Xây dựng nông thôn mới ở Ba Vì: Làm đâu chắc đó (19:24 03/08/2019)


HNP - Xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, đời sống kinh tế của người dân, nhất là đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, nhưng sau 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, huyện Ba Vì đã có những đột phá trong xây dựng NTM, khi 15/30 xã trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Nỗ lực vượt qua khó khăn
 
Bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì gặp không ít khó khăn so với các huyện ngoại thành Hà Nội. Toàn huyện có 31 xã, thị trấn, trong đó có 7 xã miền núi, 1 xã nằm giữa bãi sông Hồng đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong khi, sản xuất nông nghiệp của huyện chủ yếu là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế thấp. Cơ sở vật chất, nhất là điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi yếu kém, ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư kéo dài… Một bộ phận không nhỏ lao động ở các xã miền núi thiếu việc làm, thu nhập không ổn định… 
 
Xác định rõ những khó khăn, thách thức, huyện Ba Vì đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tập trung thực hiện chỉ thị, nghị quyết của thành phố, đặc biệt là Chương trình 02 của Thành ủy, đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các các thành viên phụ trách từng nhóm tiêu chí, từng xã trong xây dựng NTM. Định kỳ, hằng tháng, hằng quý, Huyện ủy, UBND huyện họp giao ban với các xã, các ngành để kiểm tra, rà soát kết quả để tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tổ Công tác giúp việc của huyện bám sát cơ sở nắm tiến độ, kịp thời tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện trong việc tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế để hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
 
Tại cơ sở, Đảng ủy các xã cũng ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo, còn UBND các xã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình số 02-CTr/HU của Huyện ủy Ba Vì về “Phát triển kinh tế, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân”. Đồng thời, kiện toàn lại bộ máy Ban chỉ đạo xã, Ban quản lý xây dựng NTM từ xã đến từng thôn, bản. Đối với những xã đăng ký phấn đấu hoàn thành NTM xây dựng kế hoạch chi tiết, hằng tuần giao ban tiến độ, kiểm điểm rút kinh nghiệm và kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Vì vậy, những khó khăn trong công tác dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng NTM, phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề, nâng cao đời sống nông dân từng bước được hóa giải. Cùng với đó, huyện Ba Vì ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM, ưu tiên cho nhân dân vay vốn để phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khuyến khích nhà đầu tư, doanh nghiệp liên danh liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân… 
 
Đi đôi với tuyên truyền, nhân rộng những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, nhất là những điển hình hiến đất làm thủy lợi nội đồng, giao thông thôn xóm, huyện Ba Vì huy động mọi nguồn lực cho xây dựng NTM. Tính đến 30/6, toàn huyện đã huy động được hơn 2.123 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách thành phố hỗ trợ hơn 1.440 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 355 tỷ đồng, ngân sách xã gần 31,3 tỷ đồng, xã hội hóa 74 tỷ đồng, doanh nghiệp và hợp tác xã gần 80,5 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 140,4 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Nhờ nguồn lực này và các làm bài bản, căn cơ, đến tháng 6/2019, toàn huyện đã có 15/30 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM.
 
Hướng tới những mục tiêu cao hơn
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, phát huy những kết quả đạt, năm 2019, huyện Ba Vì đăng ký phấn đấu thực hiện hoàn thành thêm 4 xã (Minh Châu, Minh Quang, Tòng Bạt và Vạn Thắng), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến hết 2019 là 19/30 xã, đạt 63,3%. Năm 2020, phấn đấu thực hiện hoàn thành thêm 4 xã để nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM lên 23/30 xã, đạt 76,7%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2016-2020 đề ra. Ngoài ra, huyện Ba Vì đã lựa chọn triển khai thí điểm 4 khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu tại 4 xã có nhiều điều kiện thuận lợi, gồm: thôn Tân Phong 3 (xã Phong Vân), thôn Cổ Đô (xã Cổ Đô), thôn La Thiện (xã Tản Hồng) và thôn 4 (xã Ba Trại) để phấn đấu thực hiện hoàn thành vào năm 2020.
 
Bước sang giai đoạn mới (2021-2025), huyện Ba Vì đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 có 100% các xã đạt chuẩn NTM. Năm 2023 phấn đấu huyện được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Trong giai đoạn này, huyện Ba Vì phấn đấu có từ 3 đến 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có từ 1 đến 3 xã đạt NTM kiểu mẫu; mỗi năm có từ 2 đến 3 thôn, làng công nhận khu dân cư kiểu mẫu. Giai đoạn 2025-2030, huyện phấn đấu đến năm 2030 có 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 20% số xã đạt NTM kiểu mẫu, 50% số xã có ít nhất 1 thôn, làng được công nhận khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Đáng chú ý, trong xây dựng NTM, huyện Ba Vì kiên định mục tiêu: Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao…
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, để hoàn thành các mục tiêu trên, huyện Ba Vì tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và có lộ trình thực hiện cụ thể. Trước mắt, huyện động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường cùng xã hội tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức, xây dựng nông thôn mới” với những việc làm thiết thực và cụ thể, góp phần duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM tại các xã của huyện…

Thanh Bình


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t