Huyện Gia Lâm: Cú hích từ nông nghiệp (14:17 18/12/2017)


HNP - Cũng giống các huyện ngoại thành, diện mạo nông thôn Gia Lâm đang đổi thay từng ngày. Đặc biệt, từ khi chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thành phố đi vào cuộc sống đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp của huyện Gia Lâm.

Mô hình trồng rau an toàn tại xã Văn Đức huyện Gia Lâm


Hướng đi đúng

Là huyện ven đô, Gia Lâm có tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa mạnh mẽ. Đến nay, hầu hết các xã của huyện đề đã thực hiện đạt số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đề ra trong từng năm theo kế hoạch của huyện. Cùng với đó là việc xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả. Một trong những nhân tố mang lại thành công của Gia Lâm là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tập trung cho phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho hay: Gia Lâm đã thực hiện quy hoạch lại nông nghiệp tại 20 xã, thị trấn để giúp các địa phương định hướng nông dân xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung quy mô lớn gắn với nhu cầu tiêu thụ nông sản. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng Đề án "Phát triển sản xuất nong nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020"; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho vùng sản xuất chuyên canh...

Nhờ quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, toàn huyện đã chuyển đổi được 579ha theo quy hoạch vùng sản xuất, trong đó, có 259ha cây ăn quả. Đơn cử, xã Yên Viên, có 100ha đất nông nghiệp, trong đó 50ha đất trồng lúa, 30ha trồng rau màu. Được sự hỗ trợ của huyện Gia Lâm, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Yên Viên vận động xã viên đưa vào trồng hơn 30ha rau ngắn ngày, chủ yếu là rau gia vị, rau cải các loại... theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Theo tính toán, giá trị thu nhập trồng rau cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa. Tính bình quân, mỗi héc ta cho thu nhập từ 400 đến 700 triệu đồng tuỳ từng loại rau. Tương tự, xã Đông Dư cũng phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp nhờ hướng đi riêng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Toàn xã có 40/138ha chuyên canh trồng rau sạch... Có hộ gia đình ở địa phương này trồng 3 sào rau gia vị như mùi tàu, ngổ, tía tô, kinh giới..., sau khi trừ chi phí cho thu lãi vài chục triệu đồng, cao gấp 50 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, xã Đông Dư có gần 110ha trồng ổi quanh năm cho hiệu quả kinh tế cao.

Tạo bứt phá mới

Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, hiện nay, huyện đang duy trì ổn định vùng sản xuất rau, đồng thời, phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung có quy mô từ 20ha trở lên tại 10 xã, thị trấn với các cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cho người dân từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Với việc thu hẹp diện tích đất trồng lúa, huyện đã tập trung xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với quy mô diện tích từ 30ha trở lên tại các xã: Yên Thường, Phù Đổng, Trung Mầu, Dương Xá. Trên cơ sở hình thành các vùng chuyên canh, huyện Gia Lâm còn triển khai xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Đến nay, nhiều mặt hàng nông sản của huyện đã có thương hiệu.

Phát huy kết quả đạt được, huyện Gia Lâm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm phát triển nông nghiệp bằng việc tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao như các vùng chuyên canh rau, cây cảnh, hoa, cây ăn quả... Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới cũng đang được tiếp thu và chuyển giao nhanh vào sản xuất, chủ yếu tập trung vào các khâu then chốt của sản xuất nông nghiệp như sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đưa cơ giới hoá vào sản xuất; các khâu canh tác, chế biến, bảo quản nông sản hàng hóa... Cùng với sản xuất trồng trọt, tại các vùng quê, lĩnh vực chăn nuôi ở các trang trại và hộ gia đình cũng đang được khuyến khích tạo điều kiện phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với quy mô trang trại và gia trại xa khu dân cư, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa hơn nữa phục vụ tiêu dùng thị trường Hà Nội.

Theo quy hoạch tổng thể của TP Hà Nội, huyện Gia Lâm nằm trong quy hoạch đô thị phía Bắc sông hồng, vùng trung tâm của Thủ đô. Vì vậy, công tác đầu tư cho xây dựng cơ bản gắn với phát triển nông nghiệp đô thị được huyện đặt lên hàng đầu. Năm 2017, huyện đã triển khai đồng bộ các dự án đầu tư, tập trung vào việc xây dựng hạ tầng khung phục vụ an sinh xã hội nói chung và tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Hiện nay, Gia Lâm đang triển khai đang chuẩn bị đầu tư 15 tuyến đường trên địa bàn theo chủ trương của thành phố với tổng kinh phí khoảng 4.200 tỷ đồng. Qua đó, làm bộ mặt nông thôn Gia Lâm nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện...


Minh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t