Cơ giới hóa thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững (22:15 27/12/2016)


HNP - Cơ giới hóa (CGH) là xu hướng tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố, những năm gần đây, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất trên địa bàn thành phố Hà Nội không ngừng tăng lên, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa nông sản thực phẩm và lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác.

Thí sinh tham gia Hội thi thợ lái máy cấy giỏi toàn thành phố Hà Nội tại huyện Ứng Hòa


Sau 4 năm thực hiện, Đề án phát triển CGH trong sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Về trồng trọt, đến nay CGH trong khâu làm đất đạt 95%, khâu thu hoạch đạt 52%. Về chăn nuôi, CGH trong chăn nuôi bò sữa tăng cao với khâu vắt sữa đạt 37,7%, khâu thái cỏ đạt 80%... Hiệu quả tích cực nhất của đề án là đã tác động làm thay đổi nhận thức của nông dân, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất có tổ chức, tập trung quy mô lớn.
 
Bên cạnh đó, Đề án còn góp phần quan trọng hình thành được nhiều hợp tác xã dịch vụ CGH đồng bộ trong sản xuất lúa, giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao thu nhập. Đồng thời, tạo dựng được mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý trong hợp tác áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
 
Từ chủ trương của thành phố với sự đồng tình tham gia của hầu hết các địa phương và đông đảo các hộ nông dân, các chủ trang trại, các doanh nghiệp nên bước đầu chương trình cơ giới hóa đã thu được nhiều kết quả ở nhiều địa phương. Bà Hoàng Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, tính đến nay, trên địa bàn huyện có trên 500 máy làm đất, đưa khâu làm đất của huyện đạt tỷ lệ 100% cơ giới hoá, máy cấy 36 máy, máy gieo hạt phủ đất có 40 máy, nâng tỷ lệ cơ giới hoá trong khâu gieo cấy lên xấp xỉ 10%. Máy gặt đập liên hợp hiện có trên 40 máy, tỷ lệ cơ giới hoá trong khâu thu hoạch đạt 70-80%. Do áp dụng tích cực máy móc vào thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, chi phí cho khâu sản xuất giảm đáng kể. So với phương pháp cấy truyền thống, phương pháp cấy máy cho hiệu quả kinh tế cao hơn 6 đến 7 triệu đồng/ha.
 
Trong những năm qua, huyện đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hoá trên địa bàn. Năm 2015, huyện đã hỗ trợ 12 máy gặt đập liên hợp mua mới của 11 hộ dân, với tổng số tiền hơn 460 triệu đồng. Tính riêng năm 2016, huyện đã hỗ trợ 13 máy gặt đập liên hợp với số tiền hơn 617 triệu đồng. Đối với hỗ trợ cơ giới hoá trong làm mạ khay máy cấy, huyện đã hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cấy, máy gieo hạt, máy phủ đất. Riêng năm 2016, huyện đã hỗ trợ giống và đất thực hiện mô hình máy cấy mạ khay là 689 triệu đồng, nâng tổng số tiền hỗ trợ mô hình mạ khay máy cấy từ năm 2014 đến nay là hơn 5,5 tỷ đồng.
 
Tại huyện Thạch Thất, năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chọn xã Hương Ngải để triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Ông Nguyễn Đỗ Ban, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hương Ngải cho biết, cùng với sự phối hợp của cán bộ khuyến nông thành phố, HTX Hương Ngải tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia thực hiện theo quy trình kỹ thuật, thường xuyên nắm tiến độ thực hiện và báo cáo tiến độ định kỳ, mô hình đạt hiệu quả, theo đúng kế hoạch tiến độ đề ra.
 
Qua 2 vụ thực hiện mô hình áp dụng cơ giới hoá đồng bộ cho thấy rõ hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã đưa máy móc vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo mạ cấy đến thu hoạch. Kết quả đạt được là chỉ tính riêng các khâu dịch vụ đã làm giảm cho nông dân trung bình là 180.000 đồng/sào (giảm 28%) so với thực hiện dịch vụ theo truyền thống. Đến năm 2016, UBND xã đã chỉ đạo HTX mở rộng diện tích áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất trên 50 ha/vụ, về cơ bản người dân chỉ còn phải thực hiện khâu bón phân và chăm sóc phun thuốc BVTV trong sản xuất lúa.
 
Nhìn chung, hiệu quả đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,2-1,3 lần so với lao động thủ công. Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, cơ giới hóa còn mang lại hiệu quả xã hội khi góp phần giải phóng sức lao động nông thôn, giảm lao động nặng nhọc bảo vệ sức khỏe cho người nông dân, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn. Hiện nay, thành phố đã thực hiện dồn điền đổi thửa được hơn 78.500ha, đạt 103% kế hoạch và tăng 1.670ha so với năm 2015. Đây là điều kiện thuận lợi để quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Để mở đường cho áp dụng CGH vào sản xuất, cần thiết phải có chính sách đủ mạnh và thông thoáng.
 
Đồng chí Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: mặc dù mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp của thành phố đã có chuyển biến. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hỗ trợ hoạt động cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, sẽ ban hành các chính sách về hỗ trợ tài chính, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp mua máy móc.
 
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng liên kết các hộ sản xuất, các HTX tạo thành quy mô sản xuất lớn, xóa bỏ việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của kinh tế hộ. Trước mắt, lĩnh vực trồng trọt sẽ tập trung CGH từ khâu làm đất, bơm tưới, gieo cấy, bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến, hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Chú trọng hơn CGH trong hoạt động chăn nuôi, đầu tư lĩnh vực cơ giới trong sơ chế biến bảo quản nông sản... Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng tích cực tuyên truyền về lợi ích cho các hộ dân tham gia vào khâu làm mạ khay từ đó nâng cao diện tích cấy bằng máy, giảm chi phí và sức lao động cho người nông dân.

Đoàn Nguyên


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t