Hà Nội phòng chống dịch tả lợn Châu Phi: Hạn chế thấp nhất thiệt hại (22:08 14/03/2019)


HNP - Trước tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi có diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã và đang tiến hành các biện pháp chủ động ngăn chặn kịp thời, tổ chức các giải pháp ứng phó kịp thời với dịch tả lợn châu Phi để giảm thiểu thiệt hại và nguy cơ nhiễm bệnh.

Huyện Đông Anh phát hiện, xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Thụy Lâm


Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn, đứng đầu cả nước, trong đó, đàn lợn có gần 2 triệu con. Những năm qua, ngành chăn nuôi của thành phố phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm. 
 
Trong số dịch bệnh này, bệnh Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác. Lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn, tuy nhiên, không lây nhiễm và gây bệnh ở người. 
 
Tính đến 17h ngày 10/3, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 9 hộ, thuộc 5 xã, phường ở các quận, huyện: Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn. Tổng số lợn đã tiêu huỷ là 172 con. Tại 5 quận, huyện đã xuất hiện bệnh, lực lượng chức năng đã thực hiện quyết liệt các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể tham gia phòng chống.
 
Trên địa bàn thành phố, ở nhiều địa phương cũng tập trung tối đa các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác và phân công rõ trách nhiệm cụ thể từng thành viên, tổ chức chống dịch khẩn cấp theo đúng các quy định của Luật Thú y.
 
Tại quận Long Biên, UBND quận đã tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà, vừa qua, quận cũng chỉ đạo cán bộ thú y phường giám sát chăn nuôi lợn trên địa bàn, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng. Nghiêm cấm mua bán vận chuyển các loại lợn, sản phẩm thịt lợn từ vùng có dịch về địa bàn phường.

UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng cử cán bộ đi rà soát lại số lượng đàn tại các hộ chăn nuôi, đồng thời, tuyên truyền và yêu cầu 100% bà con ký cam kết không bán chạy đàn, tránh nguy cơ lây lan bệnh sang các địa phương khác. Đồng thời, lập chốt kiểm dịch liên ngành kiểm soát 24/24 giờ, hạn chế người ra vào cũng như ngăn chặn tình trạng vận chuyển lợn đi nơi khác bán, đảm bảo phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Hà Nội tổ chức diễn tập ứng phó với dịch tả lợi Châu Phi tại huyện Thanh Oai
 
Tại huyện Mỹ Đức, ông Trương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện cho biết: Trong thời gian qua, huyện đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyên động vật, sản phẩm động vật trên các tuyến đường giao thông ra vào địa bàn huyện, giám sát các chợ có buôn bán, các tụ điểm thu gom, vận chuyển, giết mổ lợn. Xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, vận chuyển, giết mổ lợn không rõ nguồn gốc.
 
Ngoài ra, huyện cũng tập huấn cho Ban Chăn nuôi - Thú y 22 xã, thị trấn về cách nhận biết đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, cách phòng chống khi có dịch xảy ra. Cho đến nay, toàn bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã triển khai xong vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường. Nhờ vậy, tại thời điểm này trên địa bàn huyện Mỹ Đức chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
 
Tương tự, tại huyện Ba Vì, ông Nguyễn Đình Dần, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Ba Vì là địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn của thành phố. Nhưng tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư còn cao (khoảng 65%) nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
 
Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, để chủ động phòng dịch huyện ban hành kế hoạch hành động ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch. Đồng thời, chỉ đạo Đài truyền thanh huyện tuyên truyền, hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi trên hệ thống truyền thanh của huyện và xã với tần suất 2 lần/ngày để nhân dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống. Ngoài ra, huyện cũng tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng để diệt mầm bệnh từ môi trường. 
 
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, một trong những bất cập, khó khăn trong phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi ở Hà Nội hiện nay là tỷ lệ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi đan xen trong các khu dân cư và các hộ chăn nuôi này khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Ngoài ra, tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi phá phổ biến, dẫn đến bệnh lây lan nhanh. 
 
Phó Giám đốc Sở cho rằng, qua kiểm tra tại một số địa phương, chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện đều quyết liệt phòng chống bệnh dịch. Các hộ chăn nuôi quy mô trang trại lớn có ý thức tự giác cao trong việc rắc vôi tiêu độc hằng ngày, hạn chế người ra - vào...
 
Hiện nay, các sở, các ngành của thành phố đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh, Sở NN&PTNT cũng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh; phát động đợt tổng tẩy uế môi trường toàn thành phố (dự kiến từ ngày 15/3 đến 15/4/2019). Sở cũng tổ chức ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống bệnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng chống bệnh; đề nghị UBND các địa phương đã xuất hiện bệnh đẩy nhanh việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân để nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Lê Tâm


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t