Ngành Du lịch Thủ đô: Điểm nhấn với những sản phẩm du lịch (09:59 13/03/2018)


HNP - Du lịch Thủ đô những năm gần đây có nhiều bước tiến mới, trong đó, sản phẩm du lịch là một dấu chấm của ngành được Thành phố ghi nhận. Ngoài ra, ngành du lịch cũng đã tập trung giải quyết nạn chèo kéo khách, để du lịch Hà Nội ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè trong nước cũng như quốc tế.

Khách nước ngoài tham quan tại phố đi bộ


Với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, Thành phố vì hòa bình; Hà Nội đã xác định lấy sản phẩm du lịch văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch. Trong những năm qua, Hà Nội đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch thu hút du khách hiệu quả, tiêu biểu là đã tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận từ 19h00 ngày thứ sáu đến 24h00 ngày chủ nhật hàng tuần, toàn bộ khu vực được phủ sóng Wifi miễn phí, cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố đã tạo hiệu ứng tích cực và là điểm đến kích cầu cho du lịch Thủ đô; khai trương phố sách Hà Nội tại khu vực phố 19/12, quận Hoàn Kiếm; phát triển các điểm đến đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch như: “Không gian áo dài Việt Nam” Lanhuong Fashion House, TanMy Design, “Không gian văn hóa Hà Nội” tại đình Đồng Lạc trưng bày và trình diễn các sản phẩm thủ công truyền thống... 
 
Sở Du lịch cũng định hướng để các doanh nghiệp lữ hành xây dựng đưa vào hoạt động tuyến du lịch Hà Nội vàng từ trung tâm du lịch phố cổ - hồ Hoàn Kiếm kết nối với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... và 9 sản phẩm du lịch citytour tham quan miễn phí kết hợp đi bộ dành cho du khách quốc tế và khách ngoại tỉnh tới Hà Nội. Đồng thời, chú trọng nâng cấp sản phẩm du lịch tại khu di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long, khu vực hồ Tây; khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản (tiêu biểu như: múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa, Đông Anh; khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng trồng hoa xã Tiền Phong, Mê Linh); phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu vực núi Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền thờ Bác Hồ gắn với khu di tích K9 - Đá Chông...; phát triển các điểm đến du lịch làng nghề như làng gốm sứ Bát Tràng, làng nón Chuông, làng họa sỹ Cổ Đô... gắn với mô hình nghỉ tại nhà dân (homestay).
 
Đáng chú ý, Hà Nội có nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đầy sức hấp dẫn. Hà Nội là cái nôi của di sản và là nơi kết nối những điểm đến tiêu biểu của khu vực phía Bắc. Đây đều là những điểm đến tiêu biểu, độc đáo và mang dấu ấn khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. Ngành Du lịch Hà Nội xác định, định hướng xuyên suốt là phát triển du lịch chất lượng, hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, như tạo dựng sản phẩm hoàn chỉnh và đồng bộ tại khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long; khu vực xung quanh hồ Tây và vùng phụ cận; không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; khu di tích Cổ Loa; quy hoạch, đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm trở thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, phát triển các sản phẩm du lịch theo chuyên đề (Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử…) gắn với sản phẩm du lịch phố cổ - hồ Hoàn Kiếm; xây dựng sản phẩm du lịch kết nối với các địa phương; phát triển điểm đến du lịch mới tại một số huyện ngoại thành có tiềm năng du lịch như: Ba Vì, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ…
 
Với nhiều lợi thế, tuy nhiên, tình trạng chèo kéo khách du lịch vẫn còn phổ biến. Do đó, ngành du lịch đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch với quan điểm kiên quyết chỉ đạo chuyển từ thế bị động sang chủ động để giảm được tình trạng chèo kéo du khách. Phối hợp các lực lượng chủ động rà soát, ngăn chặn các đối tượng có hành vi chèo kéo khách. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an Thành phố, các Sở ngành liên quan, UBND quận Hoàn Kiếm, Công an quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm thực xử lý các đối tượng chèo kéo khách du lịch ở khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Phố cổ; câu trộm cá tại Hồ Hoàn Kiếm. 
 
Bên cạnh đó, còn tổ chức các buổi làm việc chuyên đề về công tác kiểm tra, xử lý tình trạng chèo kéo, ép giá, bắt chẹt giá đối với khách du lịch, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch trên địa bàn với các quận trọng điểm về du lịch gồm Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ… Qua đó giảm cơ bản những hiện tượng “chặt chém”. Thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ tập trung chỉ đạo Bộ phận hỗ trợ khách du lịch tăng cường phối hợp cùng lực lượng an ninh của các quận huyện để kịp thời ngăn chặn các hành vi chèo kéo, ép giá khách du lịch.

Quỳnh Anh


Các bài mới đăng

Các bài đã đăng :

Bài viết Xem




Viết bình luận

Họ tên:(*)
Số điện thoại:
Tiêu đề:(*)
Nội dung:(*)
Mã xác nhận:         L?y l?i m� b?o m?t