Hà Nội: Nỗ lực trở thành thành phố khởi nghiệp (12:39 15/10/2018)


HNP - Tạo cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phấn đấu, trong giai đoạn 2018-2020, có khoảng 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, để Hà Nội trở thành thành phố khởi nghiệp vào năm 2020.

Phát huy tinh thần khởi nghiệp

Không riêng Hà Nội, khởi nghiệp đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Thủ đô. Đáng nói, tinh thần khởi nghiệp có nhiều tiến bộ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở Hà Nội liên tục tăng qua các năm. Năm 2016 là 22.617 doanh nghiệp, con số này năm 2017 là 24.519 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97%. Lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến hết 31/12/2017 là 231.205 doanh nghiệp, bình quân 38 người dân Thủ đô/doanh nghiệp, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố là 11.618 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp lũy kế đến thời điểm tháng 6/2018 là 242.137 doanh nghiệp.

Đáng chú ý, từ năm 2015 đến nay, công tác hỗ trợ doanh nghiệp được thành phố đặc biệt quan tâm, coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế của Thủ đô. Ngoài cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thành phố đã bố trí kinh phí, chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tích cực tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo, tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Cải thiện, minh bạch hóa thông tin tín dụng, tạo điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trong tiếp cận vốn tín dụng theo cơ chế thị trường. Cùng với đó, thành phố xây dựng cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện cho cá nhân có ý tưởng phát triển, hoàn thiện và thành lập doanh nghiệp.

Một nhân tố nữa không thể không nhắc tới đó là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố đã có những bước phát triển mạnh, năng lực cạnh tranh cấp độ doanh nghiệp được nâng cao. Trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tham gia các hoạt động xuất nhập khẩu quốc tế. Doanh nghiệp dân doanh đã có đóng góp tích cực cho thu ngân sách thành phố, đồng thời, đã tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động, trung bình mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho hơn 140.000 người lao động. Đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Vượt qua thách thức

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, còn tồn tại nhiều hạn chế trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp: Các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ; việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã được triển khai ở nhiều cấp nhưng thủ tục hành chính vẫn còn liên quan đến nhiều sở, ngành nên việc giải quyết hồ sơ vẫn còn chậm. Việc tiếp cận nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, như: Tín dụng, đất đai, thị trường đầu ra, hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp... vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí. Số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc phá sản còn nhiều, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trên địa bàn trong năm 2017 là 4.409 doanh nghiệp, tăng 12% so với năm 2016; số doanh nghiệp giải thể cũng tăng so với năm 2016 với 1.129 doanh nghiệp.

Xác định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Việc khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển là một nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách của thành phố hiện nay. Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp trên cả nước. Hà Nội với vai trò là kinh tế đầu tầu của cả nước, với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai trên cả nước, do vậy, thành phố đã đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 thành phố có 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đơn cử, đẩy mạnh thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, tăng cường đăng ký qua mạng điện tử mức độ 4, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, phấn đấu giải quyết 100% các thủ tục hành chính liên quan.

Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng và năng cao hiệu quả sử dụng vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể, mở rộng các hoạt động bảo lãnh tín dụng, trong đó khuyến khích bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp và vừa; tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, thành phố, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng...

Ngoài ra, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi sự, gồm: Mặt bằng sản xuất, xúc tiến, mở rộng thị trường, nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ, thông tin, tư vấn và pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực... Đáng chú ý, không thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian 3 năm đầu kể từ khi doanh nghiệp được thành lập. Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc trường hợp thực sự cần thiết và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mặc dù vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước để trở thành thành phố khởi nghiệp vào năm 2020, nhưng rõ ràng Hà Nội đang có sự khởi động đầy hy vọng cho tương lai trong việc phát triển doanh nghiệp.


H. Hải


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t