Hà Nội: Nhiều đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (10:03 22/07/2020)


HNP - Ngày 20/7, UBND thành phố Hà Nội có Báo cáo số 205/BC-UBND, về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2015 - 2020.

Theo đánh giá, về thể chế hóa, thành phố Hà Nội đã ban hành hệ thống văn bản nhằm thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, gồm: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn thành phố; tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố; thành lập Hội đồng biên soạn, Hội đồng thẩm định nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố; ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

Toàn thành phố cũng đã tăng cường đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đối với các trường chưa đảm bảo chất lượng, số lượng phòng học, đang sử dụng nhà cấp 4, phòng tạm, phòng mượn. Hầu hết các trường đã được phê duyệt sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới, thành lập thêm trường tiểu học, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, hoàn thành trong năm học 2019 - 2020, đầu năm học 2020 - 2021; chuyển đổi, cải tạo một số phòng thành phòng học văn hóa, phòng chức năng, gom điểm trường lẻ; có phương án phân tuyến hợp lý. 100% trường tiểu học có phương án ưu tiên, sắp xếp đủ phòng học đạt tiêu chuẩn cho học sinh lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tại các quận nội thành quỹ đất hạn chế trong khi gia tăng dân số cơ học cao, các phòng giáo dục và đào tạo phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan tham mưu UBND các quận rà soát các khu đất trống, quản lý chặt chẽ các ô đất đã được quy hoạch, xin ý kiến thành phố, đề nghị các doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây trường học; tiếp tục đầu tư sửa chữa, cải tạo bổ sung các phòng học mới bảo đảm tính chiến lược, hiện đại, tổng thể và lâu dài.

Tại nhiều nhà trường, việc kiểm kê, sửa chữa, nâng cấp, bổ sung đồ dùng được tổ chức thường xuyên. Hằng năm, ngay từ đầu năm học các trường đã mua bổ sung thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu dạy và học. Vì vậy, để chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường tiểu học tại nhiều địa bàn cơ bản đã đáp ứng đủ về cơ sở vật chất cũng như thiết bị dạy học.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo lộ trình: Trên địa bàn thành phố, 100% các nhà trường đã có kế hoạch cụ thể cho việc chuẩn bị nhân sự năm học 2020-2021, đặc biệt đối với lớp 1. 100% giáo viên lớp 1 (dự kiến) đạt chuẩn và trên chuẩn, có năng lực chuyên môn tốt; ưu tiên tối đa cho lớp 1, các nhà trường bố trí đủ giáo viên mĩ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất, tin học, ngoại ngữ để bảo đảm dạy đủ các môn học bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

100% phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố đã tạo mọi điều kiện để bảo đảm các tiêu chí quy định về đội ngũ đối với giáo viên giảng dạy lớp 1 năm học 2020- 2021. 100% giáo viên dự kiến dạy lớp 1 được tham gia các lớp bồi dưỡng. Đây là những giáo viên được đánh giá đạt loại khá trở lên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, có trình độ chuyên môn vững vàng, linh hoạt, sáng tạo trong các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14, UBND thành phố cũng đã có các giải pháp cụ thể. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô.

Bên cạnh đó, đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Sắp xếp và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thành phố cũng sẽ tập trung chỉ đạo hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học gắn với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bố trí đủ nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đào tạo. Tiếp tục ưu tiên kinh phí tăng cường đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp của các trường mầm non, phổ thông công lập hiện có trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa và tăng tự chủ trong các cơ sở giáo dục đào tạo. Huy động nguồn xã hội hóa phát triển quy hoạch mạng lưới trường lớp và cơ sở vật chất trường lớp ngoài công lập.

Khuyến khích đa dạng hóa phát triển trường lớp ngoài công lập và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh, nhằm đào tạo nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -  xã hội của Thủ đô.


Quốc Bảo


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t