Hà Nội: Chuyển biến trong công tác bình đẳng giới (10:19 01/11/2017)


HNP - Sau 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp hội phụ nữ thành phố đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lao động sản xuất, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chuyển biến trong nhận thức, hành động

Sau 10 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, nét nổi bật rõ nhất là nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bình đẳng giới về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng lên. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm nhiều hơn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác bình đẳng giới. Theo đó, Thành uỷ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đât nước ”. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm đưa vấn đề bình đẳng giới vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Thủ đô.

Hằng năm, UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược quốc gia Về bình đẳng giới. Thành phố đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chương trình, đề án như: “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2012-2016”, “Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số”, “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015”, “Hỗ trợ dạy nghề cho nông dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, ưu tiên cho phụ nữ ngoại thành”, “Tầm soát phát hiện ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2014 và giai đoạn 2015 - 2017”.

Nhận thức và trách nhiệm của các cấp lãnh đạo về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ được nâng lên rõ rệt. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, tạo điều kiện hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ nữ và hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ. Từ năm 2007 đến nay đã có 32.416 lượt phụ nữ được đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, lý luận chính trị. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tổ chức 56 lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề về bình đẳng giới cho trên 22.500 lượt cán bộ chuyên trách, cán bộ Hội chủ chốt cơ sở.

Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp

Với trách nhiệm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức 47 lớp tập huấn cho 5.990 đồng chí là Chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban nữ công đoàn cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp công đoàn về công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động, chủ động xây dựng kế hoạch, tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn. Thành phố đã thành lập mô hình '"Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình đã tiếp nhận và đề xuất các ngành chức năng giải quyết 2.326 đơn khiếu nại, tố cáo trên các lĩnh vực.

UBND các cấp, lãnh đạo các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tổ chức các hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Bộ máy cán bộ làm công tác bình đẳng giới từ thành phố tới các quận, huyện, thị xã đã hoạt động từng bước đều tay, đồng bộ hơn. Ba mươi quận, huyện, thị xã đã bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Công tác thu thập các chỉ tiêu số liệu về giới trên các lĩnh vực đã được quan tâm. Hầu hết các chỉ tiêu chính về cải thiện điều kiện chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và trẻ em, về giáo dục đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ và tham gia bộ máy quản lý lãnh đạo đã có chuyển biến tích cực.

Thúc đẩy bình đẳng giới

Có thể nói, những kết quả đạt được của thành phố khá toàn diện và có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế do công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và cơ sở còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, năng lực của phụ nữ. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới ở cơ sở đã được tăng cường nhưng chưa đủ mạnh để chuyển đổi hành vi trong nhân dân về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tài liệu truyền thông về bình đẳng giới còn ít, nội dung nghèo nàn. Công tác phối hợp triển khai phổ biến giáo dục pháp luật để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và việc thực hiện lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu giới vào chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của địa phương, đơn vị còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bình đẳng giới từ ngân sách nhà nước còn hạn chế...

Để tiếp tục thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, thành phố đề ra các giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Tăng cường hỗ trợ địa phương về nguồn lực và kỹ thuật để đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới và mở các lớp tập huấn cho các đối tượng khác nhau như thanh tra, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên các báo, đài và các cơ quan truyền thông, cán bộ ngành tư pháp thành phố, huyện, cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ, cán bộ pháp chế của các sở, ban, ngành; hỗ trợ các chương trình dự án về thực hiện công tác bình đẳng giới, lồng ghép giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trên các lĩnh vực.


Minh Châu


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t