Hiệu quả mô hình trồng nấm rơm trên địa bàn thành phố Hà Nội (14:27 09/04/2019)


HNP - Hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó, phải kể đến mô hình trồng nấm theo công nghệ cao. Mô hình này đã tạo việc làm góp phần tăng thu nhập, từng bước thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Trồng nấm công nghệ cao: Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp sạch


Thị trường tiêu thụ nấm trong nước ngày càng tăng cao. Nhu cầu ăn nấm ngày càng tăng do nhiều người đã hiểu được giá trị dinh dưỡng và làm thuốc của nấm. Nắm bắt được thị hiếu này, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) là doanh nghiệp đầu tiên ở Hà Nội đầu tư trồng nấm bằng công nghệ cao.
 
Nhà máy chính thức được xây dựng vào tháng 4/2016 với tổng diện tích 3ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2 áp dụng công nghệ của Nhật Bản, chi phí đầu tư máy móc, cơ sở vật chất lên đến gần 50 tỷ đồng. Các nguyên liệu đầu vào như cám gạo, cám mạch, lõi ngô, bã mía, bã củ cải, đậu tương, ngô nghiền,... được phối trộn, thanh trùng rồi cấy giống bằng máy móc đảm bảo độ đồng đều và sự chính xác cao.
 
Bà Dương Thị Thu Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, cho biết: Nhà máy sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất, đóng gói 100% của Nhật Bản, trên tổng diện tích 3ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2, công suất sản xuất giai đoạn 1 là 1,5 tấn nấm kim châm/ngày, đến cuối năm 2017 đạt 3 tấn nấm kim châm/ngày, vốn đầu tư 3 triệu USD. Sản phẩm hiện được Công ty TNHH Thực phẩm lý tưởng Việt Nam phân phối độc quyền tại nhiều siêu thị ở miền Bắc và một doanh nghiệp khác phụ trách khu vực phía Nam. 
 
Với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, UBND TP Hà Nội thông qua Sở KH&CN hỗ trợ thêm 2,95 tỷ đồng cùng kỹ thuật sản xuất để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Theo bà Dương Thị Thu Huệ, dự án trên có được những kết quả tích cực là nhờ sự tham gia tích cực của 3 "nhà": Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước. Thành công của đơn vị đã mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp trồng nấm của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.
 
Tương tự, tại huyện Đan Phượng mô hình trồng nấm công nghệ cao của HTX nấm Nghĩa Minh, xã Đan Phượng đã đi vào hoạt động ổn định từ nhiều năm nay, là nơi cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn thường xuyên cho người tiêu dùng. Trải qua thời gian nâng cao kỹ năng, nắm vững các kỹ thuật trồng nấm sạch, HTX nấm Nghĩa Minh đã đầu tư xây dựng dây chuyền thiết bị máy móc hiện đại. 
 
Nhờ sản xuất bằng quy trình khắt khe và ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm của HTX đạt độ chuẩn cao. Nấm được thu hoạch sau đó cắt chân, đóng gói, và được bảo quản lạnh khi tiêu thụ. Nấm được phát triển tự nhiên trong môi trường phù hợp, hoàn toàn không dùng hóa chất, chất bảo quản hay phụ gia, kể cả trong quá trình đóng gói. 
 
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HTX nấm Nghĩa Minh cho biết: mô hình của HTX đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 9 công nhân thường xuyên làm việc và tạo ra lương tháng bình quân cho các lao động 5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, quy trình trồng nấm công nghệ cao của HTX khá bài bản, khoa học, sạch sẽ, thoáng mát, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Theo ông Hùng, nhờ việc ứng dụng công nghệ xanh, bảo vệ môi trường nên HTX có nhiều đơn vị đến đặt hàng nhưng không đủ số lượng sản phẩm để đáp ứng.
 
Tại huyện Sóc Sơn, mô hình của Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Nấm Sáng Thiện, xã Quang Tiến, cũng đang là điểm sáng về phát triển kinh tế nông thôn. Bà Đào Thị Thiện thành lập Hợp tác xã cho rằng: khi trồng nấm, điều quan trọng cần quan tâm đến kỹ thuật, nhất là khâu vệ sinh trước và sau khi thu hoạch. Cụ thể, ngoài nhiệt độ và ánh sáng hợp lý, nguồn nước tưới cũng phải bảo đảm sạch sẽ, không nhiễm mặn, nhiễm phèn.  
 
Hợp tác xã luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, nguồn giống được nhập từ Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và phân phối thống nhất tới các xã viên. Nguyên liệu tạo phôi từ rơm, rạ, lõi ngô, mùn cưa phải được khử trùng bằng vôi bột. Nấm sau thu hoạch được bảo quản và đóng gói khép kín. Hiện nay, ngoài nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, hợp tác xã đã mở rộng sang sản xuất nấm linh chi, nấm kim châm, nấm bào ngư. Các sản phẩm của hợp tác xã đã trở thành mặt hàng quen thuộc tại các chợ, siêu thị trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Đông Anh và trung tâm Hà Nội.
 
Mô hình trồng nấm của Kinoko Thanh Cao, HTX nấm Nghĩa Minh, cơ sở nấm Sáng Thiện và nhiều mô hình trồng nấm khác trên địa thành phố đã cho thấy hiệu quả khi đầu tư sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, khẳng định thương hiệu sản phẩm sản của thủ đô trên thị trường, từng bước tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn, nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường.
 
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, các mô hình trồng nấm công nghệ cao này đã mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp trồng nấm công nghệ cao của Hà Nội. Trước mắt, để hỗ trợ doanh nghiệp về nhận diện sản phẩm nấm kim châm sạch có nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam, Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng cơ chế phối hợp với các địa phương tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan, học tập mô hình, tiếp tục nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t