước vào lộ trình chuyển đổi số bằng việc triển khai hệ thống thuyết minh tự động. Nhưng yêu cầu mới khiến việc chuyển đổi số phải tiến hành đồng bộ, bài bản hơn. Hiện, đơn vị đang triển khai hai hợp phần khác, gồm: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, Sản phẩm du lịch không gian ba chiều nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách.
 
Các điểm du lịch khác như: Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hoả Lò, làng gốm Bát Tràng… đều triển khai các ứng dụng thông minh, hoặc phần mềm thuyết minh tự động. Các quận, huyện có tiềm năng trên địa bàn cũng tích cực triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Sau khi các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa triển khai các cổng thông tin du lịch và ứng dụng HoanKiem 360, Dongda360, mới đây nhất, huyện Gia Lâm cũng khai trương Cổng thông tin du lịch huyện Gia Lâm tại địa chỉ: htttp://visitgialam.com. Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết: "Với cổng thông tin, chỉ với một chiếc điện thoại, khách có thể đặt hàng nhiều dịch vụ, đồng thời, còn có thể "tham quan" nhiều địa danh du lịch Gia Lâm trong không gian ba chiều".
 
Đối với công tác quảng bá, các ứng dụng TikTok, Facebook, Zalo… đều được đơn vị quản lý, doanh nghiệp tận dụng tối đa để tiếp cận khách hàng. Chuyển đổi số còn được triển khai trong công tác quản lý du lịch, hoạt động khách sạn. Bằng các ứng dụng của mình, Sở Du lịch Hà Nội có thể nắm bắt, theo dõi nhu cầu của khách du lịch, qua đó, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Hay như khách sạn SOJO Hotel Ga Hanoi (phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) đã đưa công nghệ vào quản lý, vận hành, giúp khách có thể trải nghiệm đặt phòng, mở cửa bằng "chìa khóa số", sử dụng các thiết bị trong phòng như ti vi, đèn, điều hòa, rèm cửa… bằng điện thoại thông minh.
 
Còn nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số
 
Dịch bệnh Covid-19 khiến xu hướng du lịch thay đổi, trong số đó, có du lịch "không chạm", du lịch thông minh. Trước đại dịch, du lịch Thủ đô đã từng bước ứng dụng công nghệ vào quản lý, quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ khách du lịch… Dịch bệnh Covid-19 khiến cơ quan quản lý, doanh nghiệp, đơn vị phụ trách điểm đến tăng tốc triển khai quá trình chuyển đổi số một cách tương đối đồng bộ. Nhiều ứng dụng công nghệ vừa hỗ trợ khách hàng tham quan, tìm hiểu các địa danh du lịch, vừa cho phép khách đặt hàng các sản phẩm, dịch vụ cho phần lớn hành trình du lịch. 
 
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít bất cập xảy ra. Số lượng các sản phẩm, ứng dụng là tương đối lớn. Nhiều sản phẩm, ứng dụng chuyển đổi số có chất lượng cao. Song, sự kết nối, đồng bộ giữa các sản phẩm, ứng dụng này còn yếu. Kết quả là đến mỗi điểm du lịch, khách lại phải tải một ứng dụng khác nhau. Bên cạnh đó, cùng một địa bàn, địa chỉ du lịch, lại có nhiều sản phẩm, ứng dụng. Điển hình như huyện Gia Lâm xây dựng trang web: http://visitbattrang.com để giới thiệu về du lịch làng gốm Bát Tràng, nhưng đồng thời, UBND xã Bát Tràng cũng xây dựng ứng dụng Lang gom Bat Trang trên AppStore, GoogleStore. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi số vẫn còn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm nên lãng phí. Việc kết nối thông minh trên nền tảng số giữa Hà Nội và các địa phương là không đáng kể. 
 
Từ năm 2021, Sở Du lịch Hà Nội đã ký kết Chương trình phối hợp nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, với Sở Thông tin và Truyền thông. Một trong năm nội dung hợp tác là xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành du lịch, thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Song thực tế cho thấy cần đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai Đề án này. 
 
Theo Tiến sĩ Dương Thị Hồng Nhung (Đại học Thương mại Hà Nội), Hà Nội còn thiếu chính sách đặc thù về ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch, chưa có văn bản cụ thể quy định hay hướng dẫn cụ thể về cách thức triển khai ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch. Do đó, Thành phố cần xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số, đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự thành công của việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t